Cuộc sống bộn bề khó khăn, người dân càng hoang mang và khó hiểu với đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng dầu lên tối đa 8.000đồng/lít trong Luật Thuế BVMT sửa đổi.
Có phải đây là một “khoản đầu tư” ngược nhằm vào một mục đích hết sức chung chung là BVMT. Nghĩa là cứ tính khoản thu đã, miễn sao cho “công khai, minh bạch, đúng quy trình”, còn tiền về thì chi ra sao, chi vào đâu cho hiệu quả với BVMT thì sẽ được các cơ quan chức năng… tính toán sau.
Cái mà người ta sẽ dễ dàng nhẩm tính ra được ngay là con số hàng triệu lít xăng, dầu mà người dân đang sử dụng sẽ phải cõng thêm một hệ số mới là từ 3.000 - 8.000 đồng/lít.
Việc giá xăng tăng lên liệu có khiến 1 người giảm nhu cầu đi lại hay không? Xin thưa là có, chắc chắn có. Nhưng đó là những người đi dạo, đi chơi, chiếm một con số và khoảng thời gian vô cùng ít ỏi trong danh sách những chiếc xe máy, ôtô trên đường. Các đơn vị giao hàng, người vận chuyển không thể ngưng sử dụng ôtô, xe máy để… tiết kiệm chi phí. Các nhu cầu vẫn phải diễn ra như bình thường và cách duy nhất, đơn giản nhất là tăng giá. Người tiêu dùng cuối cùng luôn là người thiệt thòi trong mọi góc nhìn. Thậm chí nếu nhìn xa hơn, khi các chi phí khiến giá các mặt hàng tăng lên thì kể cả những người ngồi im một chỗ không động đậy cũng phải bỏ tiền ra bù vào cái khoản tăng giá xăng đã được tính vào mặt hàng. Chỉ số giá mà tăng là lạm phát tăng. Để “lấy lại” công bằng, họ chỉ có thể tăng giá những dịch vụ, hàng hóa mà họ cung cấp. Còn như không có nốt những điều này, họ là người thiệt thòi nhất.
Nhiều ý kiến cho rằng tăng thuế bảo vệ môi trường vào giá xăng không giúp bảo vệ môi trường mà thêm khó khăn cho dân.
Bao nhiêu năm nay, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và rất nhạy cảm đối với chỉ số giá tiêu dùng. Chỉ cần giá xăng nhúc nhích chút ít là đủ khiến cả thị trường chứng khoán “đỏ lửa”, lạm phát tăng và giá vàng tăng theo.
Câu hỏi đặt ra là, giá xăng tăng, tiền thu được tạm coi là sẽ dồn hết vào có giúp BVMT, trong sạch bầu không khí hay không? Thì cứ nhìn vào hiệu quả những khoản chi phí và dự án mà ngân sách phải bỏ ra để làm sạch môi trường. Đã có cả một chương trình hành động đàng hoàng với bao giải pháp, ý kiến của các nhà khoa học, sự ủng hộ của ban ngành địa phương và đặc biệt là 100 tỷ đồng chỉ để xử lý ô nhiễm môi trường ở làng nghề giấy Phong Khê, Bắc Ninh từ năm 2011. Đến nay, tình trạng vẫn như cũ, thậm chí còn bết bát hơn, môi trường ở làng nghề này vẫn “đen kịt” như chưa hề có tác động nào của “kế hoạch tẩy rửa” kia.
Thủ đô thì luôn nằm trong danh sách những thành phố ô nhiễm ở mức báo động đỏ. Người dân vẫn phải hít thở khói bụi độc hại, sống trong môi trường ô nhiễm. Ở các tỉnh, thành khác, những con sông, con suối, thậm chí cả biển rộng, núi cao đều sôi sùng sục vì những doanh nghiệp sản xuất khổng lồ đầy ma mãnh vẫn đâm vòi bạch tuộc xả thải bậy tràn lan. Vừa bít được chỗ nọ, chỗ kia lại bể. Cá, tôm, cua, cây nông nghiệp đua nhau chết như ngả rạ khắp nơi cũng vì ô nhiễm. Thậm chí rất nhiều các tỉnh, thành từ Nam chí Bắc còn chưa có nhà máy xử lý rác thải hiện đại. Rác được thu gom rồi chôn lấp. Các bãi rác ngày càng phình to khiến những khu dân cư xung quanh kêu trời. Thử hỏi, trong tất cả những nguồn ô nhiễm khủng khiếp ở cấp độ cao nhất đó, có nguồn nào mà xăng, dầu can dự vào hay không?
Thực ra, hiệu quả của các kế hoạch BVMT bấy lâu nay chỉ nhỉnh hơn con số 0 chút ít, là chính bởi các cơ quan hữu quan đã không đưa ra một tầm nhìn bao quát. Tỉ dụ như với một mối ô nhiễm ở khu vực này thì cần xử lý ra sao, bằng chất liệu, phương án gì, tốn kém bao nhiêu tiền của. Công việc này không khác gì một nhà đầu tư đang đánh giá số vốn và mục tiêu cho những dự án xem có khả thi hay không.
Trái lại, đa số người có trách nhiệm chỉ hô khẩu hiệu hết sức chung chung, mơ hồ và đầy biểu hiện của sự “cha chung không ai khóc” đại loại như: Đã đến lúc phải giảm ô nhiễm môi trường; Cần làm trong sạch bầu khí quyển; Quyết tâm xây dựng môi trường sống lành mạnh.
Có ý kiến rằng người ta chỉ chăm chăm vào việc thu tiền, thu sao cho “không bỏ sót”, đúng quy định. Còn việc thu rồi làm gì không phải việc của người đưa ra đề xuất tăng giá xăng để bảo vệ môi trường.
Có lẽ vì không có được sự cụ thể đó cho nên theo những thống kê thì số thuế môi trường thu được 11.160 tỉ đồng vào năm 2012, đã tăng lên 42.393 tỉ đồng vào năm 2016. Trong khi đó, chi cho bảo vệ môi trường lại tăng không đáng kể, từ 9.000 tỉ đồng năm 2012 lên 12.290 tỉ đồng năm 2016. Và tương ứng với đó là mức độ ô nhiễm môi trường không hề thuyên giảm. Đây xem như là một sự “thua lỗ” toàn diện của khoản đầu tư BVMT.