Đề xuất sớm tăng lương tối thiểu, giảm giờ làm việc xuống 44 giờ/tuần

31-10-2023 16:44 | Thời sự
google news

SKĐS - Phát biểu tại phiên thảo luận về KT-XH chiều 31/10, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa đề xuất sớm tăng lương tối thiểu cho người lao động từ 1/7/2024; giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần.

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu và đánh giá cao kết quả đạt được trong 9 tháng năm 2023, nhưng vẫn còn 5/15 chỉ tiêu Quốc hội giao chưa đạt kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là năm thứ ba liên tiếp không đạt chỉ tiêu này. 

Đại biểu lo ngại tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đang có xu hướng giảm và thấp hơn mức bình quân của giai đoạn trước. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung 3 nguyên nhân nêu tại Báo cáo số 577 của Chính phủ, xác định trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt đối với chỉ tiêu này.

Về độ mở của nền kinh tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở kinh tế tăng nhanh và lớn nhất thế giới. Đại biểu nhấn mạnh, bên cạnh những mặt tích cực, nền kinh tế có độ mở cao nếu không có những giải pháp chính sách tốt sẽ đem lại nhiều hệ lụy như: Nền kinh tế dễ bị tổn thương, nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài, tăng trưởng cao nhưng vẫn ở vị trí cuối trong chuỗi giá trị toàn cầu, nguy cơ là công xưởng gia công, nguy cơ rơi vào bẫy trung bình là hiện hữu…

ĐBQH đề xuất sớm tăng lương tối thiểu cho người lao động, giảm giờ làm việc xuống 44 giờ/tuần - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn.

Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể tác động của độ mở nền kinh tế đến nước ta ra sao; độ mở bao nhiêu là phù hợp với nước ta; nhu cầu và cơ chế kiểm soát độ mở của nền kinh tế nước ta thế nào. Từ đó có giải pháp để xây dựng nền kinh tế tự chủ hơn, có khả năng thích ứng tốt hơn theo quan điểm phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại.

Về giải pháp trong thời gian tới, theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, tại kỳ họp này, Chính phủ đã báo cáo việc thực hiện các kế hoạch, chương trình 5 năm gửi đến Quốc hội, trong đó, đề xuất 52 nhóm giải pháp và nhiệm vụ. Đại biểu đề nghị phải rà soát kỹ để bảo đảm tính liên thông, kết nối và tương hỗ trong các báo cáo, nhất là về nguyên nhân và bài học kinh nghiệm cũng như các giải pháp và nhiệm vụ. 

Trên sơ sở rà soát, đề nghị Chính phủ xác định những giải pháp nào là trọng tâm, trọng điểm, có tính đột phá để tập trung thực hiện, không dàn trải và bảo đảm tính khả thi cao. Trong đó, đại biểu Nghĩa đề nghị quan tâm đến 3 nhóm giải pháp:

Thứ nhất, tăng cầu trong nước, phát triển thị trường nội địa: Tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp; đại biểu nhất trí kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết 30/6/2024. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động bảo đảm thực hiện từ 1/7/2024 cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công.

ĐBQH đề xuất sớm tăng lương tối thiểu cho người lao động, giảm giờ làm việc xuống 44 giờ/tuần - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên thảo luận về tình hình KT-XH chiều 31/10.

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đề nghị trong kỳ họp này, Quốc hội yêu cầu tổng soát thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực; trong đó, tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh, đến đổi mới, sáng tạo để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Thứ ba, tăng cường liên kết vùng: Năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quốc hội đã thông qua 2/3 quy hoạch quan trọng cấp quốc gia, nhằm định hướng không gian phát triển của đất nước. Đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành luật hoặc nghị quyết về phát triển vùng, tăng cường liên kết vùng.

Ngoài ra, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, tiến tới 40 giờ/tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ 1999).

"Thao túng thị trường BĐS nguy hiểm không kém hành vi thao túng thị trường chứng khoán"'Thao túng thị trường BĐS nguy hiểm không kém hành vi thao túng thị trường chứng khoán'

SKĐS - ĐBQH Trịnh Xuân An cho rằng, hành vi thao túng trong thị trường BĐS nguy hiểm không kém gì hành vi thao túng trong thị trường chứng khoán. Hiện nay thao túng trong thị trường kinh doanh BĐS rất tinh vi, tình trạng bong bóng, giá trên trời so với thực tế.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn