Nhà chung cư phải có thời hạn sử dụng
Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật nhà ở (sửa đổi), với những thay đổi lớn trong chính sách nhà ở. Tờ trình của Chính phủ đã chỉ ra những bất cập, hạn chế cần sửa đổi Luật nhà ở, đó là quy định về sở hữu nhà ở, đặc biệt với nhà chung cư cũ không còn đủ an toàn buộc phải phá dỡ, cải tạo. Nguyên nhân là do pháp luật về nhà ở không quy định việc chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư, nên chủ sở hữu cho rằng đây là quyền vĩnh viễn.
Với nội dung liên quan đến việc sở hữu nhà chung cư, dự thảo quy định nhà chung cư hết thời hạn sử dụng, hoặc chưa hết thời hạn nhưng buộc phải tháo dỡ theo quy định sẽ phải chấm dứt quyền sở hữu. Như vậy, khác với các dự thảo đưa ra trước đây, Chính phủ đưa ra đề xuất sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Theo đó, thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế, được ghi rõ trong văn bản thẩm định.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đồng tình với chủ trương sở hữu chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở. Theo ông Nghiêm, hiện nay ngay cả Liên hợp quốc khi công nhận quyền sở hữu kiến trúc công trình cũng có thời hạn.
"Đối với nhà chung cư cần thống nhất có thời hạn sử dụng theo cấp công trình, nhưng nên bổ sung thêm quy định trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan quản lý khi hết hạn sử dụng thế nào để người dân yên tâm" - ông Đào Ngọc Nghiêm nều quan điểm.
Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi cũng bổ sung mô hình chủ đầu tư cải tạo chung cư cũ trong dự thảo Luật nhà ở, ngoài Nhà nước, doanh nghiệp, cần đưa thêm mô hình cộng đồng các hộ dân liên kết cải tạo chung cư cũ. Đây là mô hình rất thực tiễn, Hà Nội đã áp dụng thành công, các nước cũng đã làm.
Quy định sở hữu chung cư có thời hạn sẽ ít ảnh hưởng tới thị trường bất động sản. Bởi bản chất chung cư đã và đang là một sản phẩm thiết yếu đối với người dân, phù hợp với nhiều đối tượng vừa phù hợp với túi tiền, khả năng thanh toán và cuộc sống đô thị và trở thành thói quen, cho nên vẫn là một sản phẩm người ta lựa chọn.
Về việc đảm bảo quyền lợi đối với những người dân đã mua và sở hữu nhà chung cư lâu dài, chuyên gia này cho rằng, khi quy định này được thông qua, những chung cư người dân đã mua trước đây thì vẫn được giữ nguyên. Đến khi tuổi thọ của chung cư không còn nữa thì áp dụng Luật mới và phải tìm nơi ở mới để người ta được mua. Như vậy, người dân sẽ chuyển đổi từ nơi ở cũ sang nơi ở mới theo luật mới, khi đó, chính sách mới của mình cần có hỗ trợ cho đối tượng cũ vì họ mua nhà chung cư với giá sở hữu lâu dài.
Nhà chung cư có thời hạn thì giá phải thấp hơn
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, quá trình giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu diện tích chung của nhà chung cư giữa chủ đầu tư với cư dân sinh sống trong tòa nhà xảy ra ở một số khu nhà chung cư tại Hà Nội và TPHCM cũng như ở các thành phố khác của cơ quan Nhà nước còn không ít lúng túng.
Nguyên nhân chính là sự thiếu chi tiết, không đầy đủ hoặc không phù hợp, bất cập của Luật Nhà ở hiện hành. Cụ thể đó là quy định về xác định diện tích sở hữu chung; diện tích sở hữu riêng của nhà chung cư; sự không rõ ràng trong quy định về cải tạo nhà chung cư đặc biệt là vấn đề bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu nhà chung cư cũ nát, xuống cấp khi cải tạo, xây dựng mới… Điều này cho thấy sự cần thiết phải có những quy định rõ ràng về vấn đề sở hữu chung cư có thời hạn.
"Chung cư có thời hạn cần xác định làm thế nào để có giá trị thấp hơn giá trị chung cư sở hữu lâu dài, để cho quyền lợi, lợi ích của người dân không bị ảnh hưởng do điều chỉnh. Khi điều chỉnh giảm giá trị tiền sử dụng đất, chi phí đất đai ít đi, giá bán sẽ thấp hơn", TS Tuyến nói.
Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc công ty luật Minh Bạch cho rằng, chúng ta cần phải có lộ trình, không phải sửa riêng Luật Nhà ở, mà Bộ Xây dựng cần phối hợp với các bộ khác để trình Chính phủ xây dựng một lộ trình sửa đổi pháp luật, bao gồm cả pháp luật dân sự và pháp luật về đất đai. Riêng đối với vấn đề sở hữu nhà chung cư có thời hạn, phải xây dựng lộ trình cho người dân. Tức là những người chịu ảnh hưởng thì họ sẽ được gì và mất gì. Nếu anh mua nhà sở hữu 50 năm thì sẽ được mua với giá chỉ bằng một nửa so với những người đi trước, đã mua nhà gắn liền với quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, theo vị luật sư này, Bộ Xây dựng cũng cần giải quyết quyền lợi cho những đơn vị chủ đầu tư xây dựng nhà chung cư có thời hạn. Bởi nếu chi phí để xây nhà có thời hạn không giảm hơn nhiều so với chung cư không thời hạn thì chủ đầu tư sẽ không làm và không làm thì nguồn cung sẽ không có.
Theo các chuyên gia, với sở hữu nhà chung cư có thời hạn, quy định của Luật nhà ở cần nêu rõ thời hạn sở hữu nhà chung cư khi bán nhà. Bên cạnh đó, cần công khai, minh bạch giữa quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu đất. Nếu không tách ra thì không xử lý được tranh cãi trong xã hội về quyền sở hữu chung cư hiện nay.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản Tin Y Tế 15/3: Kỳ Tích Cứu Sống Người Đàn Ông Bị Container Cán Nát Nửa Người | SKĐS