Dự thảo Nghị định quy định số lượng người làm công tác dược lâm sàng tối thiểu là 1 người/200 giường bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với bệnh nhân nội trú và tối thiểu 01 người làm công tác dược lâm sàng/1.000 đơn thuốc, bao gồm cả đơn thuốc điện tử/ngày được cấp phát tại khoa dược cho người bệnh ngoại trú có thẻ bảo hiểm y tế.
Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có dưới 200 giường bệnh và cấp phát dưới 1.000 đơn thuốc, bao gồm cả đơn thuốc điện tử /ngày hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không tổ chức khoa dược theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh phải bố trí tối thiểu 01 người làm công tác dược lâm sàng và tối thiểu 01 người làm công tác dược lâm sàng/1.000 đơn thuốc, bao gồm cả đơn thuốc điện tử /ngày được cấp phát tại khoa dược cho người bệnh ngoại trú có thẻ bảo hiểm y tế.
Đối với nhà thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bố trí tối thiểu 1 người làm công tác dược lâm sàng/1 địa điểm kinh doanh.
Người phụ trách công tác dược lâm sàng phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại Luật dược và phải có thời gian, nội dung thực hành chuyên môn tại các cơ sở có liên quan đến công tác sử dụng thuốc.
Ảnh minh họa
Điều kiện của người làm công tác dược lâm sàng được quy định theo hướng ngoài bằng tốt nghiệp đại học ngành dược, cần có văn bằng, chứng chỉ đào tạo về dược lâm sàng để bảo đảm hoạt động tư vấn, sử dụng thuốc của người làm công tác dược lâm sàng.
Dự thảo còn đề xuất quy định cụ thể nội dung hoạt động dược lâm sàng của người làm công tác dược lâm sàng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (07 nội dung cơ bản), nội dung hoạt động dược lâm sàng tại khoa lâm sàng cũng như công tác phối hợp trong hoạt động dược lâm sàng.
Các hoạt động dược lâm sàng của các cơ sở khám chữa bệnh tập trung vào các hoạt động mang tính hệ thống nâng cao chất lượng sử dụng thuốc như: Xây dựng các danh mục thuốc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, xây dựng quy trình hướng dẫn chuyên môn liên quan đến sử dụng thuốc, phân tích đánh giá hiệu quả sử dụng thuốc của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, theo dõi, giám sát phản ứng có hại của thuốc... đến các hoạt động cụ thể trên cá thể người bệnh, đặc biệt là nhóm bệnh nhân đặc biệt: Bệnh nhân mắc nhiều bệnh đồng thời, bệnh nhân nhi, bệnh nhân phải sử dụng các thuốc đặc biệt như các thuốc có khoảng điều trị hẹp, nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng, kháng sinh, thuốc cần pha truyền đặc biệt... các hoạt động kiểm tra, giám sát kê đơn sử dụng thuốc trên bệnh nhân, bình ca lâm sàng, tham gia hội chẩn chuyên môn để lựa chọn thuốc trong điều trị... nhằm đảm bảo mục tiêu sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả.
Trước đó, ngày 20/12/2012 Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư số 31/2012/TT-BYT hướng dẫn hoạt động dược lâm sàng trong bệnh viện nhằm bảo đảm sử dụng thuốc hiệu quả, an toàn, hợp lý, người bệnh được chăm sóc bằng thuốc tốt lại kinh tế.
Các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh đa số đã bố trí dược sĩ đại học làm công tác dược lâm sàng. Tuy nhiên, còn kiêm nhiệm và rất thiếu so với quy mô, công việc và nhiều nơi dược sĩ chưa được đào tạo về dược lâm sàng. Thu nhập của dược sĩ lâm sàng không được tính hệ số cao hơn dược sĩ làm công tác cung ứng thuốc nên không khuyến khích được các dược sĩ dược lâm sàng (có trình độ cao hơn) toàn tâm làm việc. Cơ sở vật chất đã được trang bị nhưng chưa đầy đủ, như thiếu các phần mềm chuyên dụng cho hoạt động dược lâm sàng, thiếu dữ liệu để tra cứu...
Các vấn đề liên quan về biên chế, nhân lực, nguồn tài chính, các ưu đãi, hỗ trợ... nêu trên để triển khai công tác dược lâm sàng tại bệnh viện lại thuộc chức năng, quyền hạn của các Bộ, ngành khác cũng chưa được quan tâm đầu tư. Vì vậy, các đơn vị triển khai chưa đồng bộ và không thống nhất.
Ngày 6/4/2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật dược (số 105/2016/QH13) và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2017.
Luật dược năm 2016 có nhiều nội dung mới đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, cung ứng và sử dụng thuốc có chất lượng, an toàn, hợp lý, hiệu quả. Luật cũng giao Chính phủ quy định một số nội dung trong đó có nội dung quy định việc tổ chức, hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đây là nội dung quan trọng, trong đó, Điều 81 và Khoản 3 Điều 116 Luật dược đã quy định các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tổ chức triển khai công tác dược lâm sàng và giao Chính phủ căn cứ vào tình hình thực tế, quy định tổ chức, hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm cả cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của lực lượng vũ trang nhân dân theo lộ trình để đảm bảo tính khả thi, với lộ trình thực hiện từ 1/1/2021 đối với các bệnh viện từ hạng 1 trở lên.