Bộ Tư pháp cho biết, triển khai thực hiện Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, trong điều kiện còn nhiều hạn chế về nguồn lực, Bộ Tư pháp đã chủ động xây dựng và triển khai áp dụng từ thí điểm đến nhân rộng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung, có kết nối với phần mềm quản lý số định danh cá nhân để cấp số định danh cá nhân cho trẻ em được đăng ký khai sinh từ ngày 01/01/2016.
Bên cạnh việc triển khai bước đầu đăng ký hộ tịch trực tuyến bằng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Lào Cai, Bắc Kạn, Hà Giang; thực hiện Quyết định số 877/QĐ-TTg ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện trong các năm 2018-2019, một số địa phương đã chủ động triển khai đăng ký trực tuyến một số việc hộ tịch.
Xuất phát từ nhiệm vụ được giao tại các văn bản pháp luật nêu trên, từ thực tế đang từng bước hình thành tương đối nhanh chóng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, việc cải cách hành chính đòi hỏi phải đẩy nhanh tiến độ đăng ký trực tuyến các thủ tục trong lĩnh vực hộ tịch, việc xây dựng Nghị định quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến trong năm 2019 là hết sức cần thiết.
Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác. Ảnh minh họa.
Bộ Tư pháp đã dự thảo Nghị định quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến gồm 5 chương, 26 điều. Trong đó nêu rõ quy định về xây dựng, cập nhật, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; đăng ký hộ tịch trực tuyến, ghi, lưu trữ, quản lý sổ đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch, văn bản xác nhận thông tin hộ tịch; quản lý nhà nước đối với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Theo dự thảo, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được xây dựng tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, do Bộ Tư pháp thống nhất quản lý. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn, lưu trữ vĩnh viễn. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác; duy trì hoạt động liên tục, ổn định, thông suốt đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật. Việc xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; đăng ký hộ tịch trực tuyến phải tuân thủ Luật hộ tịch, các văn bản quy định chi tiết thi hành và các quy định pháp luật có liên quan; bảo đảm bảo vệ bí mật đời tư cá nhân theo quy định pháp luật.
Dự thảo nêu rõ, nghiêm cấm những hành vi sau: Cố ý cung cấp thông tin không đúng sự thật khi đăng ký hộ tịch trực tuyến, làm sai lệch thông tin, thay đổi, xóa, hủy dữ liệu trái pháp luật trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Truy cập, sử dụng các biện pháp trái pháp luật để khai thác thông tin hoặc phát tán thông tin từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Phá hoại cơ sở hạ tầng thông tin hoặc cản trở quá trình vận hành, duy trì ổn định, liên tục của Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Trên toàn hệ thống đã ghi nhận: 14.035 người dùng là công chức tư pháp - hộ tịch tại 8.919 UBND cấp xã, 579 Phòng Tư pháp cấp huyện và 52 Sở Tư pháp cấp tỉnh tham gia tác nghiệp hàng ngày. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc đã dần được hình thành tại 52/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 5.186.636 trường hợp đăng ký khai sinh, trong đó có 2.519.844 trẻ em là công dân Việt Nam dưới 14 tuổi đăng ký khai sinh (lần đầu) sau ngày 01/01/2016 được cấp Số định danh cá nhân; 1.143.813 hồ sơ đăng ký kết hôn; 1.828.152 lượt cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; 749.585 trường hợp đăng ký khai tử; 3.710 trường hợp đăng ký giám hộ.
26.782 trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con; 88.682 trường hợp đăng ký cải chính, thay đổi, bổ sung hộ tịch; 1.833 trường hợp đăng ký xác định lại dân tộc; 16 trường hợp xác định lại giới tính và hơn 17,5 triệu công dân đã được thu thập, thiết lập thông tin cơ bản về nhân thân, mối quan hệ công dân.
Mời bạn đọc xem chi tiết dự thảo Nghị định quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến dưới đây: