Hà Nội

Đề xuất quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Ngăn chặn biến tướng, cấu kết với “xã hội đen”

31-08-2018 16:22 | Thời sự
google news

SKĐS - Mới đây, Bộ Tài chính công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về việc kinh doanh (KD) dịch vụ đòi nợ thuê, trong đó đề xuất Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an ninh, trật tự với hoạt động KD dịch vụ đòi nợ.

Trong dự thảo Nghị định nói trên, Bộ Tài chính cho rằng, hoạt động KD dịch vụ đòi nợ là hoạt động nhạy cảm về mặt xã hội, dễ xảy ra các vi phạm về an ninh, trật tự do hành vi đòi nợ bất hợp pháp, cần quy định KD dịch vụ đòi nợ là một loại hình KD có điều kiện. Cụ thể, Bộ Tài chính cho rằng, dịch vụ đòi nợ vẫn còn nhiều hạn chế, dịch vụ này sử dụng nhân viên không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; hoạt động không đúng địa chỉ, không đúng nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký KD, thậm chí một số công ty đòi nợ có hành vi “khủng bố”, nhân viên có cấu kết với các đối tượng “xã hội đen” bắt cóc, tống tiền để đòi nợ...

Do vậy, Bộ Công an sẽ là đầu mối chỉ đạo công an các cấp kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện các quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động KD dịch vụ đòi nợ; cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của Chính phủ cho các doanh nghiệp (DN) KD dịch vụ đòi nợ; thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với các DN có hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội; tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm quy định về an ninh, trật tự trong hoạt động KD dịch vụ đòi nợ.

Theo chia sẻ, hiện nay ở Hà Nội xuất hiện một số công ty đăng ký KD nghề thu hồi nợ (một cách nói văn hoa của đòi nợ thuê) nhưng xem chừng cách thức đòi nợ vẫn một kiểu “bình mới rượu cũ”, nghĩa là dùng du côn đến dọa nạt. Phần trăm “hoa hồng” chi lại cho công ty tùy độ khó dễ của vụ việc nhưng phổ biến ở mức 35-45%, nghĩa là cũng bằng với thuê “đầu gấu”. Mà sự thực thì nhiều công ty cũng là do... “đầu gấu” lập ra. Đây cũng là lý do khiến những công ty hoạt động thu hồi nợ đúng nghĩa khó tồn tại. Thậm chí có thời gian, nhóm “xã hội đen” tập hợp lại sống bằng nghề đòi nợ thuê. Ngoài việc đòi tiền bằng cách dùng vũ lực đe dọa, các đối tượng này còn có kiểu đòi: Thuê thương binh đến cơ quan con nợ, ngồi lỳ ăn vạ ở đấy, mang cả điếu cày đến hút sòng sọc, xịt bã ra sàn nhà rồi nhổ bậy lung tung. Có khách đến giao dịch với công ty, họ liền đồng thanh nói rằng DN này đang nợ đầm đìa, sắp phá sản đến nơi. Cứ thế hàng tháng liền, không để cho con nợ làm ăn được gì. Con nợ gọi Cảnh sát 113 đến, nhưng cảnh sát đến rồi phải đi ngay vì họ trình bày rằng mình không gây mất trật tự, chỉ đi đòi tiền, chả có cớ gì mà bắt họ. Vả lại họ đều là thương binh, đụng đến là lôi thôi to. Tình trạng này gây bức xúc trong dư luận.

Chính vì rất nhiều nhóm đòi nợ thuê tự phát hành nghề phi pháp do các thành phần “xã hội đen” tự thành lập băng nhóm và làm việc theo kiểu giang hồ như đưa cho con nợ vòng hoa tang, quan tài; chất thải công nghiệp, chất hóa học tấp thẳng vào nhà; vác mã tấu xông thẳng vào nhà con nợ... đã tạo nên một cái nhìn không mấy thiện cảm của xã hội về nghề KD dịch vụ đòi nợ. Kéo theo đó là ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các công ty đòi nợ hoạt động đúng pháp luật.

Không ít ý kiến cho rằng, dịch vụ đòi nợ là một lĩnh vực ngành nghề KD có điều kiện. Do vậy, cần có những quy định cụ thể để đảm bảo cho họ quyền tự do KD, tuy nhiên vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Quan trọng nhất là làm sao để quản được loại hình dịch vụ này, đòi được nợ cho dân và DN, không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn cho xã hội. Hơn nữa, để quản lý dịch vụ đòi nợ (loại hình KD nhạy cảm, ranh giới lao lý mong manh này), cần phải có quy chế quản lý rõ ràng. Vì nếu áp dụng một cách cứng nhắc, thì công việc KD đòi nợ bị coi như một đối tượng về hình sự, chứ không phải là một dịch vụ KD thuần túy.


ĐỨC HÒA
Ý kiến của bạn