Đương nhiên bên cạnh sự lãng phí còn là dấu hỏi về năng lực của các “chiến lược gia” chuyên chăm lo chỗ ở cho người dân. Những bước đi vội vã nhằm “đoán trước ý dân” đang đẩy họ - người quản lý xây dựng và các chủ đầu tư vào thế khó...
Lãng phí những khu nhà hoang
Sau 10 năm hoàn thành nhưng không có người ở, Công ty CP xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco3) đã đề xuất TP. Hà Nội cho phép phá bỏ toàn bộ 3 tòa nhà tái định cư cao 6 tầng với 150 căn hộ ở khu đô thị Sài Đồng (Q. Long Biên, TP. Hà Nội).
Theo tìm hiểu, 3 tòa nhà được xây dựng từ năm 2001 đến 2006 để phục vụ nhu cầu tái định cư tại chỗ của người dân sau khi giải phóng mặt bằng tuyến phố Sài Đồng, khu đô thị Sài Đồng. Tuy nhiên, người dân không chấp nhận thỏa thuận về tái định cư tại đây nên toàn bộ quỹ nhà này bị bỏ hoang. Từ đó đến nay, dự án mở rộng tuyến phố cũng chưa thực hiện được. Cũng vì bỏ hoang, các tòa nhà xuống cấp nghiêm trọng, lở lói, bong tróc, cỏ mọc um tùm, các song sắt hoen rỉ, khuôn viên xung quanh bị nhiều người lấn chiếm để đổ phế thải.
Trong khi nhiều khu nhà tái định cư đồ sộ thiếu chủ thì người dân lại không mặn mà, lỗi tại cơ quan quản lý?
Nếu đổ lỗi cho vị trí khu nhà bất tiện thì hãy đến với khu nhà tái định cư 4A Tạ Quang Bửu, thậm chí đây còn được coi là một vị trí đẹp như mơ khi nằm giáp vị trí phố lớn Đại Cồ Việt - “đất vàng” của quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tòa nhà dù đã hoàn thiện từ 2015 với hơn 150 căn hộ khang trang nhưng vẫn vắng bóng người ở. Theo thông tin từ quận Hai Bà Trưng thì chủ đầu tư tòa nhà trên xây dựng để phục vụ tái định cư tại chỗ nhưng cũng do chưa thỏa thuận được với người dân nên nhiều năm nay tòa nhà không có người ở.
Tại TP.HCM, tình hình cũng tương tự với hàng ngàn căn hộ tái định cư bỏ hoang. Tuy nhiên, khi cho phép các chủ đầu tư chuyển sang nhà ở thương mại để thu hồi vốn thì giá lập tức lại lên đến vài tỷ đồng/căn.
Điển hình là khu tái định cư ở quận 2 do Công ty Thuận Việt làm chủ đầu tư hiện được rao bán theo diện nhà ở thương mại với tên mới New City. Hiện ở khu vực tầng trệt của dự án, nhiều cửa hàng tiện ích, cà phê, thức ăn nhanh đã tổ chức hoạt động. Nhân viên một sàn giao dịch bất động sản cho biết giá bán căn hộ ở New City khoảng 47-65 triệu đồng/m2 (2-3,5 tỉ đồng/căn). Dự án này có tổng cộng khoảng 1.300 căn. Như vậy, nếu bán hết số căn hộ này, chủ đầu tư có thể thu về khoảng từ 3.500 - 4.200 tỉ đồng.
Nguyên nhân mà cơ quan quản lý và chủ đầu tư đưa ra là do công tác giải phóng mặt bằng rất phức tạp, diễn ra tương đối chậm. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra ngoài những yếu kém trong xây dựng, quản lý thì còn do sự bất hợp lý. Doanh nghiệp xây nhà tái định cư diện tích lớn, gần trung tâm thì mức tiền đền bù dân nghèo không đủ để mua. Còn làm dự án quá xa trung tâm thành phố thì dân không mặn mà vì không tiện sinh hoạt và làm việc. Lúc này, chính quyền chỉ còn cách đập bỏ hoặc chuyển sang nhà ở thương mại bán giá cao. Cuối cùng, người dân bị giải tỏa vẫn không được hưởng lợi gì từ chính sách của Nhà nước, cũng chẳng có chỗ ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Nhà không chỉ ở mà còn...
Một trong những nước đi “sai sách” của cơ quan quản lý xây dựng và chủ đầu tư các khu tái định cư bỏ hoang - đó là chỉ biết xây những khu nhà ở những khu đất hiện có, cốt để cho xong việc mình để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận mà quên đi rằng người dân còn cần rất nhiều những yếu tố khác để có thể ở một cách đúng nghĩa.
Theo TS. Phạm Sĩ Liêm - phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng, nhà tái định cư bỏ hoang là do chủ trương không gắn liền với thực tế như chất lượng xây dựng thấp, các dịch vụ về giao thông, điện nước, cơ sở giáo dục, chợ búa chưa đồng bộ. Ngoài ra còn là do vướng mắc về thủ tục pháp lý, tiêu chuẩn giao nhà, đặc biệt các khu nhà tái định cư hiện nay mới chủ yếu giải quyết nhu cầu ăn, ở mà phần quan trọng hơn nữa là sinh kế của người dân sau đó thì hầu như chưa được tính đến.
Các khu nhà này một là lãng phí tiền của Nhà nước hoặc nguồn lực của chủ đầu tư và đang đưa tất cả vào bước tiến thoái lưỡng nan trong khi nhu cầu của người dân về nhà ở thì luôn thiếu.
Giải pháp cho tình trạng này, đề xuất của các chuyên gia xây dựng cho rằng, cần chấm dứt cơ chế tái định cư vì những nguy cơ lãng phí và trục lợi, đồng thời phải đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân theo đúng cơ chế thị trường. Còn việc lựa chọn nhà nào, ở đâu là quyền quyết định của người dân, không nên áp đặt buộc họ phải ở nhà tái định cư do Nhà nước xây.
Trước đề xuất phá dỡ các tòa nhà tái định cư xuống cấp, cơ quan quản lý xây dựng Hà Nội chưa đồng ý mà đề xuất ngược lại là duy trì, tu tạo để tiếp tục dùng làm quỹ nhà tái định cư hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng để phát huy hiệu quả. Khi còn mới đã vắng bóng người, nay xuống cấp nữa thì liệu có ai “dám” chấp nhận về ở sau này. Còn chuyển đổi thì ai sẽ hưởng lợi và quyền lợi của người dân tái định cư ở đâu? Đây hẳn là bài học và cũng là đề toán khó khiến các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý xây dựng và chủ đầu tư cần tốn nhiều công phu giải quyết.