Đề xuất nhà chung cư có thời hạn sở hữu: Người dân bất an, cơ quan soạn thảo lý giải thế nào?

16-09-2022 16:31 | Thời sự

SKĐS - Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó có đề xuất 2 phương án quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Bộ Xây dựng: Hà Nội và TP. HCM hầu như không còn căn hộ chung cư giá dưới 25 triệu đồng/m2Bộ Xây dựng: Hà Nội và TP. HCM hầu như không còn căn hộ chung cư giá dưới 25 triệu đồng/m2

SKĐS - Bộ Xây dựng báo cáo, giá nhà, đất liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân khiến người lao động thu nhập thấp khó tiếp cận và tạo lập chỗ ở. Tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hầu như không còn căn hộ chung cư có giá dưới 25 tr/m2.

Thời hạn sở hữu bằng thời hạn của công trình

Theo đó, phương án 1 bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định căn cứ vào thời hạn sử dụng công trình theo quy định của pháp luật xây dựng. Trong đó, thời hạn sở hữu nhà chung cư được áp dụng đối với các loại nhà chung cư, bao gồm nhà chung cư thương mại, nhà chung cư xã hội, nhà chung cư tái định cư, nhà chung cư công vụ.

Thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng của công trình nêu trong hồ sơ thiết kế công trình nhà chung cư được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và được tính từ khi nghiệm thu toàn bộ công trình nhà chung cư đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Nhiều ý kiến xung quanh đề xuất nhà chung cư có thời hạn sở hữu - Ảnh 2.

Đề xuất thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định căn cứ vào thời hạn sử dụng công trình.

Dự thảo cũng đưa ra phương án xử lý nhà chung cư khi hết thời hạn sở hữu. Theo đó, trường hợp nhà chung cư hết thời hạn sở hữu nhưng vẫn còn đủ điều kiện tiếp tục được sử dụng theo kết luận kiểm định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì chủ sở hữu đề nghị cơ quan cấp Giấy chứng nhận gia hạn thời hạn sở hữu trong Giấy chứng nhận theo thời hạn nêu trong kết luận kiểm định.

Trường hợp nhà chung cư hết thời hạn sở hữu nhưng phải phá dỡ theo kết luận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền thì chấm dứt quyền sở hữu của chủ sở hữu đối với căn hộ nhà chung cư và thực hiện xử lý như sau: Trường hợp theo quy hoạch được phê duyệt vẫn tiếp tục xây dựng lại nhà chung cư thì thực hiện phá dỡ để xây dựng lại theo quy định tại Chương V của Luật này; Trường hợp theo quy hoạch được phê duyệt không tiếp tục xây dựng lại nhà chung cư thì chủ sở hữu được bồi thường về đất và bố trí tái định cư theo quy định của pháp luật về đất đai.

Phương án 2 là giữ nguyên như quy định hiện hành, không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, người mua nhà chung cư được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài. Việc xử lý các tình huống cụ thể của nhà chung cư theo phương án này được thực hiện theo quy định hiện hành (Nghị định số 69/2021/NĐ-CP) và nay được cụ thể hóa tại Chương V của Luật này.

Cần giải quyết hài hòa giữa lợi ích

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Mai (trú tại quận Cầu Giấy - Hà Nội) bày tỏ quan điểm: "Vợ chồng tôi tích góp bao năm mới mua được một căn hộ 100m2 với giá 4 tỷ đồng. Nếu quy định chung cư có thời hạn sử dụng thì đời các con, cháu chúng tôi không được sử dụng. Điều này khiến bản thân tôi thấy vô lý".

Trong khi đó, anh Trương Văn Phong - một môi giới BĐS nhận định: "Nếu quy định trên có hiệu lực chắc chắn loại hình nhà ở chung cư không còn hấp dẫn như hiện nay, người dân sẽ chuyển hướng mua nhà ở riêng lẻ nhiều hơn".

Chia sẻ về điều này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Theo ông Châu, tại thời điểm hiện nay chưa nên áp dụng việc này mà chỉ giới hạn thời gian sử dụng chung cư khi công trình này đã bị xuống cấp nghiêm trọng với sự giám định chất lượng kỹ lưỡng.

Thông tin đến báo chí, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định đề xuất trên phù hợp với Luật Dân sự. Theo quy định của Hiến pháp, quyền sở hữu sẽ không bị hạn chế trừ trường hợp có những quy định nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của người dân. Mặt khác, Luật Dân sự cũng quy định, quyền sở hữu sẽ chấm dứt khi tài sản (trường hợp các căn chung cư cũ, xuống cấp, không đảm bảo an toàn bị buộc dỡ bỏ) bị tiêu hủy.

Ông Khởi cũng khẳng định không đóng khung thời hạn sở hữu nhà chung cư là 50 hay 70 năm vì trong dự thảo luật không nêu thời hạn sở hữu nhà chung cư là bao nhiêu năm. Thời hạn sở hữu nhà được xác định theo thời hạn công trình nêu trong hồ sơ thiết kế đã thẩm định, được tính từ khi nghiệm thu toàn bộ công trình đưa vào sử dụng. Thời hạn này cũng được ghi rõ trong hợp đồng mua bán căn hộ.

Khi hết thời hạn sở hữu, nếu nhà còn đủ điều kiện sử dụng, chủ sở hữu sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, gia hạn thời gian sở hữu. Theo đó, giả sử, nhà được mua với giá của thời hạn sở hữu là 70 năm, nhưng được sử dụng có thể lên đến 80 - 90 năm.

Bày tỏ sự đồng tình ủng hộ với đề xuất mới của Bộ Xây dựng trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định sở hữu nhà chung cư theo thời hạn sử dụng công trình, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, vấn đề đặt ra là làm thế nào để giải quyết hài hòa giữa lợi ích, trách nhiệm và nghĩa vụ của các chủ sở hữu chung cư theo quy định trước đây và đề xuất mới của Bộ Xây dựng về sở hữu và sử dụng nhà chung cư theo thời hạn công trình.

Dự kiến, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 4 – Quốc hội khóa XV (tháng 10/2022) và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023). Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) nếu được thông qua sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2024.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Vũ điệu 2K phòng chống dịch COVID-19- Vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn