Đề xuất nâng cấp những bệnh viện nào thành hiện đại để 'hút' người nước ngoài đến khám chữa bệnh?

23-08-2023 07:54 | Y tế

SKĐS - Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, một trong những thế mạnh của y tế trong nước là chi phí thấp hơn các nước trong khi chất lượng lại không thua kém nhiều nước. Bộ Y tế đề xuất 5 bệnh viện hạng đặc biệt sẽ được nâng cấp thành bệnh viện hiện đại, để thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh.

Thầy thuốc Việt Nam làm chủ nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu, không thua kém các nước khác

Trả lời Sức khoẻ & Đời sống, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhấn mạnh, bác sĩ Việt Nam đã làm chủ được rất nhiều kỹ thuật điều trị cao không thua kém các nước khác đặc biệt tại các bệnh viện tuyến cuối, đầu ngành, điển hình là các kỹ thuật về ghép bộ phận cơ thể người (Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã được giao và tổ chức thẩm định theo tiêu chuẩn quốc tế các kỹ thuật ghép gan, ghép thận, ghép tim, ghép chi thể... và ghép đa tạng); các kỹ thuật cao về thụ tinh ống nghiệm; các công nghệ cao về làm răng sứ, răng giả; điều trị đột quỵ; mổ nội soi; điều trị ung thư; kỹ thuật mong mạch vành, mổ tim; kỹ thuật thay khớp gối, khớp háng và các kỹ thuật cao khác vê cơ xương khớp.

Cùng đó một trong những thế mạnh của y tế trong nước là chi phí thấp hơn các nước trong khi chất lượng điều trị nhiều chuyên khoa lại không thua kém các nước trong khu vực, trên thế giới…

"Sự phát triển về kỹ thuật y tế này đã thu hút rất nhiều Việt kiều về nước điều trị. Tại một số bệnh viện lớn của nước ta thời gian qua đã thu hút nhiều người nước ngoài đến thăm khám, điều trị" - PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

Đề xuất nâng cấp những bệnh viện nào thành hiện đại để 'hút' người nước ngoài đến khám chữa bệnh? - Ảnh 1.

Một bệnh nhân người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Việt Đức Ảnh: CTXH

Đến nay ngành Y tế Việt Nam đã làm chủ công nghệ ghép và ghép được 6/6 tạng chủ yếu là tim, gan, phổi, thận, tụy, ruột; làm chủ các công nghệ phẫu thuật nội soi và can thiệp tim mạch, công nghệ làm răng sứ, răng giả với chi phí giảm từ ½ đến 1/3 so với nước ngoài, góp phần quan trọng trong việc tăng cơ hội, tăng khả năng tiếp cận của người bệnh đối với những kỹ thuật cao trong điều trị bệnh hiểm nghèo, đồng thời thu hút được rất nhiều Việt kiều về nước điều trị, nhiều người nước ngoài đến thăm khám, điều trị.

Trong chuyên ngành ung thư, nhờ áp dụng một loạt các tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị bao gồm: phẫu thuật, xạ trị, điều trị hệ thống bằng hóa chất, nội tiết và sinh học đã cho thấy tỷ lệ chữa khỏi một số bệnh, đặc biệt như ung thư vú tính chung lên tới trên 70%. Đây là kết quả tương đương với kết quả của Singapore và các nước phát triển trên thế giới. 

Về y tế chuyên sâu, có thể nói hiện TP. HCM là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển chuyên môn kỹ thuật với việc thực hiện thành công nhiều kỹ thuật khó, điều trị được nhiều bệnh hiểm nghèo, tiếp cận và làm chủ được hầu hết các kỹ thuật y học tiên tiến trên thế giới... Người dân TP. HCM đang có điều kiện được chăm sóc sức khỏe tốt hàng đầu cả nước. Người dân các địa phương lân cận cũng đã được hưởng lợi rất nhiều từ điều này.

TP. HCM cũng đã trở thành điểm đến khám chữa bệnh của người dân không chỉ trong nước mà còn của các nước bạn trong khu vực.

Đề xuất nâng cấp 5 bệnh viện hạng đặc biệt để thu hút người nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh   

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết thêm "hiện nay chúng tôi tiếp tục xây dựng một đề án tiếp tục phát triển y tế kỹ thuật cao để không chỉ 'giữ chân' người bệnh trong nước mà còn tạo sự thu hút người nước ngoài, Việt kiều đến/về Việt Nam khám chữa bệnh". 

Một trong những thế mạnh nữa của y tế Việt Nam được Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nói đến là lĩnh vực y học cổ truyền của Việt Nam cũng rất tốt. "Tôi cho rằng đây là tiềm năng để chúng ta hút Việt kiều, người nước ngoài. Để làm được điều này cần tiếp tục có sự quan tâm, đầu tư nguồn lực để đưa y học cổ truyền của Việt Nam phát huy"- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

Ghép thận – ghép tạng là kỹ thuật y sinh học cao, đòi hỏi nhiều chuyên ngành, tốn kém và phải theo dõi lâu dài, liên tục với chế độ dùng thuốc hợp lý, nhất là thuốc ức chế miễn dịch.

Các bệnh viện tuyến cuối, đầu ngành làm chủ nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu trong ghép đa tạng, tim mạch...

Trong quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Y tế đề xuất nâng cấp, đầu tư một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng; 5 bệnh viện hạng đặc biệt sẽ được nâng cấp thành bệnh viện hiện đại, để thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh.

Theo đó, 5 bệnh viện hạng đặc biệt sẽ được nâng cấp là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Trung ương Huế. Việc này để giảm số người Việt Nam phải ra nước ngoài, thu hút người nước ngoài đến khám chữa bênhh tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề xuất nâng cấp, đầu tư một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng gồm 20 bệnh viện đa khoa, bổ sung 7 bệnh viện đa khoa mới ở vùng có địa bàn rộng, khó khăn trong tiếp cận bệnh viện tuyến Trung ương (Trung du và Miền núi phía bắc) và vùng có mật độ dân số cao (Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ), 20 bệnh viện chuyên khoa.

Người nước ngoài, Việt kiều đến Việt Nam thăm khám, điều trị những dịch vụ nào?Người nước ngoài, Việt kiều đến Việt Nam thăm khám, điều trị những dịch vụ nào?

SKĐS - Trong những năm qua ngành y tế có sự tiến bộ vượt bậc. Nhiều bệnh viện ứng dụng thành công các kỹ thuật khó, tiên tiến trên thế giới trong ghép tạng, điều trị tim mạch, ung thư, sản phụ khoa, răng hàm mặt...; Cùng đó, chi phí điều trị thấp đã tạo cho y tế Việt Nam 'hút' bệnh nhân là người nước ngoài, Việt kiều”.


Thái Bình
Ý kiến của bạn