Hà Nội

Đề xuất mời Nga trở lại cùng G7, Mỹ gặp hàng loạt phản đối

28-07-2020 16:35 | Quốc tế
google news

SKĐS - Đức vừa bác bỏ đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump mời Nga quay trở lại cùng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) - Ngoại trưởng Đức Heiko Maas thông báo ngày 27/7. Trước đó, ý tưởng này của ông Trump đã gặp hàng loạt phản đối.

Ước muốn của ông Trump

Hội nghị Thượng đỉnh G7 ban đầu được lên kế hoạch vào tháng 6/2020, nhưng do đại dịch COVID-19, sự kiện này đã bị hoãn lại. Người đứng đầu Nhà Trắng, lại một lần nữa, quyết định hoãn Hội nghị thượng đỉnh cho đến mùa thu năm 2020, nhưng lần này ông đã đưa ra một kế hoạch mới và sẽ mở rộng số lượng khách mời. Ông Trump tuyên bố rằng, G7 gần như đã lỗi thời và ông muốn mời thêm một số quốc gia khác tham gia hội nghị thượng đỉnh, trong đó có Nga, để biến nó thành hội nghị thượng đỉnh G9 .

Ông Dmitry Suslov - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu toàn diện châu Âu và quốc tế nhận định rằng Tổng thống Mỹ muốn mở rộng nhóm G7 là để củng cố vị thế của mình trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, bởi một trong những chủ đề chính của G7 là sự bành trướng của Trung Quốc và ông Trump muốn liên kết với Nga để ngăn chặn Trung Quốc.

Ý tưởng của Tổng thống Trump về việc mời Nga tham dự cùng G7 không phải là mới. Trước đó, vào Hội nghị thượng đỉnh năm 2018 và Hội nghị thượng đỉnh năm 2019, người đứng đầu Nhà Trắng đã nói về vấn đề này. “Có những người muốn Nga trở lại. Tôi nghĩ rằng, điều này sẽ hữu ích đối với rất nhiều nước trên thế giới. Điều này là tích cực. Chúng ta nên thảo luận về điều này” - ông Trump nói tại Hội nghị thượng đỉnh năm 2019.

Ông Trump mong muốn có thể tận dụng sự kiện G7 như diễn đàn đối trọng với Trung Quốc, là cơ hội để ông đề xuất giải pháp và tìm kiếm sự ủng hộ trong cạnh tranh Bắc Kinh, xây dựng hình ảnh mang tính dẫn dắt, “làm đẹp” hồ sơ tranh cử Tổng thống vào tháng 10/2020 tới.

Bên cạnh đó, từ lâu, ông Trump đã muốn cải thiện quan hệ với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, song gặp sự phản đối mạnh mẽ từ lưỡng đảng. Do đó, ông hy vọng có thể tận dụng vai trò chủ nhà và sự vắng mặt của các quốc gia khác để đưa Nga trở lại cùng G7.

Đề xuất của Mỹ mời Nga trở lại cùng G7 gặp hàng loạt phản đối.

Đề xuất của Mỹ mời Nga trở lại cùng G7 gặp hàng loạt phản đối.

Vì số đông, không vì một

Phát biểu với báo Rheinische Post  (Đức)  ngày 27/7, Ngoại trưởng Heiko Maas cho hay: “Nhóm G7 và G20 vẫn là hai định dạng hợp tác hợp lý. Chúng ta không cần G11 hoặc G12 nữa”. Ông Maas khẳng định không thấy bất cứ cơ hội nào để cho phép Nga quay trở lại cùng G7 nếu không có những tiến triển trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Crimea và phía Đông Ukraine.

Trong dự thảo nghị quyết chống lại việc để Nga tham gia các cuộc họp của nhóm G7 trình lên Thượng viện Mỹ của nhóm thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ, có đoạn ghi rằng: “Thay vì sử dụng tất cả các công cụ chúng ta có được để chống lại những mối đe dọa của Nga đối với quân đội và cuộc bầu cử của chúng ta, Tổng thống Trump lại đang cố gắng bình thường hóa quan hệ của Mỹ với Nga và “dâng thưởng” cho Kremlin”.

Liên minh châu Âu (EU) nói rằng luôn xem trọng G7 như một tổ chức đa phương quan trọng, do đó, không thể tùy ý thay đổi cơ cấu bởi nước chủ nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh, cụ thể là Mỹ. “Nga đã bị loại ra khỏi nhóm G8 (nhóm 8 quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu thế giới). Một cuộc thảo luận có ý nghĩa sẽ diễn ra chỉ khi Nga thay đổi thái độ và tôn trọng các quy tắc quốc tế. Do đó, Hội nghị Thượng đỉnh G7 không thể ở định dạng G8” - một phát ngôn viên của EU cho hay. Được biết, đã loại Nga khỏi nhóm G8 vào năm 2014 nhằm trừng phạt việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

G7 - từ một diễn đàn để các ông lớn phương Tây gặp gỡ, chia sẻ tầm nhìn, tăng cường hợp tác vì mục tiêu chung, G7 giờ đây đang đứng trước nguy cơ trở thành “Mỹ và những người bạn”. Châu Âu đã và sẽ tiếp tục phản đối sự trở lại của Nga, còn Trung Quốc cũng chẳng dễ chịu gì trước sự tập hợp “tình cờ” này...


Hà Anh
Ý kiến của bạn