Đề xuất mở rộng chi trả BHYT các dụng cụ trợ giúp người khuyết tật

26-08-2019 14:58 | Xã hội
google news

SKĐS - Hiện, nước ta có gần 6,2 triệu người khuyết tật (NKT). Họ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về điều kiện sống. Việc được hỗ trợ các dụng cụ trợ giúp sẽ giúp NKT tự tin hòa nhập với cộng đồng.

Hơn 3 triệu NKT được cấp thẻ BHYT

Nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách về việc mở rộng chi trả của Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với dụng cụ trợ giúp thiết yếu cho NKT, mới đây, tại Hà Nội, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo “Chính sách BHYT đối với NKT - Thực trạng và định hướng sửa đổi, bổ sung”.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, NKT là một trong những yếu tố cấu thành của xã hội. Việt Nam hiện có 6,2 triệu NKT. Được biết, tỷ lệ khuyết tật vận động là hơn 1,8 triệu người; khuyết tật thần kinh, tâm thần là hơn 1 triệu người; khuyết tật trí tuệ hơn 400 ngàn người và khuyết tật khác gần 1,5 triệu người. Đáng lưu ý, tỷ lệ NKT sống ở nông thôn chiếm đến hơn 80%, trong đó hơn một nửa là đang trong tuổi lao động.

Cũng theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, trong những năm qua, ngành y tế Việt Nam cùng với ngành LĐ-TB&XH cũng như các tổ chức trong nước và quốc tế đã dành nhiều sự quan tâm cho NKT. Trong hệ thống khám chữa bệnh Việt Nam, 100% các bệnh viện đa khoa tuyến Trung ương và 98% bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có khoa phục hồi chức năng (PHCN). Các khoa, tổ PHCN ở các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện ngày càng được củng cố. Hoạt động PHCN dựa vào cộng đồng cũng được triển khai rộng rãi ở nhiều địa phương.

Sự hỗ trợ về tài chính trong chăm sóc sức khỏe cho NKT thuộc diện chính sách được thực hiện thông qua chính sách cấp thẻ BHYT miễn phí hoặc hỗ trợ một phần chi phí mua thẻ BHYT. Hiện có hơn 3 triệu NKT trong số 6,2 triệu NKT đã được cấp thẻ BHYT miễn phí và không phải đồng chi trả khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh. Phạm vi chi trả BHYT đối với các dịch vụ y tế, PHCN liên tục được mở rộng, nếu như năm 2011 mới có 33 bệnh và 47 kỹ thuật PHCN thì năm 2016 đã tăng lên 252 kỹ thuật (tất cả các dịch vụ PHCN do Bộ Y tế ban hành đều được chi trả BHYT).

“Tuy nhiên, trong thực tế vẫn đang tồn tại một số rào cản trong cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, PHCN cũng như trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ của NKT, đó là vẫn còn trên 3 triệu NKT phải tự mua BHYT và phải đồng chi trả phí dịch vụ khám chữa bệnh. Đặc biệt, các dịch vụ về dụng cụ trợ giúp trong vận động rất cần đối với NKT nhưng lại chưa được BHYT chi trả”, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nói.

NKT được hỗ trợ dụng cụ trợ giúp sẽ tự tin hòa nhập với cộng đồng

Theo quan điểm của ThS.BS. Lê Tuấn Đống - Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế, kết quả Điều tra Quốc gia về NKT cũng cho thấy, khi không sử dụng dụng cụ trợ giúp, có hơn 15% NKT gặp khó khăn khi đi bộ. Khi sử dụng dụng cụ trợ giúp, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn gần 2%. Do đó, nếu NKT được cung cấp dụng cụ trợ giúp thì họ sẽ gia tăng các khả năng tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là dụng cụ trợ giúp mà NKT rất cần như chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính... hiện chưa được BHYT chi trả. Trong khi đó, phần lớn NKT đều thuộc diện hoàn cảnh khó khăn nên dụng cụ trợ giúp đối với NKT vẫn là một “ước mơ xa vời”.

“Đáng chú ý, tỷ lệ khuyết tật có xu hướng tăng dần theo tuổi. Vì vậy, trong tương lai, tỷ lệ khuyết tật có thể tiếp tục gia tăng do Việt Nam đang chuyển sang quá trình dân số già. Vì vậy, việc chi trả từ nguồn BHYT cho các dụng cụ trợ giúp đối với NKT rất cần được quan tâm xem xét”, ông Đống nói.

Báo cáo Điều tra Quốc gia NKT năm 2016 cho thấy, NKT đang đối mặt với nhiều khó khăn về điều kiện sống và chăm sóc sức khỏe. Số hộ gia đình có NKT chiếm 55% trong 2 nhóm thu nhập thấp nhất của cả nước. Theo chuẩn tiếp cận nghèo đa chiều năm 2016, hộ gia đình có NKT sẽ có nguy cơ nghèo cao gấp hơn 2 lần so với hộ gia đình không có NKT (19,4% so với 8,9%). Hầu hết NKT đã bị ốm/bệnh, chấn thương hoặc có sử dụng dịch vụ y tế trong vòng 12 tháng tính đến thời điểm điều tra (91,5%) và cao hơn gần 20% so với người không khuyết tật.


Hà Lan
Ý kiến của bạn