Đề xuất không để thuốc lá điện tử thâm nhập vào Việt Nam dưới mác thuốc lá nung nóng

23-11-2023 14:47 | Y tế
google news

SKĐS - Đó là chia sẻ của Ths. Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá tại Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá diễn ra tại Hà Nội vào sáng nay.

Hội nghị do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá Bộ Y tế tổ chức.

Cũng theo Ths Hương, trước tình trạng gia tăng người trẻ trong việc sử dụng thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá nung nóng mới, Ths Hương đề xuất việc không cho phép thí điểm thuốc lá nung nóng, không để tình trạng thuốc lá điện tử thâm nhập vào thị trường Việt Nam dưới mác thuốc lá nung nóng bởi việc sử dụng trá hình sẽ rất khó kiểm soát.

Phát biểu tại hội nghị, Ông Hồ Hồng Hà - Phó Vụ trưởng vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đây là hội nghị cung cấp thông tin mới tới báo chí về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới; tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá trên các báo chí.

Đề xuất không để thuốc lá điện tử thâm nhập vào  Việt Nam dưới mác thuốc lá nung nóng- Ảnh 1.

Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Mai.

Theo Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá, hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới (trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động). Còn theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD. Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường.

Hàng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá, cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính, mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá, thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12 nghìn đến 47 nghìn tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.

Đề xuất không để thuốc lá điện tử thâm nhập vào  Việt Nam dưới mác thuốc lá nung nóng- Ảnh 2.

Ông Hồ Hồng Hà - Phó Vụ trưởng vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quỳnh Mai.

Để cho thuốc lá điện tử nở rộ, lan rộng là có tội

Tại hội nghị, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã chia sẻ những video ấn tượng về tác hại của thuốc lá. Có thể thấy, thuốc lá làm tàn phá thể chất, tinh thần của người nghiện thuốc lá.

Bằng những kinh nghiệm và kiến thức về chuyên môn cũng như quá trình hoạt động làm việc thực tế, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên cho biết, thành phần hóa chất, ma túy của thuốc lá điện tử phức tạp hơn rất nhiều so với thuốc lá truyền thống.

Cần sa tổng hợp đang và sẽ là nhóm ma túy lớn nhất, phức tạp nhất và thách thức nhất trong nhiều năm tới, trong đó, thuốc lá điện tử (vape) là môi trường tồn tại chính của ma túy cần sa tổng hợp. Để quản lý thuốc lá điện tử, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên đề xuất cần ngay lập tức cấm lưu hành thuốc lá điện tử ở Việt Nam, cần cấm hoàn toàn, không thử nghiệm, không cần đánh giá, theo dõi.

Đề xuất không để thuốc lá điện tử thâm nhập vào  Việt Nam dưới mác thuốc lá nung nóng- Ảnh 3.

TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, để thuốc lá điện tử nở rộ, lan rộng là có tội. Ảnh: Quỳnh Mai.

Cập nhật những thông tin mới về tình hình sử dụng thuốc lá tại Việt Nam, Ths. Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết, năm 2022, theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên 13 - 15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi học sinh từ 13-15 tuổi là 3,5%. Năm 2019, tỷ lệ này là 2,6%.

Trong vòng 3 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng đáng kể. Điều này khiến những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ.

Mời bạn đọc xem tiếp video: Kinh hoàng: Hút thuốc lá điện tử có thể tổn thương phổi cấp

Kinh hoàng: Hút thuốc lá điện tử có thể tổn thương phổi cấp.


Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn