Thông tin cho báo chí chiều 23/7 về đề xuất không bán rượu, bia từ sau 22 giờ đến 6 giờ, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) khẳng định, tổ biên tập dự thảo Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia đang nghiên cứu để quy định này không gây ảnh hưởng đến du lịch. Dự kiến đến năm 2015 sẽ đưa ra trình Chính phủ và đến năm 2016 có thể ban hành thông qua dự án Luật này.
Ảnh minh họa: Internet.
Bà Trang cho biết, trong quá trình xây dựng luật, tổ biên tập cũng đã tham khảo quy định về giờ cấm bán đồ uống ở một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trong đó có những quốc gia rất phát triển về du lịch như Singapore, Thái Lan cũng quy định về giờ cấm bán đồ uống có cồn, chỉ dành một số địa điểm nhất định cho phép bán rượu, bia mà không ảnh hưởng đến ngành du lịch.
Đây là quy định về quan hệ xã hội liên quan đến hành vi, nếp sống văn hóa đã ăn sâu bám rễ trong đời sống nên tổ biên tập cũng nhận định việc truyền thông, thực hiện nếu quy định này được ban hành đi vào cuộc sống sẽ rất khó khăn, cần một thời gian tương đối dài để đi vào thực tiễn. Tuy nhiên, quy định này nếu được thực hiện sẽ là một trong những biện pháp hiệu quả để hạn chế việc tiếp cận từ đó giảm tác hại của lạm dụng rượu, bia, hạn chế các ảnh hưởng bất lợi về sức khỏe, tai nạn giao thông, an ninh trật tự, bạo lực gia đình do lạm dụng rượu, bia.
Về quy định cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi, bà Trang cho biết, qua tham khảo tại các nước đều có quy định này, kèm theo đó là quy định phải xuất trình chứng minh nhân dân khi mua rượu, bia hoặc không bán rượu, bia khi có trẻ em đi cùng để tránh cho trẻ em khỏi tiếp xúc quá sớm với rượu, bia. Ở nước ta, trong Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em đã có quy định liên quan đến vấn đề lạm dụng rượu bia. Mặc dù vậy, bà Trang cũng cho rằng đây là một quy định không dễ dàng triển khai.
Hiện tổ biên tập đưa ra 3 phương án để đưa ra lấy ý kiến trong dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia. Trong đó, phương án được cho tối ưu nhất là quy định không được bán rượu, bia trong khoảng thời gian sau 22 giờ đến 6 giờ sáng tại một số địa điểm theo danh mục và lộ trình quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và yêu cầu phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia.
Phương án thứ hai là sẽ cấm án rượu, bia tại một số địa điểm trong khoảng thời gian phù hợp. Với phương án này sẽ triển khai trước tại một số địa phương như TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội do nhu cầu bức thiết về tình trạng lạm dụng rượu, bia và an toàn giao thông. Sau đó sẽ triển khai rộng trong toàn quốc khi có đủ điều kiện và kinh nghiệm thực hiện.
Về ý kiến cho rằng người mua có thể mua trước 22 giờ và uống sau 22 giờ, bà Trang cho rằng điều này không đáng ngại vì khi đưa ra quy định cấm bán rượu, bia sau 22 giờ thì cũng đồng thời thống nhất với quy định người mua sẽ không được sử dụng rượu, bia tại địa điểm cấm bán từ sau 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.
Ngoài ra, tổ biên tập cũng đang nghiên cứu xây dựng phương án giám sát, thanh tra, kiểm tra và quy định cấm hoặc hạn chế quảng cáo, tiếp thị rượu, bia.
Thế nào là lạm dụng rượu bia và quy định giới hạn đơn vị rượu:
Đối với đối tượng là trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con bằng sữa mẹ mà sử dụng rượu bia thì được coi là lạm dụng.
Người 60 tuổi trở lên mà uống quá 14 đơn vị rượu / 1 tuần, hơn 2 đơn vị rượu/ 1 ngày, hơn ½ đơn vị rượu / 1 giờ thì là lạm dụng.
Người từ 18-60 tuổi sử dụng trên 21 đơn vị rượu/ 1 tuần, 3 đơn vị rượu/ 1 ngày, 1 đơn vị rượu/ 1 giờ cũng được coi là lạm dụng.
Minh Trí