Xếp lương bậc 2 đối với tất cả hạng chức danh
Tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, PGS.TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam đã trình bày tham luận với chủ đề "Vai trò của Công đoàn trong tham gia phòng chống COVID-19".
Thay mặt Công đoàn Y tế Việt Nam, bà Phạm Thanh Bình đã đề xuất một số kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cấp có thẩm quyền như sau:
Về mức lương khởi điểm của bác sĩ: Ngành y là ngành đặc thù, với trình độ và chất lượng lao động cao, để có chứng chỉ hành nghề và được đi làm tại các cơ sở y tế, một bác sĩ phải mất 7,5 năm (trong đó 6 năm học đại học và 18 tháng thực hành sau khi tốt nghiệp) trong khi cử nhân chỉ học 4 năm. Tuy nhiên, khi ra trường, tiền lương ngạch, bậc, các chế độ phụ cấp hưởng như nhau. Đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh việc xếp lương khởi điểm đối với bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh.
Về phụ cấp trực, phụ cấp ưu đãi nghề, thâm niên nghề cần được tính vào lương mới để đảm bảo các chế độ đặc thù ngành y tế là ngành được đãi ngộ đặc biệt theo Nghị quyết 20 và Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị.
Về phụ cấp trực: Hiện nay, mức phụ cấp của công chức, viên chức, NLĐ trong các cơ sở y tế công lập theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg quá thấp và không còn phù hợp. Đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg điều chỉnh nâng mức phụ cấp trực theo mức chi phụ cấp trực tương ứng theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với mức lương tối thiểu mới từ 1/7/2023 là 1.800.000 đồng.
Về phụ cấp ưu đãi nghề: Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 05/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Trong đó, mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng. Tuy nhiên, hiệu lực của Nghị định chỉ được áp dụng từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023.
"Đề nghị Chính phủ xem xét kéo dài thời hạn Nghị định và mở rộng đối với đối tượng y tế cơ sở hưởng phụ cấp. Các chế độ phụ cấp trực và ưu đãi nghề, thâm niên nghề cần được quy đổi để tính vào mức lương mới sẽ áp dụng từ 1/7/2024 đối với ngành y tế", bà Phạm Thanh Bình nói.
Có chính sách để doanh nghiệp tuyển dụng lao động nữ
Bà Phạm Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam đã trình bày với đại hội tham luận với chủ đề "Công đoàn Dệt May Việt Nam (CĐDMVN) với công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi lao động nữ, xây dựng gia đình đoàn viên, người lao động no ấm, hạnh phúc".
Bà Phạm Thị Thanh Tâm cho hay, ngành Dệt may Việt Nam là ngành đông lao động nữ (chiếm trên 67% tổng lao động toàn ngành), CĐDMVN luôn xác định chăm lo, bảo vệ quyền lợi và đồng hành cùng lao động nữ trong xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Nhiệm kỳ vừa qua, CĐDMVN luôn chú trọng tuyên truyền, phổ biến chính sách, kiến thức liên quan đến nữ, bình đẳng giới, gia đình, trẻ em, sức khỏe sinh sản bằng nhiều hình thức, trong đó ưu tiên mạng xã hội và hình ảnh trực quan sinh động, dễ gần, dễ hiểu.
Tại cấp cơ sở, Thỏa ước Lao động tập thể của nhiều đơn vị quy định các điều khoản cao hơn luật dành cho lao động nữ như: Tầm soát ung thư, khám sức khỏe sinh sản, tổ chức chuyền may riêng với ghế ngồi phù hợp và suất ăn dinh dưỡng cho lao động nữ mang thai, tặng quà cho lao động nữ sinh con trong kế hoạch, hỗ trợ chi phí gửi trẻ, hỗ trợ chi phí tránh thai cho lao động nữ khi đã sinh đủ 2 con...
Thay mặt CĐDMVN, bà Phạm Thị Thanh Tâm đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan kết nối các ngành nghề phù hợp với từng lứa tuổi, để khi NLĐ đã hết tuổi nghề ở những công việc nặng nhọc, các trung tâm dịch vụ việc làm có thể giới thiệu họ làm những công việc phù hợp để có thêm thu nhập và tham gia BHXH, khi về hưu có mức lương đủ sống.
Các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ cần được thúc đẩy thực thi trên thực tế để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tuyển dụng lao động nữ, chi các khoản chi tăng thêm cho lao động nữ, đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, cơ sở y tế…
Quan tâm các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để NLĐ, đặc biệt là lao động nữ được tiếp cận các loại hình NƠXH, dịch vụ thiết yếu, vay vốn làm kinh tế; các nguồn kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề, giúp lao động nữ nâng cao năng lực thích ứng, có việc làm bền vững.
Đề nghị Bộ LĐTB&XH và các bộ ngành có liên quan: Nghiên cứu, rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm cơ sở xét điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của NLĐ trong đó có lao động nữ…