Hà Nội

Đề xuất hỗ trợ xây dựng các dự án dược liệu quý trên địa bàn tỉnh Nghệ An

24-11-2023 17:40 | Xã hội
google news

SKĐS - Chiều 24/11, Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc họp thẩm tra dự thảo nghị quyết và báo cáo liên quan đến thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tham dự cuộc thẩm tra có ông Nguyễn Như Khôi - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh đã dành thời gian tập trung thẩm tra dự thảo nghị quyết quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự thủ tục lựa chọn dự án dược liệu quý, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Đề xuất hỗ trợ xây dựng các dự án dược liệu quý trên địa bàn tỉnh Nghệ An- Ảnh 1.

ông Nguyễn Như Khôi - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An. Ảnh: Xuân Hướng

Việc UBND tỉnh xây dựng dự thảo nghị quyết trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét dựa vào Nghị định số 27 ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Dự thảo nghị quyết có 11 nội dung hỗ trợ. Trong đó có hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu; hỗ trợ đầu tư các khu, vùng nuôi trồng dược liệu ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng: đường giao thông kết nối, hệ thống điện, cấp thoát nước để phục vụ dự án phát triển vùng nguyên liệu; hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề cho lao động tại chỗ; hỗ trợ chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và tỉnh…

Bên cạnh đồng tình với 11 nhóm nội dung hỗ trợ, các thành viên dự họp đề xuất cơ quan soạn thảo là Sở Y tế bổ sung nội dung hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đề xuất hỗ trợ xây dựng các dự án dược liệu quý trên địa bàn tỉnh Nghệ An- Ảnh 2.

Huyện rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An) đang được đầu tư nhiều vùng dược liệu.

Mức hỗ trợ tối đa không quá 80% tổng chi phí thực hiện 1 dự án, kế hoạch liên kết trên địa bàn đặc biệt khó khăn. Đối với dự án, kế hoạch của địa phương, cơ quan phê duyệt dự án quyết định mức hỗ trợ cụ thể thực hiện 1 dự án, nhưng không vượt định mức hỗ trợ đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có quy định về định mức chi cho dự án dược liệu quý. Bởi vậy, Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh sớm trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nội dung này để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.

Một số ý kiến cũng góp ý quy định về mẫu hồ sơ và biểu mẫu sử dụng trong quy trình lựa chọn dự án dược liệu quý; xác định cụ thể tên cơ quan quản lý dự án, cơ quan chủ quản chương trình dược liệu ngay trong dự thảo, tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị dễ nắm bắt; tiêu chí lựa chọn dự án; quy định về thời gian làm việc của hội đồng thẩm định, tránh việc tùy tiện trong thực hiện.

Vấn đề được các thành viên quan tâm là việc xây dựng dự thảo nghị quyết cần đảm bảo chặt chẽ về quy định của pháp luật nhưng cũng phải tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính cho các đối tượng thụ hưởng khi thực hiện.

Tại cuộc họp, Ban Dân tộc HĐND tỉnh cũng tiến hành thẩm tra dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị quyết số 05 năm 2022 của HĐND tỉnh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và hàng năm trên địa bàn tỉnh Nghệ An; dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều các Nghị quyết số 07, Nghị quyết số 45 và Nghị quyết số 62 năm 2022 của HĐND tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Dựa vào cây dược liệu, nhiều hộ gia đình từ diện hộ nghèo đã vươn lên thành hộ kháDựa vào cây dược liệu, nhiều hộ gia đình từ diện hộ nghèo đã vươn lên thành hộ khá

SKĐS - Từ năm 2016, huyện Nam Trà My triển khai đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu gắn với nhiệm vụ giảm nghèo. Trong những năm gần đây, để gây dựng cuộc sống ấm no, đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện đã chú trọng phát triển mở rộng diện tích cây dược liệu.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Chương trình vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt.


V. Đồng
Ý kiến của bạn