Đề xuất hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cao nhất gần 2 triệu đồng/năm

25-02-2025 15:11 | Xã hội
google news

Việc đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội thông qua chính sách hỗ trợ tiền đóng là cần thiết để đảm bảo đạt được mục tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đến năm 2030.

Đề xuất hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cao nhất gần 2 triệu đồng/năm- Ảnh 1.

Tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người lao động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo đó, các mức hỗ trợ khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ tăng cao hơn so với quy định hiện hành.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đánh giá, kể từ khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng có sự bứt phá lớn về số người tham gia. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mức gia tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đang có xu hướng giảm xuống. Do đó, việc đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội thông qua chính sách hỗ trợ tiền đóng là cần thiết để đảm bảo đạt được mục tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đến năm 2030.

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội.

Trong dự thảo Nghị định, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đưa ra đề xuất 2 phương án quy định mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng tăng mức hỗ trợ và mở rộng đối tượng được hỗ trợ.

Phương án 1 là tăng mức hỗ trợ từ 30% lên thành 50% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo; tăng mức hỗ trợ từ 25% lên thành 40% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; bổ sung đối tượng được hỗ trợ là người thuộc dân tộc thiểu số, với mức hỗ trợ 30%; tăng mức hỗ trợ từ 10% lên thành 20% đối với người tham gia khác.

Đề xuất hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cao nhất gần 2 triệu đồng/năm- Ảnh 2.

Đánh giá tác động của phương án 1, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, đối với phương án 1 thì ước tính tổng số tiền Ngân sách Nhà nước cần bố trí trong giai đoạn 2025-2030 để hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 19.784 tỷ đồng, tương đương với số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của năm 2030 là 5,8 triệu người.

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với phương án 1 sẽ phải đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất (của quỹ bảo hiểm xã hội). Tuy nhiên, ngoài việc tham gia để hướng đến việc thụ hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất thì người tham gia còn được hưởng chế độ thai sản (do Ngân sách nhà nước đảm bảo). Do đó lợi ích của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được tăng thêm nhiều hơn.

Phương án 2 là giữ nguyên mức hỗ trợ theo quy định hiện hành, chỉ bổ sung thêm nhóm đối tượng tham gia là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ ở mức cao hơn so với nhóm đối tượng khác và người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có mức hỗ trợ bằng hộ nghèo.

Đề xuất hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cao nhất gần 2 triệu đồng/năm- Ảnh 3.

Đối với phương án 2, tổng kinh phí ngân sách nhà nước cần bố trí thêm để thực hiện việc bổ sung hỗ trợ đối với các nhóm đối tượng bổ sung theo Phương án này (đã được nêu ở trên) là 882 tỷ đồng, tương đương khoảng 150 tỷ đồng/năm.

Theo cơ quan soạn thảo, phương án 2 về cơ bản chỉ tác động đến người tham gia là người dân tộc thiểu số, người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo theo quy định của Chính phủ cho nên khuyến khích đối tượng này tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, việc tham gia của người dân tộc thiểu số, người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo phụ thuộc còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhận định, trong giai đoạn này thì tác động của việc thực hiện chính sách theo phương án 2 đến hiệu quả phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn chưa cao./.

Mức hỗ trợ hiện nay đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau: 99.000 đồng/tháng đối với người tham gia thuộc hộ nghèo và 82.500 đồng/tháng đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; 33.000 đồng/tháng đối với người tham gia khác.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 31/12/2024, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt gần 2,3 triệu người, tăng 10,2 lần so với năm 2017, trước khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW.


Hồng Kiều (Vietnam+)
Ý kiến của bạn