Mức sinh thấp do không muốn sinh con
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở trong thời gian gần đây, tổng tỉ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) của TP.HCM là 1,39 con. Con số này ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước là 2,09 con.
Theo ThS Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM cho biết, TP.HCM chưa thoát khỏi báo động về tình trạng mức sinh thấp và vẫn trong nhóm 21 tỉnh, TP có tổng tỉ suất sinh thấp nhất cả nước.
Có nhiều nguyên nhân làm cho mức sinh tại TP.HCM thấp. Là một TP lớn có mật độ dân cư cao, quy mô dân số lớn và tốc độ phát triển kinh tế cao dẫn đến áp lực cho các gia đình trong tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt… Bên cạnh đó, áp lực cuộc sống và công việc đã dẫn đến tình trạng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con và không muốn sinh con. Điều đáng quan tâm là xu hướng này ngày càng gia tăng.
Các cặp vợ chồng trẻ, nhất là phụ nữ cần có thêm thời gian để nâng cao trình độ học vấn, năng lực chuyên môn và nắm bắt các cơ hội để phát triển bản thân. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mức sinh ở TP.HCM rất thấp.
Chưa hết, mong muốn chính đáng của nhiều cặp vợ chồng, các gia đình là sinh ít để có sự đầu tư chăm sóc con cái một cách tốt nhất. Ngoài ra, tình trạng phá thai, tỉ lệ vô sinh có xu hướng gia tăng cũng là những yếu tố tác động khiến nhiều gia đình không thể sinh con.
Mức sinh thấp dẫn đến nhiều hệ lụy
Phân tích về việc mức sinh ở TP.HCM thấp có thể dẫn đến những hệ lụy, theo ông Phạm Chánh Trung, bất lợi đầu tiên là mức sinh thấp dẫn đến sự thay đổi nhanh về cơ cấu dân số, kéo theo tốc độ già hóa dân số cũng sẽ diễn ra rất nhanh. Điều này tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp xã hội, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí…
Kế đến là sự suy giảm về nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ. Điều này làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM. Mặt khác, chi phí cho chính sách khuyến khích sinh con sẽ gây áp lực cho nguồn ngân sách của TP. Trong khi nguồn ngân sách này nên đầu tư cho việc nâng cao chất lượng dân số để có thể phát triển bền vững.
Hiện TP.HCM đang đi những bước thận trọng trong việc điều chỉnh mức sinh, dựa trên việc quan sát các kinh nghiệm của những nước trên thế giới và dựa trên ý kiến đóng góp của chuyên gia và của người dân.
Các giải pháp đề xuất để tăng mức sinh tập trung vào việc hỗ trợ mua nhà ở xã hội một lần đối với các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, hỗ trợ viện phí (kinh phí đồng chi trả, ngoài chi phí bảo hiểm y tế thanh toán) cho các cặp vợ chồng ở lần sinh con thứ hai.
Đề xuất tập trung hỗ trợ toàn diện cho các cặp vợ chồng an tâm sinh con và nuôi dạy con. Cụ thể như việc hoàn thiện hệ thống chăm sóc y tế, miễn giảm học phí, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, điều chỉnh chế độ nghỉ thai sản…
Để tăng mức sinh ở TP.HCM, người dân cần có sự an tâm rằng con cái họ sẽ được sinh ra và phát triển với chất lượng sống tốt nhất. Muốn vậy, sự đầu tư không chỉ dừng ở việc hỗ trợ cho việc sinh con mà cần phải tạo ra môi trường cho thế hệ trẻ có thể phát triển tốt. Bên cạnh đó, các chính sách giảm áp lực về gánh nặng kinh tế không dừng ở thời gian ngắn mà phải hướng đến sự hỗ trợ cho các cặp vợ chồng nuôi con cho đến 18 tuổi thông qua hỗ trợ học phí, hỗ trợ thời gian chăm sóc trẻ. Ngoài ra, điều quan trọng nhất là làm thế nào để giảm bớt gánh nặng của phụ nữ đối với công việc nhà, cũng như đảm bảo quyền lợi của lao động nữ trong công việc và cơ hội thăng tiến.
Mức sinh thấp là một bài toán rất khó giải không chỉ ở TP.HCM, ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới. Việc thích ứng với mức sinh thấp là một vấn đề cần có sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều bên liên quan. Đặc biệt, cần phải xuất phát từ nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của người dân, cũng như sự hỗ trợ của toàn xã hội trong việc chăm sóc con cái của các cặp vợ chồng.