Hà Nội

Đề xuất giá khám bệnh theo yêu cầu ở bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 không quá 300.000 đồng một lần

19-11-2022 14:44 | Tin nóng y tế

SKĐS - Tại dự thảo đang lấy ý kiến nhân dân của Bộ Y tế, trường hợp cơ sở y tế sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu hoặc liên doanh, liên kết để hoạt động dịch vụ thì giá khám tối đa với bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 là 300.000 đồng/lần, các đơn vị còn lại là 200.000 đồng

Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp.

Giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu được thực hiện theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ

Theo dự thảo, cơ sở y tế công lập quyết định việc xây dựng giá dịch vụ theo yêu cầu theo một trong hai phương pháp quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 25/2014/TT-BTC ngày 17/2/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ.

Theo đó, mức giá được thực hiện theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý và có tích lũy để tái đầu tư và phát triển, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ sở y tế công lập quyết định việc xây dựng giá dịch vụ theo yêu cầu.

Các chi phí để xây dựng giá dịch vụ theo yêu cầu gồm chi phí trực tiếp, tiền lương, quản lý, khấu hao tài sản, dự phòng rủi ro, tích lũy để tái đầu tư, phát triển dịch vụ.

Đề xuất giá khám bệnh theo yêu cầu ở bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 không quá 300.000 đồng một lần - Ảnh 1.

Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp. (Ảnh: minh hoạ)

Theo dự thảo, đối với dịch vụ khám bệnh, khám, tư vấn, kiểm tra sức khỏe, cơ sở có thể xây dựng nhiều mức giá khám khác nhau theo chuyên khoa, theo thời gian khám bệnh, tư vấn và trình độ chuyên môn của người khám, tư vấn.

Đối với dịch vụ ngày giường điều trị, cơ sở có thể xây dựng nhiều mức giá giường điều trị khác nhau theo mức độ cung cấp nhân lực chăm sóc, điều trị và điều kiện cơ sở vật chất.

Đối với giá dịch vụ tự chọn hoặc đề nghị cơ sở y tế mời chuyên gia để khám, tư vấn, điều trị, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế, ngoài việc thực hiện theo quy định đối với dịch vụ khám bệnh, khám, tư vấn, kiểm tra sức khỏe, cơ sở có thể xây dựng mức giá theo một trong hai cách: Mức giá bao gồm cả chi phí để thực hiện dịch vụ và chi phí mời chuyên gia; Mức giá chỉ bao gồm các chi phí để thực hiện dịch vụ còn các chi phí liên quan đến mời chuyên gia được tính theo từng dịch vụ cụ thể dựa trên thỏa thuận với người sử dụng dịch vụ.

Đối với dịch vụ khám, tư vấn, thực hiện các dịch vụ tại nhà, ngoài việc thực hiện theo quy định đối với dịch vụ khám bệnh, khám, tư vấn, kiểm tra sức khỏe, cơ sở có thể xây dựng mức giá theo một trong hai cách sau: Mức giá bao gồm cả chi phí thực hiện dịch vụ và chi phí vận chuyển, đi lại để thực hiện dịch vụ; Mức giá chỉ bao gồm các chi phí để thực hiện dịch vụ.

Đối với dịch vụ chăm sóc toàn diện: Cơ sở có thể xây dựng nhiều mức giá chăm sóc toàn diện khác nhau theo mức độ cung cấp nhân lực chăm sóc, điều trị; điều kiện cơ sở vật chất và các chi phí để thực hiện chăm sóc toàn diện theo các gói dịch vụ.

Một số dịch vụ mới cũng được đưa vào trong dự thảo như chi phí với dịch vụ khám, tư vấn, thực hiện các dịch vụ tại nhà, dịch vụ chăm sóc toàn diện, thuê chuyên gia trong nước, nước ngoài…

Dịch vụ theo yêu cầu cung cấp tại cơ sở y tế, bao gồm những gì?

Dự thảo của Bộ Y tế cho biết có những dịch vụ sau:

  1. Khám bệnh, kiểm tra sức khỏe và tư vấn sức khỏe; khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh, tật và tư vấn về phòng bệnh, nâng cao sức khỏe;
  2. Giường điều trị theo yêu cầu (điều trị trong ngày, điều trị nội trú);
  3. Khám, tư vấn, hội chẩn, chẩn đoán (trực tiếp hoặc qua hệ thống thông tin và viễn thông), điều trị, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế có sự tham gia của chuyên gia, thầy thuốc, lương y trong và ngoài nước (sau đây gọi tắt là chuyên gia) theo yêu cầu của người sử dụng dịch vụ;
  4. Thuốc, vật tư y tế theo yêu cầu;
  5. Dịch vụ chăm sóc toàn diện người bệnh trong quá trình điều trị (chăm sóc 24/24 giờ, ăn, uống, vệ sinh cá nhân);
  6. Dịch vụ tiêm chủng (trừ các dịch vụ thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng), xét nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn, hiệu chuẩn trang thiết bị, kiểm định chất lượng dịch vụ cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu.

Cũng tại dự thảo, Bộ Y tế đề cập đến dịch vụ cung cấp tại nhà theo yêu cầu cho các đối tượng không có khả năng đến cơ sở y tế hoặc đối tượng có yêu cầu được cung cấp dịch vụ tại nhà, bao gồm:

  1. Khám, tư vấn để phát hiện bệnh, tật, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe;
  2. Tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi tại nhà (ngoài các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú đã được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của pháp luật về người cao tuổi);
  3. Thuốc, vật tư y tế và các dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc chức năng, nhiệm vụ hoặc trong phạm vi hoạt động chuyên môn mà cơ sở y tế có khả năng cung cấp cho người bệnh có yêu cầu tại nhà như tiêm, truyền, chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi chức năng, châm, cứu, xoa bóp, bấm huyệt; chăm sóc vết thương, vết loét, cắt chỉ, đặt hoặc thay ống thông cho ăn, ống dẫn lưu, chăm sóc giảm nhẹ và các dịch vụ kỹ thuật khác;
  4. Dịch vụ lấy mẫu máu, bệnh phẩm tại nhà để thực hiện các xét nghiệm và trả kết quả đến địa chỉ theo yêu cầu của người dân, người bệnh;
  5. Các dịch vụ diệt côn trùng, diệt khuẩn thuộc lĩnh vực gia dụng và y tế; các dịch vụ đánh giá tác động sức khỏe môi trường, dịch vụ quan trắc môi trường y tế.

Các dịch vụ phụ trợ, hỗ trợ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ sở y tế, bao gồm:

  1. Đưa, dẫn người dân, người bệnh trong quá trình khám, tư vấn, thực hiện các dịch vụ cận lâm sàng;
  2. Khai thác bản tóm tắt hồ sơ bệnh án;
  3. Giặt, là, ăn, uống, phòng ở cho người nhà người bệnh; vận chuyển cấp cứu, đưa đón người bệnh.

Các dịch vụ khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động chuyên môn mà cơ sở y tế có khả năng cung cấp cho người dân, người bệnh khi có yêu cầu.

Giá dịch vụ y tế theo yêu cầu thế nào?

Dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu (chưa kể các dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán, xét nghiệm và các thủ thuật)

1. Các đơn vị, bộ phận hoạt động dịch vụ theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập đầu tư xây dựng thành lập hoặc thuê cơ sở để thực hiện dịch vụ do đơn vị quyết định;

2. Trường hợp sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu hoặc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết để hoạt động dịch vụ

  • Bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I: Giá tối đa 300.000 đồng/lần khám;
  • Các cơ sở y tế khác (trừ bệnh viện đặc biệt, hạng I): Giá tối đa 200.000 đồng/lần khám;
  • Riêng trường hợp mời các chuyên gia trong nước (ngoài cán bộ cơ hữu tại đơn vị, bộ phận hoạt động dịch vụ theo yêu cầu), ngoài nước đến khám, tư vấn sức khỏe: đơn vị được thu theo giá thỏa thuận giữa cơ sở y tế và người sử dụng dịch vụ.

Giá ngày giường tại các phòng điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế) như sau:

1. Tại các đơn vị, bộ phận hoạt động dịch vụ theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập đầu tư xây dựng thành lập hoặc thuê cơ sở để thực hiện dịch vụ: do đơn vị quyết định;

2. Trường hợp sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu hoặc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết để hoạt động dịch vụ:

Giá ngày giường điều trị nội trú

Loại 01 giường/phòng

Loại 02 giường/phòng

Loại 03 giường/phòng

Loại 04 giường/phòng

1. Bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I

3.000.000 đ

2.500.000 đ

1.500.000 đ

1.300.000 đ

2. Các cơ sở y tế khác (trừ bệnh viện đặc biệt, hạng I) tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

2.000.000 đ

1.700.000 đ

1.200.000 đ

900.000 đ

3. Các cơ sở y tế khác (trừ bệnh viện đặc biệt, hạng I) tại các tỉnh còn lại

1.500.000 đ

1.200.000 đ

800.000 đ

600.000 đ

3. Giá ngày giường điều trị ban ngày do đơn vị quyết định nhưng tối đa không quá 50% giá ngày giường điều trị nội trú.

Yêu cầu đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có cung ứng dịch vụ theo yêu cầu

Dự thảo nêu rõ, cơ sở y tế được quyết định và thu theo mức giá dịch vụ theo yêu cầu khi bảo đảm các chỉ tiêu chất lượng như sau:

Dịch vụ khám bệnh: Diện tích cho 01 chỗ khám bệnh tối thiểu phải bằng diện tích khám bệnh quy định tại Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN:2012; có đủ các trang thiết bị để thực hiện khám bệnh theo nội dung chuyên môn (khám đa khoa, khám chuyên khoa); bảo đảm mỗi bác sỹ, chuyên gia khám, tư vấn tối đa không quá 45 người/ngày làm việc 08 giờ.

Dịch vụ giường điều trị: Một phòng điều trị theo yêu cầu tối đa không quá 04 giường và phải bảo đảm diện tích sàn xây dựng/01 giường theo quy định tại Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN:2012. Trường hợp phòng có từ 02 giường bệnh trở lên thì phải có tấm chắn, che ngăn cách giữa các giường bệnh.

Bên cạnh đó, dịch vụ giường điều trị cần có các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt, trang thiết bị y tế, nhân lực y tế phù hợp, đáp ứng việc chăm sóc, điều trị người bệnh.

Đối với các dịch vụ kỹ thuật y tế: phải có cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phù hợp để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế theo quy định.

Sáng 19/11: Việt Nam đã tiêm hơn 263 triệu liều vaccine COVID-19, vẫn còn hàng hoạt tỉnh, thành tiêm chậmSáng 19/11: Việt Nam đã tiêm hơn 263 triệu liều vaccine COVID-19, vẫn còn hàng hoạt tỉnh, thành tiêm chậm

SKĐS - Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay hơn 10,6 triệu người mắc COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi; hiện có 66 bệnh nhân nặng đang thở máy, oxy. Việt Nam đã tiêm hơn 263 triệu liều vaccine COVID-19, vẫn còn hàng hoạt tỉnh, thành tiêm chậm.

Thái Bình
Ý kiến của bạn