Đề xuất ga Hà Nội là điểm đầu đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có hợp lý?

27-07-2023 16:54 | Xã hội
google news

SKĐS - Liên danh Tư vấn đề xuất giữ lại hành lang đường sắt Ngọc Hồi - Ga Hà Nội để nghiên cứu phát triển khai thác tàu khách tốc độ cao tiếp cận tới ga Hà Nội.

Hiểm họa chết người từ những lối đi tự mở cắt ngang đường sắtHiểm họa chết người từ những lối đi tự mở cắt ngang đường sắt

SKĐS - Những lối đi tự mở cắt ngang đường sắt thường là mở chui, tạm bợ gây nguy hiểm cho người qua đường khi tàu hỏa tới.

Ga quá xa trung tâm làm giảm sức hấp dẫn khách đi tàu

Cục Đường sắt Việt Nam đang lấy ý kiến về Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP Hà Nội, trong đó đề cập đến tương lai của ga Hà Nội khi hình thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Vừa qua, quy hoạch mạng lưới đường sắt (QH1769) đã định hướng chuyển đổi công năng toàn bộ đoạn tuyến đường sắt đi trong nội đô thành đường sắt đô thị, đồng thời xác định ga Ngọc Hồi là ga đầu cuối của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Tuy nhiên, theo đánh giá của liên danh tư vấn TEDI - CCTDI, việc bố trí ga đầu cuối của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại Ngọc Hồi, cách xa trung tâm Hà Nội khoảng 10km, sẽ làm giảm tính hấp dẫn trong việc thu hút hành khách đi tàu, đặc biệt là các khu vực phía Bắc sông Hồng.

Đề xuất ga Hà Nội là điểm đầu đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam - Ảnh 2.

Qua tìm hiểu kinh nghiệm phát triển đường sắt trên thế giới cho thấy, đối với loại hình dịch vụ tàu tốc độ cao thường được bố trí tiếp cận sâu trong trung tâm các thành phố lớn như Bắc Kinh, Berlin, Tokyo, Paris… Do đó, Liên danh Tư vấn đề xuất giữ lại hành lang đường sắt Ngọc Hồi - Ga Hà Nội để nghiên cứu phát triển khai thác tàu khách tốc độ cao tiếp cận tới ga Hà Nội.

"Loại hình đường sắt tốc độ cao sử dụng đường riêng, giao cắt lập thể, không xung đột với giao thông đô thị nên về cơ bản sẽ không gặp phải các tồn tại, bất cập của hệ thống đường sắt quốc gia hướng tâm hiện nay. Trên cơ sở đó, kiến nghị kết nối đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào tới ga Hà Nội", Tư vấn kiến nghị.

Như vậy, theo phương án của Tư vấn, hệ thống ga đầu mối tại Hà Nội gồm Ga Ngọc Hồi (phía Nam), Ga Lạc Đạo (phía Đông), Ga Yên Viên, Yên Thường, Bắc Hồng (phía Bắc) và Ga Hà Nội (trung tâm).

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2021, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm dài 1.545 km, đường sắt đôi khổ 1.435 mm. Ga Ngọc Hồi là điểm đầu của tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị. Ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt đô thị, phục vụ tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên.

ThS Nguyễn Việt Thanh, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải cho rằng nghiên cứu về điểm ga đầu mối cần tính đến sự tiện lợi cho người sử dụng mới đạt hiệu quả cao, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao dùng để chuyên chở hành khách. Việc di chuyển ra ga quá phức tạp hoặc quá xa trung tâm sẽ giảm sức hấp dẫn, không cạnh tranh được với các loại hình giao thông khác. 

Ở các nước có hệ thống đường sắt cao tốc phát triển, ga trung tâm luôn là những nơi đông đúc ở thành phố. Điều này giúp cho việc đi lại của người dân rất thuận tiện và có như thế mới thu hút được khách. Nếu để ga tàu cao tốc ở ngoài trung tâm, chắc chắn sẽ làm mất đi lợi thế của tàu cao tốc. Với hệ thống giao thông của Hà Nội đang xây dựng, việc đặt ở ga Hà Nội là phù hợp để kết nối với các tuyến xe buýt, metro, đường sắt trên cao cũng như các tuyến phố cổ.

Sẽ thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2025

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản trả lời cử tri liên quan đến tình hình chuẩn bị dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Trước đó, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có gửi đến Bộ GTVT kiến nghị của cử tri TP Đà Nẵng về việc cần nghiên cứu, sớm có phương án, kế hoạch để đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao.Bộ GTVT cho biết Hội đồng Thẩm định Nhà nước đã có ý kiến về Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị đã yêu cầu nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để lựa chọn phương án đầu tư hiện đại, có tầm nhìn dài hạn, phát huy được lợi thế, tiềm năng của đất nước.

Hiện, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định; đồng thời, Bộ cũng tổ chức đoàn công tác đi học hỏi kinh nghiệm tại một số nước có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển như Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản để cập nhật, bổ sung, hoàn thiện báo cáo tiền khả thi. Để có đầy đủ cơ sở khoa học, khách quan, minh bạch, Bộ GTVT dự kiến huy động một số chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm, phối hợp với tư vấn trong nước để nghiên cứu, hoàn thiện làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Về tiến độ, Bộ GTVT phấn đấu trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2025 theo đúng Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.

Bộ GTVT cho biết đây là dự án có quy mô rất lớn, ảnh hưởng lâu dài đến kinh tế - xã hội của đất nước, có tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ phức tạp; là dự án chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Do đó, dự án cần được nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để lựa chọn phương thức và nguồn vốn đầu tư, yếu tố kỹ thuật, mô hình khai thác hợp lý trên cơ sở phù hợp với xu thế phát triển của quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam.

Tháng 2/2019, Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ báo cáo tiền khả thi dự án tốc độ cao Bắc Nam đi qua 20 tỉnh thành từ Hà Nội đến TP HCM. Đây là tuyến đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h. Trên tuyến có 20 ga hành khách, đoàn tàu sử dụng công nghệ động lực phân tán. Tổng mức đầu tư sau thẩm tra là 64 tỷ USD.

Hội đồng Thẩm định nhà nước đã ký hợp đồng với liên danh tư vấn thẩm tra độc lập để đánh giá, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Cuối năm 2022, Tư vấn thẩm tra nêu một số nhược điểm nếu đầu tư đường sắt tốc độ cao 350 km/h và kiến nghị phương án tuyến đường sắt vừa chở khách, vừa chở hàng tốc độ khai thác 225 km/h cho tàu khách, 160 km/h cho tàu hàng. Trên tuyến có 50 ga hành khách và 20 ga hàng hóa. Tổng mức đầu tư sơ bộ là 61 tỷ USD.

Đường sắt cần 750 tỉ để ‘biến hóa’ 300 lối đi tự mở thành đường ngangĐường sắt cần 750 tỉ để ‘biến hóa’ 300 lối đi tự mở thành đường ngang

SKĐS - Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, việc nâng cấp gần 300 lối đi tự mở qua đường tàu chạy thành đường ngang mới cần đến 750 tỉ, tương đương khoảng 2,5 tỉ với mỗi lối đi.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Nguyên Nhân Lật Xe Khách Chở 28 Người Trên Cao Tốc Do Tài Xế Không Làm Chủ Được Tốc Độ | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn