Đề xuất đưa thuốc mới chữa viêm gan C vào danh mục BHYT để người bệnh hưởng lợi

24-07-2018 13:13 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sự ra đời của các thuốc kháng vi rút tác động trực tiếp (DAAs) điều trị viêm gan C có tỷ lệ điều trị khỏi bệnh lên đến trên 95%, đem lại sự sống cho nhiều người bệnh. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, khó khăn hiện nay là chi phí cho điều trị cao và chưa được BHYT chi trả, do đó có đến 90% bệnh nhân chưa được tiếp cận điều trị. Đây là thách thức lớn trong việc hỗ trợ, chăm sóc và điều trị cho người bệnh nhiễm viêm gan C.

Gánh nặng viêm gan B, C

PGS.TS Nguyễn Quốc Anh – Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, Việt Nam là nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B và C cao nhất trong khu vực và đây là nguyên nhân chính dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, ước tính Việt Nam có 10 triệu trường hợp nhiễm viêm gan B và gần 1 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C. Viêm gan đã trở thành nguyên nhân đứng thứ 3 gây tử vong và gánh nặng bệnh tật của nhiễm viêm gan B và C rất lớn tại Việt Nam.

“Viêm gan B với tỷ lệ người nhiễm rất cao trong cộng đồng (10-15%), tiến triển nhanh tới suy gan cấp, xơ gan và ung thư gan,.. Tuy đã có vắc xin phòng bệnh nhưng vẫn đang là gánh nặng cho ngành y tế và người bệnh vì bệnh cần phải theo dõi và điều trị suốt đời”- PGS.TS Nguyễn Quốc Anh cho biết.

Bệnh nhân viêm gan đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai, vi rút viêm gan B tấn công tế bào gan gây tổn thương gan cấp và mạn tính. Vi rút này có thể sống ngoài cơ thể ít nhất 7 ngày và có thể lây nhiễm nếu không có kháng thể bảo vệ. Thời gian ủ bệnh 30-180 ngày, vi rút có thể phát hiện 30- 60 ngày sau khi nhiễm.

Các đường lây truyền chủ yếu của vi rút viêm gan B là truyền từ mẹ sang con chu sinh hoặc lây ngang trong 5 năm đầu của trẻ. Vi rút viêm gan B lây truyền qua tổn thương da, niêm mạc, máu, nước bọt, dịch tiết cơ thể (tinh dịch, dịch âm đạo,..). Ở người lớn có khoảng 5% chuyển thành mạn tính, lây truyền chủ yếu do tái sử dụng bơm kim tiêm, người tiêm chích ma tuý. Một phần đáng kể lây qua các thủ thuật y tế như phẫu thuật viên, nha sĩ, xăm trổ, dùng chung vật sắc nhọn như dao...

Viêm gan B, C đang là gánh nặng bệnh tật lớn ở Việt Nam. Ảnh minh hoạ.

Với bệnh viêm gan C, PGS. Cường cho hay, tỉ lệ mắc bệnh ở nước ta tuy thấp song cùng với viêm gan B thì bệnh này cũng là nguyên nhân gây ung thư gan và bệnh gan ở Việt Nam. Để ứng phó với căn bệnh này, Việt Nam hiện đang xây dựng hướng dẫn Quốc gia về điều trị bệnh viêm gan C. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là bệnh nhân viêm gan C mạn tính khó khăn trong tiếp cận điều trị do giá thành của thuốc kháng vi rút hiện vẫn còn cao.

Nên đưa thuốc mới chữa viêm gan C vào danh mục BHYT

Các chuyên gia truyền nhiễm cho rằng, bệnh viêm gan C diễn biến thầm lặng, có tới 90% người nhiễm viêm gan C không biết về tình trạng nhiễm virus của mình. Viêm gan C tuy chưa có vắc xin phòng bệnh nhưng gần đây với sự ra đời của các thuốc kháng vi rút tác động trực tiếp (DAAs) điều trị viêm gan C với phác đồ đơn giản, thời gian điều trị rút ngắn với tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cao đã đem lại sự sống cho nhiều người bệnh.

"Hiện tại đã có 50 loại DAAs khác nhau và cách phối hợp thuốc khác nhau, tỷ lệ khỏi bệnh đã đạt đến trên 95%"- PGS. Cường thông tin thêm.

Tuy nhiên, các bác sĩ cũng chỉ rõ khó khăn đang mắc phải là chi phí cho điều trị lớn và chưa được BHYT chi trả, do đó hầu hết (90%) bệnh nhân chưa được tiếp cận điều trị. Đây là thách thức lớn trong việc hỗ trợ, chăm sóc và điều trị cho người bệnh nhiễm viêm gan C.

Bác sĩ khám và tư vấn cho bệnh nhân.

“Chúng tôi đề xuất Bộ Y tế đẩy nhanh việc cấp đăng ký lưu hành thuốc ở Việt Nam, đưa thuốc mới điều trị viêm gan C vào danh mục được BHYT chi trả với tỷ lệ chi trả hợp lý để hàng trăm nghìn người bệnh có cơ hội được chữa khỏi.

Ngoài ra chúng tôi cũng mong muốn đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế để đưa ra các giải pháp can thiệp tăng cường tiếp cận điều trị, nâng cao nâng lực chẩn đoàn và điều trị góp phần thanh toán bệnh viêm gan vào năm 2030 như mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế đã đề ra”- ông Quốc Anh chia sẻ.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, công tác điều trị bệnh viêm gan là một gánh nặng vì còn nhiều trường hợp mắc viêm gan B, C không biết mình mắc bệnh. Bên cạnh đó, việc tiếp cận với xét nghiệm chẩn đoán còn khó khăn vì không phải cơ sở y tế nào cũng có thể làm xét nghiệm chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh viêm gan B, C. Do đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề xuất, các bệnh viện cần tiếp tục nâng cao năng lực chẩn đoán, quản lý, điều trị người bệnh.

Ông Khoa cũng nhấn mạnh thêm, một khó khăn ảnh hưởng rất lớn đến nhiều người bệnh là thuốc điều trị đối với viêm gan B, C còn đắt nên không phải ai cũng đủ điều kiện tiếp cận. Trước giá thành còn cao của loại thuốc chữa viêm gan C, vừa qua Bộ Y tế có họp Hội đồng xét duyệt thuốc và xác nhận cho phép lưu hành một số loại thuốc mới điều trị viêm gan C.

"Bộ Y tế đã làm việc với hãng, công ty dược lớn để thương lượng nhượng quyền sản xuất thuốc mới với giá thành rẻ so với giá thành sản xuất tại các nước khác và đây là cơ hội cho Việt Nam tiếp cận thuốc mới"- Phó Cục trưởng cho hay.

Ngày 24/7/2018, BV Bạch Mai đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm ngày Thế giới phòng chống viêm gan 28/7 với chủ đề phát hiện và điều trị sớm viêm gan nhằm tăng cường nhận thức, nâng cao cảnh giác trong việc việc xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm, điều trị triệt để viêm gan vi-rút và các bệnh lý về gan.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, tại Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai gần đây đã thành lập phòng tiêm chủng vắc-xin và triển khai điều trị viêm gan B ngoại trú qua hệ thống bảo hiểm. Bên cạnh đó, BV cũng thực hiện tầm soát phát hiện bệnh viêm gan và tiêm phòng vắc-xin viêm gan B cho những nhân viên chưa có kháng thể bảo vệ, điều trị thuốc kháng vi-rút theo dõi lâu dài các biến chứng của viêm gan, góp phần nâng cao sức khỏe nghề nghiệp của cán bộ viên chức trong bệnh viện.

Để phòng bệnh viêm gan C (hiện chưa có vắc xin viêm gan C), PGS. Cường khuyến cáo người dân cần tránh tiêm không cần thiết và không an toàn; Tránh các sản phẩm máu không an toàn; Tránh thu gom và xử lý chất thải sắc nhọn không an toàn; Tránh sử dụng ma túy trái phép và dùng chung dụng cụ tiêmchích; Tránh quan hệ tình dục không an toàn với người bị nhiễm virút viêm gan C; Tránh dùng chung các vật dụng cá nhân sắc nhọn có thể bị nhiễm bẩn với máu bị nhiễm vi rút; Tránh xăm trổ hoặc xâu khuyên và châm cứu bằng các dụng cụ nhiễm bẩn...

Dương Hải
Ý kiến của bạn