Vừa qua, trong Hội nghị Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học y dược diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã rất tâm đắc với việc một số hiệu trưởng đề xuất đưa thêm môn Văn để xét tuyển vào trường y:“Việc thi theo khối lâu nay khiến thí sinh học lệch. Môn Văn rất cần cho cán bộ ngành y, giúp việc nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp” . Hiện nay, đề xuất này đang được dư luận quan tâm. Báo Sức khỏe & Đời sống trân trọng giới thiệu ý kiến đóng góp của các chuyên gia thuộc lĩnh vực giáo dục, văn hóa, văn học về vấn đề này.
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Tăng cường môn văn là chí phải
Dân ta vốn trọng các nghề thầy: thầy thuốc, thầy giáo và cả thầy bói nữa. Thầy bói nhiều khi không trông thấy gì mà chuyện trên trời hay dưới âm ty, phán tất mà yên, ít thấy thầy bói bị đánh. Các thầy thuốc vốn học hành vất vả, thức đêm thức hôm. Chữa khỏi nhiều người, cứu sống không ít vậy mà thỉnh thoảng lại bị các thân nhân người bệnh “tri ân” bằng cẳng tay cẳng chân, gậy gộc, dao kiếm... Bi thương lắm! Có thể do tiếng Việt không thạo, thầy thuốc nói lương y, người bệnh tưởng phong bì. Hoặc do soạn thảo văn bản thiếu rõ ràng, văn phạm ngữ pháp lèm nhèm thế nào đấy, xét nghiệm của người này lại trao cho người khác... Trăm sự, có thể do một sự: thiếu lòng yêu tiếng mẹ mà không hiểu lòng nhau. Tăng cường môn Văn là chí phải.
Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại. Kém nói năng giao tiếp, kém soạn thảo văn bản đâu chỉ là thiếu sót của riêng cán bộ ngành y. Ngành nào chả có. Càng tiếp cận với dân thì càng lộ yếu kém ấy. Nếu cần, tới đây cũng phải đưa môn Văn xét tuyển vào các trường công an, ngân hàng, thương mại, giao thông vận tải... Sao cho nói được đúng điều cần nói, điều phải nói. Gọn gàng đầy đủ lại dễ nghe, dễ hiểu. Ấy là chỗ tinh túy của văn chương mà con dân nước nào cũng cần phải có.
Nhưng nếu chuyên ngành nào cũng học văn, thi văn thì e sinh viên lại thiếu thời gian học chuyên môn. Trình độ văn chương hay năng lực nói viết ngôn ngữ mẹ đẻ phải được hoàn tất ở bậc trung học. Không có lý gì sau 12 năm đèn sách mà nói không thành câu, viết không ai hiểu. Nền giáo dục thời thực dân, hết tiểu học, hết thành chung (cấp hai) và rất ít, hết tú tài đã có thể thành công chức tư chức, giao tiếp vững vàng, viết lách lưu loát, nhiều người còn thành nhà văn. Rất không nên dùng thời gian đại học để hoàn thiện kiến thức phổ thông.
Trình độ văn chương, hay thiết thực hơn, trình độ sử dụng tiếng Việt của cán bộ ta còn yếu, chưa đáp ứng được công việc chuyên môn và giao tiếp thường ngày, cần được nâng cao, cấp thiết nâng cao. Nhưng phải nâng cao từ bậc trung học. Bậc trung học phải kiến tạo được tri thức phổ thông nền tảng (như cái sân bay) để người học đủ sức cất cánh vào các tầng khí quyển chuyên môn ở bậc đại học.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Nhà thơ và thầy thuốc gần nhau lắm
Trước hết, xin hoan nghênh sáng kiến rất hay và rất đúng đắn khi chọn Văn là một trong những môn thi vào trường y. Và không phải chỉ có các bác sĩ, ngay cả việc đào tạo các nhà khoa học tự nhiên khác cũng cần phải thi Văn. Bởi Văn là một trong những kiến thức cơ bản nhất. Đối với ngành y lại rất quan trọng. Bởi Văn là Người. Có biết văn mới hiểu được người. Có hiểu được người thì mới chữa được bệnh cho người. Không phải ngẫu nhiên mà có những học giả đã gọi nhà văn, nhà thơ có tài là những kỹ sư tâm hồn. Mà con người ta lại có hai phần là hồn và xác. Nhiều căn bệnh của xác lại xuất phát từ hồn. Vì thế, nếu chỉ chữa ở ngoài thân xác thì không bao giờ khỏi được. Chữa bệnh phải chữa từ gốc. Mà đặc biệt, có những căn bệnh không thể dùng thuốc mà lại phải dùng đến sách. Đọc sách có khi lại khỏi được bệnh. Ở góc độ này, nhà văn có thể được xem như một bác sĩ đặc biệt. Bác sĩ của tâm hồn. Tôi không nghĩ có văn thì ngành y sẽ có tính nhân văn. Không! Bản thân ngành y đã là nhân văn rồi. Nhưng nếu bác sĩ mà hiểu văn, tôi nghĩ họ chữa bệnh cũng sẽ khác. Nếu bác sĩ không văn thì cũng chẳng khác gì những ông lang băm hiện đại. Kinh lắm. Hãi lắm. Ngành y có những ông lang băm không? Đó đấy. Không phải ít đâu. Chính những ông lang băm ấy đã làm hoen ố ngành y, một ngành cao đẹp nhất trong những ngành cao đẹp nhất.
Để vào được trường y, lâu nay vẫn thi Toán, Hóa, Sinh. Điều ấy là cần thiết. Bác sĩ phải rất giỏi Toán, Hóa, Sinh. Đó là chuyên môn sâu, giúp cho họ trở thành bác sĩ giỏi. Nhưng chỉ có Toán, Hóa, Sinh thì chưa thể hoàn thiện. Phải thêm Văn và Ngoại ngữ nữa. Văn giúp họ hiểu được con người, đồng cảm với con người. Còn Ngoại ngữ giúp họ hòa nhập được với thế giới, tận dụng được thành tựu của y học thế giới, nâng cao tay nghề của mình. Không đòi hỏi bác sĩ phải giỏi Văn, nhưng phải hiểu Văn và giỏi Toán, Hóa, Sinh cùng với Ngoại ngữ. Đúng ra thi vào trường y, ngoài Văn, còn phải thêm Ngoại ngữ. Nhất là Ngoại ngữ. Và như thế, có thể tính điểm Văn theo hệ số I, còn Toán, Hóa, Sinh và Ngoại ngữ tính theo hệ số II.Thực ra, nhà văn và thầy thuốc gần với nhau lắm. Nhà văn chăm lo sức khỏe cho phần hồn, còn thầy thuốc chăm lo sức khỏe cho phần xác và cả cho phần hồn nữa chứ. Ta hiểu vì sao, có rất nhiều bác sĩ là nhà văn rất nổi tiếng, như các nhà văn thiên tài Lỗ Tấn ở Trung Quốc và An tôn Tsekhop ở Nga. Ở ta là Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác, rồi các nhà thơ nhà văn hiện đại rất nổi tiếng như nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà viết kịch Vũ Dũng Minh, nhà văn Lưu Sơn Minh, nhà văn Đỗ Doãn Quát, nhà thơ Đinh Nam Khương, nhà thơ Yến Lan, nhà thơ Lâm Huy Nhuận, nhà thơ Trần Sĩ Tuấn và còn nhiều, rất nhiều nữa, những nhà thơ, nhà văn trong các câu lạc bộ thơ văn, như Nguyễn Văn Hồng, Vũ Bằng Đình, Ngô Ngọc Liễn... Một lần nữa, xin ủng hộ đề xuất sáng suốt và đúng đắn này.
Nhà văn Di Li: Cũng cần lắm tình thương
Việc xét tuyển môn Văn vào trường y là điều hay, rất đáng hoan nghênh dù tôi hiểu học sinh Việt Nam thường chỉ học tủ 3 môn chuyên để thi đại học, những em có năng khiếu về môn tự nhiên thì kém các môn xã hội và ngược lại. Nhưng chính điều này sẽ làm các em phải học cân bằng hơn và điều này sẽ rất tốt.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có nói: “Môn Văn rất cần cho cán bộ ngành y, giúp việc nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp”, điều đó hoàn toàn đúng. Môn Văn rất cần thiết cho mọi mặt đời sống xã hội. Mọi người cứ nghĩ giỏi Văn phải đi viết văn, làm thơ... là không phải. Cái gì cũng cần văn chương vì đó là phạm trù mỹ học.Nếu như em nào chỉ giỏi Văn, trung bình hoặc yếu các môn: Toán, Hóa, Sinh mà thi vào trường y cũng không có ý nghĩa gì cả. Nên chăng chúng ta làm công tác sơ tuyển môn Văn lấy điểm thấp hơn một chút so với các môn chính thức. Ngày xưa, tôi đi học ít khi được 7,0 môn Văn dù rất chăm. Tôi nghĩ chỉ cần sơ tuyển ở mức 6,5 môn Văn là cũng đủ để thấy năng lực học môn này của các em rồi, dưới mức ấy cũng không được. Khi môn Văn phát huy tác dụng thì việc người đó tạo thế giới quan tốt hơn. Qua đó, tạo ra sự mềm mại trong nghề nghiệp. Tôi chỉ ví dụ thế này, các bác sĩ nếu làm luận văn thạc sĩ rồi lên tiến sĩ, khi ấy phải viết và trình bày luận văn, nếu có nhiều yếu tố về văn chương chắc chắn sẽ làm mềm mại hơn. Hoặc khi lên bảo vệ một luận cứ khoa học, y học trong một hội thảo, cũng cần phải biết cách trình bày hay viết một tham luận.
Tôi hoàn toàn ủng hộ các trường ngành y lấy môn Văn vào điều kiện xét tuyển, ngành y cũng cần rất nhiều đến tình thương. Nhưng tôi nghĩ cần phải có lộ trình và thời gian, nên lấy mức điểm phù hợp vì môn Văn trông vậy nhưng khó hơn rất nhiều so với các môn học khác.
PGS.TS. Ngô Văn Giá - Trưởng khoa Viết văn, Báo chí Trường ĐH Văn hóa Hà Nội: Dấu hiệu may mắn cho đất nước
Đây là những khởi động, cách làm sẽ dần góp phần hoàn thiện vấn đề đạo đức con người nói chung, ngành y nói riêng. Tôi rất tán thành việc các trường ngành y sử dụng môn Văn để xét tuyển. Thứ nhất, đây là việc làm thiết thực, tôi cho rằng nếu như Văn tốt thì kỹ năng mềm liên quan của chúng ta cũng sẽ tốt. Thứ hai, đối tượng của ngành y thường là con người (bệnh nhân), đối với văn chương thì hướng tới con người. Nếu hai vấn đề này gặp nhau sẽ tạo ra hai liều thuốc cứu chữa con người cùng lúc: một bên tâm hồn, một bên thể xác. Giữa văn chương và y học đã có sự bổ sung, tôn vinh lẫn nhau lên tầm cao mới.
Tất cả các trường, các ngành nếu có điều kiện cứ sử dụng ngữ văn như một điều kiện để xét tuyển đại học, điều đó rất tốt. Nếu nhìn rộng thì văn chương chính là công cụ cứu chuộc tâm hồn và đạo đức con người. Cả xã hội bây giờ, hệ thống các trường ngành y nói riêng đã coi trọng văn chương, văn học thì đó là một dấu hiệu may mắn cho đất nước. Tôi nghĩ một ai đó hoạt động ngành y mà am hiểu văn chương, biết nhiều về văn học thì đó sẽ là một con người biết trân quý, nâng niu, biết vì sự sống, trân trọng đồng loại. Một khi biết trân quý những giá trị con người thì sẽ đạt các giá trị nhân văn cao quý. Tuy nhiên, các trường ngành y nếu thực hiện xét tuyển môn Văn, ngay sau đó nên có bài thi luận. Có thể bài luận ấy yêu cầu thí sinh thể hiện ý thức của nghề nghiệp, cái nhìn và bàn luận về con người. Nếu thí sinh biết trân trọng, trân quý con người, vì sự sống và vẻ đẹp thể chất con người thì chắc chắn khi thí sinh ấy được vào học tại trường, sau này đi làm sẽ đầy đủ tài năng lẫn đức độ. Xét tuyển thông qua hệ số kỳ thi chung quốc gia dù đã tốt nhưng để đảm bảo hơn, cần có bài thi luận sát vào nghề. Y học cũng có vẻ đẹp, cho nên phải yêu cầu thí sinh luận rõ vẻ đẹp, sự thiêng liêng của ngành y và y học, qua đó xây dựng nền tảng nhân văn trong tâm hồn các y, bác sĩ tương lai.
Ban Văn hóa - Văn nghệ (thực hiện)