Trình tự, thủ tục thực hiện đánh giá, chứng nhận chất lượng bệnh viện
Theo dự thảo Thông tư quy định Bộ tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện cơ bản đang được Bộ Y tế lấy ý kiến nhân dân, Bộ tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện cơ bản là các quy định, yêu cầu tối thiểu đặt ra cho các bệnh viện cần đạt được để bảo đảm cung cấp các dịch vụ y tế an toàn, có chất lượng ở mức đáp ứng được nhu cầu của đa số người dân.
Việc ban hành Bộ tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện cơ bản nhằm cung cấp bộ công cụ để các bệnh viện tự đánh giá và các cơ quan quản lý, tổ chức độc lập đánh giá, chứng nhận chất lượng theo Điều 57, Điều 58 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngày 09/01/2023. Đồng thời, cung cấp căn cứ để bệnh viện triển khai các hoạt động cải tiến chất lượng nhằm cung ứng dịch vụ y tế an toàn, chất lượng, hiệu quả, mang lại sự hài lòng cao nhất cho người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế.
Bộ tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện cơ bản được sử dụng làm cơ sở: Triển khai các hoạt động cải tiến chất lượng nhằm cung ứng dịch vụ y tế an toàn, chất lượng, hiệu quả, mang lại sự hài lòng cao nhất cho người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế; giám sát các điều kiện cho phép hoạt động và xác định các điều kiện bảo đảm chất lượng dịch vụ theo Điều 49 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15; thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin của bệnh viện đối với người bệnh, người dân và cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của Chính phủ.
Theo dự thảo, hằng năm, bệnh viện tự đánh giá theo Bộ tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện cơ bản. Thủ trưởng bệnh viện chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác và nhất quán của thông tin, số liệu thống kê, kết quả đánh giá, thời hạn hoàn thành và chất lượng báo cáo đánh giá theo Bộ tiêu chuẩn.
Các cơ quan quản lý đánh giá chất lượng các bệnh viện trực thuộc và báo cáo kết quả về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh).
Các tổ chức độc lập thực hiện đánh giá khi có đề nghị của bệnh viện hoặc cơ quan quản lý.
Việc đánh giá chất lượng được thực hiện vào thời điểm bất kỳ trong năm. Số liệu thống kê thực hiện theo các yêu cầu cụ thể của từng tiêu chí, tiểu mục. Trong trường hợp không quy định rõ về mốc thời gian thống kê thì số liệu được tính trong một năm dương lịch từ 1/1 đến 31/12 hằng năm.
Dự thảo nêu rõ, việc đánh giá, chứng nhận bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản thực hiện như sau:
- Các cơ quan quản lý nhà nước về y tế chịu trách nhiệm thành lập đơn vị đánh giá chất lượng hoặc phân công cho tổ chức chứng nhận chất lượng độc lập đánh giá.
- Thực hiện đánh giá, chứng nhận bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo định kỳ 3 năm 1 lần.
- Cấp chứng nhận chất lượng cơ bản cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thời hạn trong 3 năm.
- Cơ quan quản lý nhà nước về y tế và tổ chức chứng nhận chất lượng báo cáo kết quả đánh giá về Bộ Y tế, đề nghị công nhận kết quả.
- Bộ Y tế xem xét, ban hành quyết định công nhận kết quả đánh giá.
- Công khai kết quả đánh giá trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, trang thông tin điện tử của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
83 tiêu chí của Bộ tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện
Theo dự thảo, Bộ tiêu chuẩn bao gồm 83 tiêu chí chính thức, được chia làm 5 phần:
Phần A: Hướng đến người bệnh (19 tiêu chí: Người bệnh được chỉ dẫn rõ ràng, đón tiếp và hướng dẫn khoa học, cụ thể; người bệnh, người nhà người bệnh được chờ đợi trong phòng đầy đủ tiện nghi và được vận chuyển phù hợp với tình trạng bệnh tật; cải tiến quy trình khám bệnh, đáp ứng sự hài lòng người bệnh…)
Phấn B: Phát triển nguồn nhân lực (14 tiêu chí: Xây dựng kế hoạch phát triển nhân lực bệnh viện; bảo đảm và duy trì ổn định số lượng nhân lực bệnh viện; bảo đảm cơ cấu chức danh nghề nghiệp và xác định vị trí việc làm của nhân lực bệnh viện; nhân viên y tế được đào tạo liên tục và phát triển kỹ năng nghề nghiệp…)
Phần C: Hoạt động chuyên môn (35 tiêu chí: Bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện; hồ sơ bệnh án được quản lý chặt chẽ, đầy đủ, khoa học; quản lý tốt cơ sở dữ liệu và thông tin y tế; thiết lập và hoàn thiện hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn; nghiên cứu và triển khai áp dụng các kỹ thuật mới, phương pháp mới; sử dụng thuốc an toàn, hợp lý…)
Phần D: Cải tiến chất lượng (11 tiêu chí: Thiết lập hệ thống quản lý chất lượng bệnh viện; xây dựng, triển khai kế hoạch và đề án cải tiến chất lượng; xây dựng văn hóa chất lượng bệnh viện; xây dựng hệ thống báo cáo, phân tích sự cố y khoa và tiến hành các giải pháp khắc phục; thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu các sự cố y khoa…)
Phần E: Tiêu chí đặc thù chuyên khoa (4 tiêu chí: Thiết lập hệ thống tổ chức chăm sóc sản khoa và sơ sinh; hoạt động truyền thông về sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em; thực hành tốt nuôi con bằng sữa mẹ; bệnh viện thiết lập hệ thống tổ chức chăm sóc nhi khoa).
Đánh giá chất lượng thế nào?
Dự thảo của Bộ Y tế nêu rõ, mỗi một tiểu mục của tiêu chí được đánh giá là "đạt" hoặc "không đạt" (riêng các tiểu mục trong mức 1 (mang nghĩa âm tính) được đánh giá là "có" hoặc "không").
Một tiểu mục được đánh giá là "đạt" cần tuân thủ triệt để theo nguyên tắc: "hoặc không, hoặc tất cả". Ví dụ: tiểu mục "Các khoa lâm sàng và cận lâm sàng có đầy đủ bồn rửa tay cho nhân viên y tế" chỉ được xếp là "đạt" nếu toàn bộ các khoa lâm sàng và cận lâm sàng trong toàn bệnh viện đều có bồn rửa tay. Nếu bất kỳ một khoa nào không có bồn rửa tay sẽ đánh giá là "không đạt".
Bệnh viện được chấm là đạt Bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản nếu: Toàn bộ các tiêu chí bắt buộc đều đạt (chiếm ~ 80% tổng số các tiểu mục); tổng các tiểu mục tuỳ chọn đạt trên 50% các tiểu mục tuỳ chọn (Tổng điểm toàn bộ các tiểu mục đạt trên 90%).