Hà Nội

Đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm: Có khả thi?

21-09-2017 21:08 | Thời sự
google news

SKĐS - Mới đây, tại Hội thảo lấy ý kiến sửa 5 Luật do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, đã có ý kiến đề xuất kiến nghị với Bộ Tài chính về việc đánh thuế với các khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm của cá nhân. Ý kiến này làm dấy lên nhiều luồng dư luận.

Đây không phải lần đầu tiên đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm được đưa ra. Năm 2013, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM từng đưa ra đề xuất đánh thuế thu nhập với những khoản tiền gửi tiết kiệm trên 500 triệu đồng để khuyến khích dòng tiền đưa vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, ngay sau đó, đề xuất này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ và dần dần chìm xuồng. Nay chuyện đánh thuế này lại được khơi lại.

Ý kiến phân tích về những bất hợp lý trong chính sách thuế hiện nay và đưa ra cho đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm này là: Cá nhân bán nhà, chuyển nhượng chứng khoán dù lỗ thì vẫn phải nộp thuế thu nhập theo quy định hiện nay, trong khi lãi tiết kiệm lên đến tiền tỉ mỗi năm thì lại miễn thuế. Vì vậy, một khi lãi tiết kiệm lên tới tiền tỉ thì nên được nhìn nhận như một khoản đầu tư tương tự đầu tư chứng khoán, bất động sản. Ý kiến đánh thuế lần này muốn tập trung vào những món tiền gửi lớn (có thể là tiền gửi tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi, mua trái phiếu...) vốn mang về khoản thu nhập lãi hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng mỗi năm. Trong giới chuyên gia cũng không ít ý kiến ủng hộ đề xuất này và cho rằng đã đến lúc nước ta nên nghiêm túc xem xét việc này bởi việc đánh thuế với những khoản lãi tiết kiệm mang về thu nhập quá lớn là hợp lý và phù hợp với quốc tế.

Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần không đồng tình với ý kiến thu thuế tiền gửi tiết kiệm. Và họ có cái lý của mình. Vốn tín dụng từ các ngân hàng vẫn là dòng máu chính nuôi nền kinh tế, luôn chiếm 80-90% vốn đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp. Vốn ấy từ đâu ra? Từ tiền gửi của người dân. Tức có thể nói, GDP chúng ta có được nhờ phần rất quan trọng từ tiền gửi của dân. Sâu xa hơn, vì sao chúng ta may mắn có “mỏ vàng tiết kiệm” dồi dào trong nhiều năm qua? Là nhờ thói quen tiết kiệm đặc trưng của người Việt. Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng chỉ ra rằng chính nền tảng tiết kiệm là lực đỡ quan trọng cho nền kinh tế trong những tình huống khó khăn.

Đồng thời, lãnh đạo nhiều ngân hàng lo ngại đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm cá nhân sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Thực tế, lượng tiền huy động từ dân cư vẫn là nguồn vốn chủ động của hệ thống ngân hàng và hệ thống này đến nay vẫn là nơi cung cấp vốn chủ lực cho toàn bộ nền kinh tế. Bên cạnh đó, tỉ lệ tiết kiệm trên đầu tư của Việt Nam hiện còn thấp, mức thu nhập của người dân cũng chưa cao. Trước mắt nên ưu đãi người dân gửi tiền vào ngân hàng đã, giờ chưa phải lúc đánh thuế này. Tương tự, các chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho rằng thời điểm này chưa phù hợp. Việc đánh thuế lãi tiền gửi ở những nước phát triển là bình thường nhưng với nước ta thì lại chưa nên đặt ra, nhất là khi đang có quá nhiều sắc thuế rồi. Hơn nữa, đây cũng không phải là nguồn thu quá quan trọng cho ngân sách. Nếu không nghiên cứu đánh giá cẩn thận có thể còn gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế. Và quan trọng hơn, mục tiêu lớn nhất của Chính phủ là tăng trưởng GDP sẽ bị lung lay.

Hiện gửi tiết kiệm tại ngân hàng đang được xem là một trong những kênh giúp "tiền đẻ ra tiền" an toàn và hiệu quả của người dân. Giờ đây, nếu đánh thuế tiền lãi tiết kiệm thì ai cũng hiểu hệ lụy đầu tiên là người dân sẽ rút bớt tiền ra khỏi ngân hàng hoặc may mắn nhất là họ… không rút ra nhưng không gửi thêm tiền vào các nhà băng. Ngân hàng chỉ sống khi có tiền “chạy qua”. Thu nhập của nhà băng giảm hoặc chi phí của nhà băng tăng lên vì thuế tiền lãi tiết kiệm. Cả hai điều này đều khiến tiền thuế nhà băng đóng cho Bộ Tài chính giảm đi. Tức mong muốn tăng thu của Bộ Tài chính không thành.

Cùng chung ý kiến, không ít khách hàng khác cho rằng tiền gửi tiết kiệm có nhiều lợi ích: ngân hàng dùng tiền đó cho vay đầu tư vào sản xuất, vào kinh doanh... đem lại lợi ích cho toàn xã hội. Nếu đánh thuế thì dân sẽ tìm cách khác để giữ tiền, không gửi tiết kiệm nữa và như vậy sẽ kéo nền kinh tế đi xuống. Nếu người dân rút tiết kiệm khỏi nhà băng, họ sẽ tìm chỗ gửi khác. Những kênh có khả năng sinh lời không chính thức nhưng không bị pháp luật cấm chính là cho vay cá nhân lẫn nhau (Bộ luật Dân sự đã cho phép) hoặc chơi hụi, gửi vào tín dụng đen, đổi sang đô-la rồi gửi đầu tư ở nước ngoài… Tức là sẽ có những biến tướng của tín dụng cá nhân, tiết kiệm mà nó bóp méo, cản trở sự hình thành một hệ thống tài chính minh bạch. Làm loang rộng hơn vùng tối - vùng khó kiểm soát của nền kinh tế.

Trong khi Chính phủ đang chủ trương tăng tín dụng - đồng nghĩa với thu hút thêm tiền gửi từ nhân dân. Bên cạnh đó, chủ trương huy động 500 tấn vàng trong dân đưa ra nhiều năm chưa thực hiện được, nếu tiếp tục đánh thuế tiền gửi tiết kiệm thì nhiều người sẽ tìm vào kênh trú ẩn là vàng - không những không huy động được mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng vàng hóa. Như vậy, các chủ trương sẽ không nhất quán, thậm chí “đá” nhau. Bởi vậy, cần phải nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra chính sách thuế cho lãi từ tiền gửi tiết kiệm, tránh tình trạng ban hành rồi lại phải sửa. Đó cũng là kiến nghị và mong muốn của nhiều người dân.


MINH ĐỨC
Ý kiến của bạn