Hà Nội

Đề xuất có mức sàn lương hưu để người già sống được ở mức tối thiểu

10-05-2023 13:14 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo chuyên gia, dù mức đóng bảo hiểm xã hội cao hay thấp thì mức lương hưu nhận được ít nhất phải đảm bảo cuộc sống tối thiểu, do đó nên quy định mức sàn.

3 trường hợp bị tạm dừng hưởng lương hưu năm 2023 cần biết3 trường hợp bị tạm dừng hưởng lương hưu năm 2023 cần biết

SKĐS - Người dân cần biết những trường hợp bị tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội để bảo đảm quyền lợi của mình.

Mức lương hưu tối thiểu phải sống được

Trong cuộc đối thoại với Bảo hiểm xã hội TP HCM sáng 9/5, chủ tịch công đoàn cơ sở một số công ty đóng ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức) đề xuất phải quy định mức sàn cho lương hưu.  

Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam, đề xuất cần quy định mức lương hưu thấp nhất, căn cứ vào lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng để tính toán tỷ lệ phù hợp. Với những người hưởng mức thấp cần được nâng lên cho bằng để đảm bảo được cuộc sống

Nhà nước có quy định lương tối thiểu (vùng I, ví dụ TP HCM là 4,68 triệu đồng) nhằm đảm bảo cho cuộc sống người lao động ở mức thấp nhất. Tuy nhiên, nhiều công nhân về hưu lương chỉ hai triệu đồng, chưa bằng một nửa lương tối thiểu, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Đề xuất có mức sàn lương hưu để người già sống được ở mức tối thiểu - Ảnh 2.

Lương hưu phải đảm bảo người cao tuổi sống được ở mức tối thiểu.

Lương hưu hàng tháng của người lao động cao hay thấp dựa vào mức tiền lương tháng để đóng bảo hiểm xã hội và thời gian đóng, tức tuân thủ nguyên tắc đóng – hưởng. Ông Hồng cho rằng chính sách cần vận dụng thêm nguyên tắc sẻ chia giữa người lương hưu cao vài chục hoặc cả trăm triệu đồng mỗi tháng và người nhận khoản tiền quá thấp, không đủ sống dù là mức tối thiểu.

"Khi đã có sự chia sẻ giữa các nhóm cần có quy định sàn lương hưu với mức hưởng tiệm cận với lương tối thiểu vùng", ông Hồng đề xuất. Khi người lao động nhìn thấy tuổi già được đảm bảo, ít nhất ở mức cơ bản nhất, họ sẽ tin tưởng và ở lại với hệ thống.

Một lãnh đạo công ty khác cho biết, trong nhiều lý do để công nhân rời hệ thống phải kể đến số tiền người lao động nhận được khi về hưu rất thấp, có trường hợp dưới hai triệu đồng. Do vậy, nhà nước cần xem xét để xây dựng mức sàn lương hưu, có thể căn cứ vào lương tối thiểu vùng để tính mức phù hợp nhằm đảm bảo cuộc sống người lao động.

Trao đổi với phóng viên Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS Hoa Hữu Lân, nguyên trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển Văn hóa - Xã hội, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho biết, luật hiện hành quy định người lao động đủ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc bình thường, đóng đủ 20 năm trở lên được hưởng lương hưu. Mức hưởng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và tương ứng với số năm đóng. Muốn hưởng mức tối đa 75%, lao động đóng 30-35 năm. Định kỳ lương hưu được điều chỉnh tăng dựa theo chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế. Người hưởng lương hưu được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

"Tuy nhiên mức lương hưu theo quy định của người lao động khá thấp, chưa đạt mức sống tối thiểu. Chính lương hưu quá thấp, thời gian đóng dài, cộng với nhiều khó khăn trong đời sống đã khiến không ít người chọn cách rút bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua. Do vậy đã đến lúc Việt Nam nên xây dựng mức sàn lương hưu theo đề xuất của doanh nghiệp, tôi đồng tình về điều này. Phải làm sao để người lao động ở tuổi hưu trí sống được bằng mức tối thiểu của xã hội", PGS.TS Hoa Hữu Lân nhận định.

Chưa thể là giải pháp căn cơ

PGS.TS Hoa Hữu Lân phân tích, chính sách lương hưu tác động rất lớn đến an sinh xã hội. Các quy định hiện hành về lương hưu cũng đã được tính toán tương đối kỹ lưỡng, đảm bảo cân đối thu chi của Quỹ Bảo hiểm Xã hội cũng như an sinh xã hội nói chung. Đối tượng người lao động là công nhân, người lao động phổ thông… hiện nay chiếm rất lớn, đa phần họ đóng bảo hiểm với mức thấp, nên khi nghỉ hưu mức lương nhận được cũng thấp.

"Thời gian qua chúng ta chứng kiến hàng nghìn người rút bảo hiểm xã hội một lần, hàng trăm nghìn người dời khỏi hệ thống an sinh xã hội. Có rất nhiều nguyên nhân như thời gian đóng bảo hiểm dài, người lao động có tuổi chọn rút một lần cho chắc ăn. Còn những người lao động mất việc do dịch bệnh, những người rơi vào tình cảnh khó khăn, họ không có cách nào khác là rút tiền bảo hiểm xã hội để trang trải cuộc sống. Vấn đề này liên quan đến nhiều yếu tố xã hội khác nhau như việc làm, sức khỏe, an sinh… tuy vậy nếu có mức lương hưu sàn để đảm bảo người lao động sống được thì chắc chắn con số người lao động dời bỏ hệ thống an sinh sẽ giảm nhiều", PGS.TS Hoa Hữu Lân phân tích.

Mức sàn lương hưu PGS.TS Hoa Hữu Lân đề xuất là không thấp hơn mức lương cơ bản hiện hành. Từ 1/7 tới đây, mức lương cơ bản sẽ là 1.800.000 đồng/tháng, vậy mức sàn lương hưu cũng phải như vậy trở lên. Chỉ có như thế thì người lao động nghỉ hưu mới có điều kiện trang trải một phần cuộc sống tuổi già. Tất nhiên, mức này cũng chưa thể giúp họ sống được bằng lương hưu.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính nên cân nhắc và xây dựng, tính toán mức sàn phù hợp để giữ chân người lao động, giúp họ an tâm hơn khi đóng bảo hiểm xã hội để có mức lương sống được khi nghỉ hưu. Mức sàn lương hưu chắc chắn sẽ không chấm dứt tình trạng người lao động rút sổ bảo hiểm xã hội một lần, do vậy cũng không phải là giải pháp căn cơ, song theo PGS.TS Hoa Hữu Lân, đây sẽ là tín hiệu vui giúp người lao động giảm bớt khó khăn khi nghỉ hưu. Và mức sàn này có thể được điều chỉnh theo từng giai đoạn, tùy thuộc vào tình hình thực tế.

8 nhóm đối tượng sẽ được tăng lương hưu, trợ cấp từ 1/7?8 nhóm đối tượng sẽ được tăng lương hưu, trợ cấp từ 1/7?

SKĐS - Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng từ ngày 1/7 cho 8 nhóm đối tượng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Tác Dụng Chữa Bệnh Của Cây Chanh | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn