Hà Nội

Chồng được nghỉ thai sản 1 tháng khi vợ sinh con

TS. Vũ Thị Minh Huyền

TS. Vũ Thị Minh Huyền

07-04-2023 15:25 | Blog thầy thuốc

SKĐS - Dư luận đang rất quan tâm với đề xuất của Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Tiểu ban phụ nữ trong kinh doanh (WIB SC), gửi tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới ở Việt Nam từ 5-14 ngày lên tối thiểu 30 ngày.

Đây là đề xuất trong góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Tôi cho rằng việc tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới là một đề xuất cần thiết và đúng đắn. Đó là khi nam giới được nghỉ nhiều hơn trong thời gian vợ sinh con, đây là chuyện vô cùng tích cực đối với người lao động. Điều này sẽ giúp nam giới có điều kiện để "toàn tâm toàn ý" chăm sóc người vợ cùng đứa trẻ mới ra đời.

Việc cho nam giới tăng thời gian nghỉ thai sản không chỉ giúp các bà vợ có thêm người cùng chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ, mà còn giúp người đàn ông hiểu rõ hơn những vất vả của vợ khi mới sinh con xong. Đồng thời, tăng cường gắn kết tình cảm dẫn đến cải thiện sức khỏe cũng như kết quả phát triển cho trẻ em.

Đứa trẻ mới sinh ra sẽ được cả cha và mẹ chăm sóc nhiều hơn, mỗi đứa bé sẽ nhận được sự chăm sóc và điều kiện phát triển tốt nhất khi cả cha và mẹ được nghỉ phép, đảm bảo bình đẳng giới trong xã hội, giảm khoảng cách tiền lương giữa các giới. Việc tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới sẽ khuyến khích lớp trẻ sinh con hơn, có trách nhiệm nhiều hơn với gia đình, đặc biệt là với nam giới. Đây cũng là chính sách công bằng, thúc đẩy bình đẳng giới bởi trách nhiệm với con cái giữa cha và mẹ là như nhau. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định.

Bởi, với điều kiện kinh tế hiện nay, để có thể thực hiện điều này không phải là dễ. Như chúng ta đã biết, quỹ thai sản là ngắn hạn nên tăng thời gian nghỉ thai sản đồng nghĩa với tăng mức đóng. Nếu tăng tỷ lệ đóng thì các doanh nghiệp phải thay đổi kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tính toán quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội. Nếu tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới mà không đi đôi với tăng tiền đóng vào quỹ thì chắc chắn không đảm bảo được khả năng cân đối nguồn quỹ trong ngắn hạn.

Hơn nữa, điều kiện quỹ thai sản ở các nước khác nhau, không thể lấy mô hình của vài nước để áp dụng vào nước ta. Một số người lao động thu nhập thấp có thể sẽ phải đối mặt với vấn đề nghỉ nhiều thì thu nhập thực tế có thể giảm vì những ngày nghỉ không được trả lương mà sẽ chỉ nhận tiền chế độ thai sản từ BHXH - tức 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc để hưởng chế độ thai sản. Còn với những người chưa đóng BHXH đủ 6 tháng thì khoản tiền được chi trả trong thời gian này còn thấp hơn.

Như đã nói, nếu có thể tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới lên 6 tháng thì vô cùng có lợi cho người lao động. Cả bố mẹ đều có thêm thời gian chăm sóc con, con có điều kiện phát triển tốt nhất. Khi vợ sinh con, chồng cũng vất vả do phải chăm sóc con nhỏ và vợ còn yếu sức sau khi vượt cạn. Nhiều gia đình không có điều kiện kinh tế thuê giúp việc trông con, làm việc nhà, ông bà nội ngoại ở xa không ở cùng để giúp đỡ, người vợ không có thời gian nghỉ ngơi, ở nhà phải tự chăm con rất vất vả; người chồng phải nghỉ phép để chăm vợ hoặc vừa đi làm vừa tranh thủ chăm vợ, con thì vất vả.

Mong muốn là vậy nhưng cũng phải nhìn vào sự thực rằng có rất nhiều điều tốt chúng ta muốn thực hiện nhưng không thể làm trong điều kiện kinh tế như hiện nay.

Chúng ta cần phải tăng theo lộ trình sao cho phù hợp với tình hình kinh tế đất nước, khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm xã hội. Trước mắt nam giới có thể được nghỉ 1 tháng, nhưng sau 5-7 năm nữa sẽ tăng lên 2 tháng rồi 3 tháng, 10-15 năm nữa sẽ tăng lên 6 tháng khi tài chính cân đối được.

Do đó, tại thời điểm này tôi ủng hộ đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới từ 5-14 ngày làm việc lên 1 tháng. Đây là mức tăng không quá lớn trong khả năng của chúng ta. Các cơ quan quản lý có thể nghiên cứu.

Tuy nhiên, cũng cần phải tính toán nếu chính sách chỉ nhắm đến một nhóm đối tượng thì sẽ không bình đẳng khi có tình trạng lao động hưởng lương thì được nghỉ, còn lao động khác sẽ vẫn đi làm. Nên chăng, cần có quy định để bảo đảm tính công bằng cho cả nam giới hưởng lương và không hưởng lương khi vợ sinh nở. Bởi, khi vợ sinh con, chồng có hưởng lương hay không, có tham gia BHXH hay không thì trách nhiệm đều như nhau. Về lâu dài, nam giới vẫn cần được nghỉ thai sản để làm tròn bổn phận chung sức chăm sóc con cái.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

TS. Vũ Thị Minh Huyền
Ý kiến của bạn