Bộ Công thương tổ chức Hội thảo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII và đánh giá môi trường chiến lược vào ngày 17/2. Việc sửa đổi được Chính phủ yêu cầu xong trước tháng 2/2025.
Một lần nữa nhấn mạnh tính cấp thiết phải sửa đổi Quy hoạch điện VIII sau hơn một năm ban hành, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, bối cảnh hiện nay đã khác - cao hơn rất nhiều so với trước, trong khi nhiều nguồn điện lớn trong Quy hoạch điện VIII chậm tiến độ.

Nhà máy điện hạt nhân dự kiến đặt ở Ninh Thuận.
"Tăng trưởng kinh tế năm 2025 phấn đấu đạt trên 8% và giai đoạn 2026-2030 phấn đấu đạt mức hai con số. Mức tăng này đòi hỏi điện năng phải tăng trưởng gấp 1,5 lần, dự kiến bình quân hàng năm từ 12-16%", ông Long nói.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Đăng Dương, Viện Năng lượng đã chỉ ra tình trạng nhiều nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII chậm tiến độ và nhấn mạnh việc phát triển điện hạt nhân ở nước ta trong thời gian tới.
Trong đó, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 đã được Thủ tướng giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư. Dự kiến, các nhà máy sẽ đưa vào vận hành trong giai đoạn 2030-2035, quy mô đạt 6.000-6.400MW.
Ông Dương cho rằng, từ năm 2035 đến 2050, hệ thống cần bổ sung khoảng 4,5-5GW điện hạt nhân tại miền Bắc và 3GW tại miền Trung (chủ yếu là điện hạt nhân dạng modul quy mô nhỏ SMR) để cung cấp nguồn điện nền, có thể tăng thêm trong kịch bản phụ tải cao đặc biệt và một số kịch bản độ nhạy.
Tuy nhiên, để nguồn điện hạt nhân có thể cạnh tranh với các nguồn điện khác và đưa vào vận hành ở giai đoạn 2031-2035, ông lưu ý, trên cơ sở tối ưu về chi phí, suất đầu tư điện hạt nhân cần xem xét giảm xuống mức khoảng 4.000 USD/kW.
Liên quan đến việc đã xác định được 8 vị trí tiềm năng phát triển điện hạt nhân tại 5 tỉnh ở nước ta, với công suất mỗi vị trí khoảng 4-6GW, đại điện Viện Năng lượng thông tin, ở kịch bản độ nhạy khi tìm được vị trí xây dựng điện hạt nhân tại vùng Bắc Bộ, mô hình tính toán lựa chọn phát triển thêm công suất tại vùng này giai đoạn đến 2045 với quy mô khoảng 900MW và tăng lên 4.800MW giai đoạn đến năm 2050.
Từ đó, ông đề xuất xem xét vị trí Hà Tĩnh hoặc vị trí mới tại Bắc Bộ làm địa điểm dự phòng trong trường hợp không thể phát triển nguồn điện hạt nhân tại các vị trí ở tỉnh Ninh Thuận Theo ông, điều này nhằm cung cấp nguồn điện nền tại chỗ cho trung tâm phụ tải miền Bắc, góp phần giảm nhu cầu truyền tải liên vùng miền.
Viện Năng lượng cũng đề xuất sớm lập Quy hoạch phát triển điện hạt nhân theo Luật Quy hoạch và Luật Năng lượng Nguyên tử để chuẩn xác quy mô, xác định công nghệ, địa điểm, thời điểm.
Trước đó, ở phần đánh giá khả năng phát triển nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn tại Việt Nam trong dự thảo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã đưa ra 8 vị trí tiềm năng nằm ở 5 tỉnh trong Quyết định số 906 ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch định hướng phát triển điện hạt nhân, gồm:
1. Thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
2. Thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.
3. Thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
4. Vũng La, thôn Phú Hải, xã Xuân Phương, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
5. Thôn Sơn Tịnh, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
6. Bãi Chà Là, thôn Bình Tiên, xã Cống Hải, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận.
7. Thôn Gia Hòa, xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
8. Thôn Văn Bân, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
Mỗi vị trí trên có tiềm năng phát triển khoảng 4-6 GW nguồn điện hạt nhân.
Hiện chỉ có 2 địa điểm Phước Dinh và Vĩnh Hải có công bố quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Một số địa điểm tiềm năng khác (2 địa điểm ở Quảng Ngãi, 1 địa điểm ở Bình Định) được xem xét phát triển 4 tổ máy điện hạt nhân quy mô lớn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 17/2: Trêu ghẹo cô gái bị phản ứng, gã đàn ông bệnh hoạn quay qua đập phá quán ăn gây náo loạn