Đề xuất cha, mẹ, vợ, chồng… không được đấu giá cùng một tài sản để tránh việc thông đồng, dìm giá

16-08-2023 17:08 | Thời sự

SKĐS - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nêu, các trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản như cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em... để bảo đảm tính khách quan, minh bạch.

Chiều 16/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định tại các Điều 9, 11, 12, 19, 24, 26 và 29 của Luật Đấu giá tài sản theo hướng: Bỏ quy định về các trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá như quy định hiện hành nhằm đảm bảo các đối tượng muốn trở thành đấu giá viên đều được trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng hành nghề phù hợp với tính chất nghề nghiệp đấu giá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Bổ sung quy định về trách nhiệm tham gia bồi dưỡng bắt buộc hàng năm đối với đấu giá viên, góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ đấu giá viên trong hoạt động hành nghề. Sửa đổi, bổ sung quy định về quyền của tổ chức đấu giá tài sản trong việc cung cấp dịch vụ đấu giá, thu, quản lý và sử dụng tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định từ Điều 34 đến Điều 39, các Điều 42, 43, 52, 53, 57, 59, 62 và 66 của Luật Đấu giá tài sản theo hướng: bổ sung một số nội dung chính trong Quy chế cuộc đấu giá để đảm bảo tính chặt chẽ, khả thi.

Bổ sung việc niêm yết đấu giá, việc xem tài sản đấu giá, thay đổi địa điểm tổ chức cuộc đấu giá đảm bảo tính công khai, minh bạch; việc xét duyệt yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản. Việc bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá bằng hình thức trực tuyến, góp phần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

Đề xuất cha, mẹ, vợ, chồng… không được đấu giá cùng một tài sản để tránh việc thông đồng, dìm giá - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại phiên họp.

Đáng lưu ý, dự thảo cũng bổ sung các trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản như cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động doanh nghiệp khác... để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, tránh tình trạng thông đồng, dìm giá giữa những người này khi tham gia đấu giá.

Cách thức xác định tiền đặt trước, đảm bảo an toàn cho khoản tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù như quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; sửa đổi quy định về việc trả giá, hình thức đấu giá bỏ phiếu gián tiếp theo hướng rõ ràng, chặt chẽ.

Không áp dụng thủ tục đấu giá rút gọn đối với quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản và tài sản khác theo quy định của Luật có liên quan; việc thông báo công khai đấu giá trên báo in hoặc báo hình và trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia đảm bảo tính thống nhất, khả thi, góp phần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản…

Đề xuất cha, mẹ, vợ, chồng… không được đấu giá cùng một tài sản để tránh việc thông đồng, dìm giá - Ảnh 3.

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp.

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc bổ sung quy định thực hiện đấu giá trực tuyến thông qua Cổng đấu giá tài sản quốc gia và Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản là phù hợp với yêu cầu về chuyển đổi số, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch… Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc quản lý Cổng Đấu giá tài sản quốc gia.

Về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục đấu giá tài sản như quy định về Quy chế cuộc đấu giá, niêm yết việc đấu giá tài sản, xem tài sản đấu giá, địa điểm tổ chức cuộc đấu giá… nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch và cách hiểu thống nhất trong quá trình thực thi; bảo đảm quyền lợi hợp pháp và nghĩa vụ của những chủ thể có liên quan đến tài sản đấu giá, bảo đảm hiệu quả trong hoạt động đấu giá tài sản, tránh hiện tượng thông đồng, dìm giá, làm nhiễu loạn hoạt động đấu giá tài sản.

Tăng lương, loạt mặt hàng tăng theo khiến cử tri và nhân dân lo ngạiTăng lương, loạt mặt hàng tăng theo khiến cử tri và nhân dân lo ngại

SKĐS - Cử tri và nhân dân lo ngại trước giá cả nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt, hàng tiêu dùng và các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất, đời sống có xu hướng tăng từ trước thời điểm tăng lương. Đến đầu tháng 8, các mặt hàng vẫn tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn