Theo đại biểu, trên thực tế, nhiều quảng cáo xuất hiện với tần suất quá nhiều và đôi khi phát lại khung giờ không phù hợp trên truyền hình, ngôn ngữ có khi gây hiểu nhầm, tạo ra hiệu ứng ngược. Trong khi đó, một số nội dung quy định vẫn mang tính chung chung như trong khoản 3, Điều 8 của Luật Quảng cáo chưa quy định rõ cụ thể thế nào được gọi là trái với văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam, gây ra nhiều cách hiểu khác nhau.
Do đó, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo lần này phải có quy định hoặc giao Chính phủ hướng dẫn thống nhất định nghĩa "trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam" là như thế nào?
Còn ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho biết, Điều 23 sửa đổi bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với quảng cáo trên môi trường mạng, trong đó có quy định về quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo trên mạng.
Dự thảo quy định trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin quy phạm pháp luật, tiếp nhận thông báo và gửi giấy xác nhận cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng. Tuy nhiên, dự thảo chỉ mới xác định trách nhiệm tự gỡ bỏ của người quảng cáo, trách nhiệm cụ thể của Bộ TT&TT, trong khi đó chưa rõ các cơ quan chức năng có thẩm quyền là những cơ quan khác.
Đại biểu cũng cho rằng, hiện nay chúng ta kiểm soát rất chặt về quảng cáo nhưng là trên truyền hình, trên báo chí nhưng trên MXH thì rất lỏng lẻo do thiếu hành lang pháp lý. Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa Luật Quảng cáo lần này bổ sung thêm các hành vi cấm tương ứng với đặc thù quảng cáo trên môi trường mạng.
ĐBQH Dương Tấn Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định, việc xử lý quảng cáo vi phạm một cách nhanh chóng, nhằm ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực đến người tiêu dùng và xã hội là rất quan trọng. Vì tốc độ lan truyền internet hiện nay rất nhanh và rất rộng.
"Tôi đề xuất xem xét bổ sung quy định về thời hạn xử lý quảng cáo vi phạm là phải tháo gỡ ngay hoặc là 12 giờ đối với các quảng cáo có nội dung ảnh hưởng nghiêm trọng đến người, quyền lợi người tiêu dùng và xã hội. Ví dụ như quảng cáo có tính chất kích động bạo lực, gian lận, lừa đảo, quảng cáo các sản phẩm cấm …", đại biểu Dương Tấn Quân nêu quan điểm.
Từ ý kiến trên, đại biểu Quân đề nghị dự thảo Luật cần phải bổ sung thêm chế tài cụ thể như thông báo công khai hoặc phạt thật nặng với những tổ chức, cá nhân không tuân thủ đúng thời hạn hoặc có vi phạm nhiều lần.
ĐBQH Lê Văn Khảm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương quan tâm ảnh hưởng của quảng cáo đến trẻ em. Theo đại biểu, nhiều nghiên cứu cho thấy, quảng cáo có tác động và tác động có tính chất tích lũy đến cảm xúc, hành vi, cách cảm nhận về các chuẩn mực, tác động đến tâm lý, thái độ sống, lối sống của trẻ em.
Vì thế, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu để quy định rõ hơn nội dung về cấm quảng cáo ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và phát triển bình thường của trẻ em. Theo đó, cần phải có tổ chức chuyên trách thực hiện nhiệm vụ đánh giá và giám sát việc quảng cáo.