Chiều ngày 12/7, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ do PGS.TS. Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện chủ trì. Một số nội dung được công bố tại họp báo như hiện trạng công nghệ khai thác đất hiếm ở Việt Nam và đề xuất công tác quản lý, vệ tinh Lotus Sat 1 sẽ được phóng vào tháng 2/2025, công nghệ mới nhất giám định ADN hài cốt liệt sĩ, số sáng chế tăng đột biến trong 6 tháng đầu năm....
Theo thông tin từ Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu đã ghi nhận được 126 trận động đất có độ lớn dao động trong khoảng từ 2,5 đến 4,1 độ theo thang Mô men trên lãnh thổ và vùng biển Việt Nam trong đó có 23 trận động đất có độ lớn trên 3,5 đã được thông báo đầy đủ trên các phương tiện thông tin. Đặc biệt, ngày 25/3, trận động đất có độ lớn 4,0 độ đã xảy ra tại ở khu vực huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội.
Lý giải về các trận động đất xảy ra liên tiếp ở nhiều nơi thời gian qua, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, các trận động đất thời gian qua chủ yếu tập trung ở các khu vực hồ thủy điện, trong số này có gần 10 trận động đất tự nhiên.
"Hoạt động động đất vừa qua xảy ra trên một số đới đứt gãy theo quy luật khi tích lũy đủ năng lượng thì xảy ra động đất. Động đất càng lớn thì khả năng lặp lại càng ít. Ví dụ động đất 6.7 độ ở Tây Bắc rất ít khi xuất hiện với chu kỳ lặp lại là rất dài trong khi các trận động đất nhỏ dưới 4 vẫn thường xuyên xảy ra. Động đất càng nhỏ thì lặp lại càng nhanh", TS Nguyễn Xuân Anh cho biết.
Nói về trận động đất xảy ra ở Mỹ Đức (Hà Nội) thời gian qua, TS Nguyễn Xuân Anh cho biết đây là dấu hiệu cho thấy hoạt động động đất vẫn xảy ra ở đứt gãy sông Hồng, sông Chảy. Quá khứ, khu vực này đã từng xảy ra động đất có độ lớn trên 5. Thời gian tới Viện Vật lý Địa cầu sẽ làm lại bản đồ phân vùng động đất và đánh giá lại rủi ro động đất ở các vùng trên cả nước.
"Rủi ro từ động đất liên quan đến xây dựng nhà cửa phụ thuộc vào vị trí và tâm chấn động đất. Ví dụ ở Hà Nội, động đất nhỏ cũng gây hậu quả rất lớn do mật độ xây dựng quá lớn, số lượng nhà cao tầng dày đặc. Do vậy cần phải rà soát đánh giá lại rủi ro động đất để có biện pháp phòng ngừa. Hà Nội nên lắp đặt hệ thống quan trắc động đất ở các khu nhà cao tầng để phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra", TS Nguyễn Xuân Anh cho biết.
TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, hiện nay, Viện Vật lý địa cầu duy trì hoạt động thường xuyên, ổn định, liên tục mạng lưới đài, trạm quan trắc vật lý địa cầu quốc gia của Việt Nam với 40 đài, trạm địa chấn quan trắc động đất, 4 đài trạm địa từ, 7 trạm định vị sét và vật lý khí quyển, 1 trạm quan trắc biến dạng vỏ Trái Đất, 1 đài điện ly.
Ngoài mạng trạm quốc gia, Viện Vật lý địa cầu còn duy trì các mạng trạm quan trắc thuộc các đề tài, dự án khác, cụ thể là 28 trạm quan sát động đất phục vụ quan trắc đánh giá an toàn đập thủy điện trên bậc thang sông Đà; 10 trạm khu vực thủy điện Sông Tranh 2, Bắc Trà My, Quảng Nam; 10 trạm quan sát động đất khu vực tỉnh Thừa Thiên-Huế; 8 trạm vật lý khí quyển khu vực Hà Nội.
Theo Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh, với thiết bị hiện đại, các công cụ xử lý số liệu tự động cho phép định vị động đất trong khoảng thời gian từ 3-5 phút sau khi động đất xảy ra. Theo quy chế của Chính phủ, các trận động đất xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam với độ lớn từ 3,5 trở lên theo thang mô-men được Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần thông báo cho các cơ quan quốc gia có chức năng truyền bá thông tin và ứng phó nhanh nhất. Đối với những trận động đất có độ lớn dưới 3,5, Trung tâm sẽ thông báo theo website của Viện Vật lý Địa cầu tại địa chỉ http://ww.igp-vast.vn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 12/7.