Sáng 2/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường liên quan đến thực hiện Kế hoạch đầu tư công; Tình hình thực hiện NSNN năm 2023 và dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTƯ năm 2024…
Phát biểu tại hội trường, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội bày tỏ nhất trí cao với nhiều nội dung được nêu trong các Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công và tình hình thực hiện NSNN năm 2023, kế hoạch năm 2024.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho biết, nhằm xác định tổng mức đầu tư xây dựng, xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng ở giai đoạn chuẩn bị dự án, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 510 ngày 19/5/2023 về công bố xuất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình bao gồm cả các công trình y tế. Xuất vốn đầu tư xây dựng công trình, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình chuẩn bị dự án.
Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, đối với lĩnh vực y tế, Quyết định 510 chỉ quy định xuất vốn đầu tư cho các công trình bệnh viện đa khoa từ 50 đến 1.000 giường bệnh và công trình bệnh viện chuyên khoa tuyến Trung ương với 1.000 giường bệnh. Trong khi đó, nhiều địa phương hiện nay đang thực hiện kế hoạch đầu tư công để xây dựng bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh với quy mô dưới 1.000 giường ở Hà Nội đang thực hiện như: Bệnh viện Thận tiết niệu, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Mê Linh. Quá trình triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư với các bệnh viện chuyên khoa gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do không có hướng dẫn về xuất vốn đầu tư.
Do đó, bà Trần Thị Nhị Hà đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung thêm quy định về xuất vốn đầu tư đối các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh tại Quyết định 510 để làm cơ sở xác định tổng mức vốn đầu tư xây dựng các dự án đầu tư công của ngành y tế.
Bà Trần Thị Nhị Hà cũng đề cập về vướng mắc trong việc xác định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị y tế chuyên dùng đối với việc xây dựng mới các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời đại biểu đề nghị sớm sửa đổi Thông tư 08 hướng dẫn cụ thể việc xây dựng, xác định tiêu chuẩn trang thiết bị y tế chuyên dùng làm cơ sở lập hồ sơ đề xuất chủ trương triển khai mua sắm tại các dự án đầu tư công xây mới ở bệnh viện.
Ngoài ra, đại biểu cũng nêu về vướng mắc trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, đề nghị Chính phủ quan tâm tới các quy định, điều kiện chuyển tiếp liên quan đến đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế từ Thông tư 14 sang thực hiện theo quy định tại Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Việc này nhằm đảm bảo việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế không bị chậm trễ, không phải chờ các văn bản hướng dẫn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả giải ngân đầu tư công để tháo gỡ các khó khăn trong thực tiễn. Đồng thời cần ban hành các văn bản có tính căn cơ để giải quyết vấn đề mua sắm trang thiết bị y tế.
ĐBQH Đinh Thị Phương Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ đồng tình với đánh giá của Chính phủ và đồng tình với việc ban hành nghị quyết thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù trong việc đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Tuy nhiên, về cơ cấu ngân sách trung hạn cần cân đối hài hòa hơn giữa kinh tế với văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội và đối ngoại.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan cũng đề nghị tiếp tục tăng cấp vốn tín dụng thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, mở rộng đối tượng hỗ trợ, tăng cơ cấu tín dụng. Nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền quy định về tiêu chí, thẩm quyền, nội dung, phạm vi áp dụng nguyên tắc điều hòa vốn đầu tư công để ưu tiên dự án trọng điểm có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, khả năng hấp thụ vốn cao.
Ngoài ra, đại biểu Đinh Thị Phương Lan cũng đề nghị tiếp tục đánh giá thực chất việc đạt mục tiêu nông thôn mới, tỉ lệ giảm nghèo, giảm thiểu tác động của chính sách…