Bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BHYT mà Bộ Y tế đang xây dựng, Ban soạn thảo tập trung nghiên cứu, đánh giá, đề xuất các giải pháp để tăng tỉ lệ bao phủ của các đối tượng thuộc nhóm gần 7% này.
- Xin bà thông tin cụ thể hơn về việc điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BHYT?
Bà Trần Thị Trang: Mới đây, Bộ Tư pháp vừa thực hiện thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BHYT của Bộ Y tế.
Một trong những chính sách được Bộ Y tế đề xuất tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BHYT là điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan và thực tiễn nhằm tăng tỷ lệ người tham gia BHYT để đạt mục tiêu BHYT toàn dân, đảm bảo quyền lợi của người dân trong việc tiếp cận dịch vụ BHYT.
Đồng thời pháp điển hóa và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của quy định pháp luật về BHYT với quy định của pháp luật về BHXH và các lĩnh vực liên quan khác.
Nội dung của chính sách bao gồm việc sửa đổi, bổ sung quy định về các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT đã được quy tại Luật BHYT, các nghị định của Chính phủ, các Luật có liên quan được ban hành trong thời gian qua và đặc biệt là đồng bộ với các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đang được quy định tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang trình Quốc hội ban hành như: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên.
Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương...
- Vậy các phương án cụ thể là gì, thưa bà?
Bà Trần Thị Trang: Có 3 phương án đã được liệt kê để thực hiện đánh giá tác động của các đối tượng chịu tác động có liên quan bao gồm:
Phương án 1: Sửa đổi, bổ sung một số quy định về các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT đã được quy định tại Điều 12 Luật BHYT để phù hợp với thực tiễn thực hiện Luật thời gian qua; Pháp điển hóa, cập nhật các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT đã được quy định tại các Nghị định của Chính, các Luật có liên quan được ban hành trong thời gian qua và đặc biệt là đồng bộ với các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đang được quy định tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang trình Quốc hội ban hành.
Quy định theo nhu cầu thực tiễn khi đủ điều kiện chính sách BHXH bổ sung mang tính tự nguyện do các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thực hiện theo quy định của Chính phủ trong đó việc tham gia BHYT bắt buộc do Nhà nước thực hiện là điều kiện để tham gia BHYT bổ sung nhằm mở rộng đối tượng tham gia BHYT bắt buộc.
Phương án 2: Bổ sung nhóm đối tượng là thân nhân người lao động, trong đó, nhóm thân nhân người lao động sẽ được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng. 70% còn lại do người lao động và chủ sử dụng lao động đóng, trong đó người lao động đóng 1/3 và chủ sử dụng lao động đóng 2/3 (tương tự như trách nhiệm đóng đối với người lao động) và một số quy cơ chế khuyến khích đóng BHYT một lần cho tối đa 3 năm để tạo cơ chế đóng thuận tiện, duy trì người dân tham gia BHYT.
Bộ Y tế cho rằng quy định này sẽ góp phần tạo ra sự an tâm cho người lao động trong suốt quá trình lao động, sản xuất. Tuy nhiên cũng sẽ làm tăng chi ngân sách và chi phí của doanh nghiệp cũng như người lao động để mua thẻ bảo hiểm y tế cho thân nhân.
Phương án 3: Giữ nguyên như quy định hiện hành.
- Vậy bà có thể cho biết, Bộ Y tế đánh giá cao phương án nào nhất?
Bà Trần Thị Trang: Sau khi thực hiện đánh giá tác động đối với các đối tượng chịu sự tác động của các bên liên quan trên cơ sở cân nhắc giữa ưu điểm và khó khăn, tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BHYT, Bộ Y tế đã đề xuất phương án 1 như đã nêu ở trên.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tháng tới đây và có hiệu lực từ ngày 1/12025 để tạo sự đồng bộ đối với một số nội dung của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!