Theo nghiên cứu của một tiến sĩ ĐH Sư phạm Hà Nội, luyện chữ đẹp và tính nhẩm nhanh chỉ giúp trẻ hoàn chỉnh một kĩ năng nhưng lại rất tốn thời gian, vì vậy cần bỏ nội dung này và bổ sung vào chương trình học những phần bổ ích khác.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về giáo dục tiểu học. Chị cho rằng, luyện viết chữ đẹp và tính nhẩm nhanh đang là gánh nặng cho học sinh, cần phải bỏ vì nó tốn nhiều thời gian và không thực sự hữu ích.
Thực tế, chị Hương nhận thấy người Việt Nam viết chữ đẹp và tính nhẩm rất nhanh. Nữ tiến sĩ tin rằng, dù viết ẩu đến mấy nhưng so với các bạn bè ở châu Âu chữ của chị vẫn "đẹp như chữ in", và tính nhẩm thì khiến họ phải thán phục. Dù vậy, tất cả các bạn đều bảo chị: "Chúng tôi sẽ không học như bạn, chỉ cần viết đúng chính tả và thuộc nguyên tắc làm tính là được rồi. Nếu cần chính xác và nhanh, chúng tôi dùng máy tính để tính và đánh văn bản".
Qua khảo sát các chương trình giáo dục của Anh, Đức, Hungaria, Pháp... chị Hương thấy, họ không quá coi trọng hai môn Toán và tiếng mẹ đẻ. Trẻ lớp 1 được dạy cộng trừ trong phạm vi 10 bằng các thiết bị chứ ít khi ghi con số. Toán từ tiểu học lên trung học đều làm rất ít bài tập, lý thuyết là nhiều. Vì thế, việc học Toán không quá nặng, tập viết cũng không được coi trọng lắm.
Các nhà nghiên cứu giáo dục châu Âu nói rằng: Viết chữ đẹp hay làm toán nhanh chỉ là hoàn chỉnh một kĩ năng. "Có thể thấy, các môn khoa học như Địa lý, Sinh vật, Vật lý, Hóa học ở các nước được giảng dạy rất nhiều. Trẻ được học về văn hóa các dân tộc, văn hóa sống, kỹ năng sống....Điều này thật sự cần thiết vì đã tạo ra những con người hiểu biết", chị Hương nói.
Trong khi ở Việt Nam, học sinh cấp 1 kém hiểu biết về thế giới xung quanh. Cách giáo dục trẻ áp đặt và bệnh thành tích là hai vấn đề đã in rất sâu vào trong từng gia đình, từ những người vừa là bố mẹ vừa là cán bộ ngành giáo dục cho tới các phụ huynh khác. Hỏi điểm sau khi đi học về được coi là việc làm đương nhiên để thể hiện sự quan tâm đến con.
Ngay trong đánh giá xếp loại ở tiểu học, vở sạch chữ đẹp cũng là một tiêu chí. Luyện chữ đẹp, luyện tính nhẩm nhanh được dành thời lượng quá nhiều. Giáo viên cũng đặt nhiều kì vọng vào học sinh khi có kì thi viết chữ đẹp khiến các em phải chịu áp lực rất lớn. Những em viết xấu thì cảm thấy xấu hổ.
Theo tiến sĩ Hương, vấn đề khá trầm trọng của giáo dục Việt Nam là học lệch, học nhiều lý thuyết, ít bài tập, đề cao Văn, Toán, coi thường các môn nghệ thuật, kỹ năng sống, văn hóa sống (Sinh vật, Lịch sử, Địa lý….). Điều này thể hiện ở khắp các cấp nhưng rõ nhất là ở bậc tiểu học. Học sinh học quá nhiều tiết Toán (5 tiết/tuần), Tiếng Việt (8 tiết/tuần), còn những bộ môn được coi là phụ kia thì chỉ có từ 1 - 2 tiết.
Ngoài ra, việc đánh giá cũng rất thiên lệch. Cuối học kỳ chỉ xét điểm thi môn Toán và Tiếng Việt để tính điểm giỏi hay tiên tiến. Các môn như Tự nhiên - Xã hội, Mỹ thuật, Hát nhạc, Thể dục…. đều chỉ làm cho có. Từ đó, việc dạy dỗ môn này bị coi là thừa, dẫn tới một hiện trạng là các cô thường cắt giảm các tiết học các môn này để luyện Toán và tiếng Việt cho các con.
"So sánh với các nước, tôi thấy nội dung quá tải chính là luyện chữ đẹp và tính nhẩm nhanh. Đây là 2 kĩ năng tương đối khó nên mất nhiều thời gian dạy", nhà giáo có 20 năm đào tạo giáo viên tiểu học nhận định và đề xuất, nếu bỏ bớt 2 nội dung này, sức ép của việc học Toán và Tiếng Việt sẽ giảm đi. Như vậy, giáo viên sẽ tôn trọng thời lượng học tập của các môn phụ hơn và chắc chắn chất lượng học tập của các bộ môn được đánh giá là phụ đó sẽ đảm bảo hơn rất nhiều.
Sau khi cắt giảm những phần không cần thiết, Bộ Giáo dục đánh giá toàn diện tất cả các môn. Giáo dục tiểu học không cần phải đánh giá giỏi/ khá/ trung bình. Các em chỉ cần xét lên lớp là ổn. Việc xét lên lớp cần phải xét tất cả các môn học từ Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên - Xã hội, Mỹ thuật, Hát nhạc, Thủ công, Thể dục...
Như vậy, việc học lệch sẽ chấm dứt, giáo viên sẽ dàn đều sự chú ý đến mọi môn học, và từ đó kiến thức của học sinh sẽ trải rộng hơn, mối quan tâm của mọi gia đình đến các môn học của con cũng sẽ đồng đều và hợp lý hơn. Theo TS Hương, bước tiếp theo, giáo dục tiểu học cần bổ sung kĩ năng sống, văn hóa sống vào giảng dạy cho học sinh.
"Nét chữ nết người" không có nghĩa là những người "chữ xấu" đi liền với "nết xấu". Không thể phủ nhận khía cạnh tích cực của chữ đẹp nhưng nó chỉ là 2 kĩ năng của một con người mà kém một tí cũng "chẳng chết ai". Vì vậy, giáo viên chỉ cần yêu cầu viết đúng chính tả, sạch sẽ, không bị nhầm sang chữ khác là được.