Đề xuất 3 phương án giải quyết vướng mắc thực hiện BHXH, BHYT hộ kinh doanh cá thể

19-03-2024 09:29 | Thời sự

SKĐS - Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, BHXH Việt Nam đã đề xuất các phương án để giải quyết vướng mắc trong việc thực hiện BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của chủ hộ kinh doanh cá thể.

Chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc?

BHXH Việt Nam cho biết sau khi rà soát lại số liệu, tổng số chủ hộ kinh doanh cá thể đã tham gia BHXH bắt buộc tính đến hết ngày 30/5/2023 là 3.567 người.

Trong đó, 1.444 người đang dừng thu, tạm ghi nhận thời gian đóng BHXH bắt buộc; 1,423 người đang tiếp tục tham gia; 28 người đã được hoàn trả tiền đóng. Số người được giải quyết hưởng chế độ hưu trí, tử tuất là 275 người; 397 người hưởng chế độ BHXH một lần.

Xét theo thời gian đóng BHXH, có 1.334 người đã đóng trên 15 năm. Trong đó, có 380 người đã đủ tuổi nghỉ hưu, 200 người đủ điều kiện hưởng lương hưu (đủ tuổi nghỉ hưu và có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên) xong chưa được giải quyết.

Theo quy định của pháp luật, chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Do việc này thực hiện không đúng quy định của pháp luật nên các chủ hộ kinh doanh cá thể chưa được tính thời gian đã đóng BHXH bắt buộc để hưởng chế độ, trong đó có nhiều trường hợp đã đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Để giải quyết chế độ cho người lao động, BHXH Việt Nam đề xuất 3 phương án.

Phương án 1: Tính thời gian đã đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp để hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật, và đưa nội dung này vào Luật BHXH (sửa đổi).

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng phương án này đảm bảo được nguyên tắc đóng - hưởng theo quy định tại Luật BHXH, Luật BHYT và Luật Việc làm; kịp thời giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt là chế độ hưu trí đối với các trường hợp đã đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Các trường hợp đã đủ tuổi đời để hưởng lương hưu, và có từ đủ 10 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thực hiện đóng bù BHXH tự nguyện để hưởng ngay lương hưu. Đồng thời, giải quyết triệt để những tồn tại, vướng mắc trong thực hiện BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đối với chủ hộ.

Việc được giải quyết hưởng chế độ hưu trí để họ ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động, sẽ không phát sinh đơn thư khiếu kiện, khiếu nại kéo dài…

Tuy nhiên, do pháp luật chưa quy định rõ chủ hộ vừa là chủ hộ vừa là người lao động như người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tại hộ kinh doanh, nên việc thực hiện tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp đối với thời gian đã đóng với chức danh chủ hộ chưa có đủ cơ sở pháp lý để giải quyết.

Tim giải pháp tối ưu cho người lao động

Với phương án 2, BHXH Việt Nam đề xuất hoàn trả tiền đã đóng và thu hồi số tiền đã chi trả các chế độ BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ các chủ hộ.

Đề xuất 3 phương án giải quyết vướng mắc thực hiện BHXH, BHYT hộ kinh doanh cá thể- Ảnh 1.

Tuyên tuyền chính sách BHXH đến hộ kinh doanh.

Việc giải quyết theo phương án này thì nhiều chủ hộ đến nay đã cao tuổi, sẽ không còn cơ hội và thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí nữa, đời sống sẽ gặp nhiều khó khăn khi về già

Từ đó, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, tạo áp lực đến ngân sách nhà nước khi phải trợ cấp xã hội khi họ cao tuổi. Có thể phát sinh nhiều khiếu kiện, khiếu nại kéo dài như thời gian vừa qua.

Người lao động sẽ thiệt thòi vì đã tham gia BHXH trong thời gian dài, nhiều trường hợp đóng từ nhiều năm trước với mong muốn như một khoản tiền tiết kiệm, để khi đủ tuổi, và đủ 20 năm đóng được hưởng lương hưu đảm bảo cuộc sống lúc tuổi già.

Nếu không được giải quyết hưởng chế độ hưu trí, họ không có phương án nào khác để có khoản tài chính chi tiêu cho cuộc sống khi hết tuổi lao động.

Hiện có 200 người vừa đủ điều kiện về tuổi đời, vừa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm trở lên để hưởng lương hưu; có 380 người đã đủ điều kiện về tuổi đời và có từ đủ 15 năm đóng trở lên, có nguyện vọng đóng bù bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần cho thời gian còn thiếu để được hưởng ngay lương hưu.

Phương án 3: Tính thời gian đã đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp để hưởng các chế độ này theo quy định của pháp luật đối với chủ hộ, và đưa nội dung này vào Luật BHXH (sửa đổi) như Phương án 1.

Đối với trường hợp chủ hộ muốn thay đối nguyện vọng có nhu cầu hoàn trả, thì cơ quan BHXH thực hiện hoàn trả số tiền đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, và số tiền đã đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Với phương án này, nhiều người lao động đã tham gia BHXH trong thời gian dài bị thiệt thòi. Nếu thực hiện hoàn trả theo mong muốn của người lao động thì họ sẽ mất đi cơ hội, và thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để sau này được hưởng chế độ hưu trí, đời sống sẽ gặp nhiều khó khăn khi về già, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Hơn nữa, pháp luật hiện hành chưa quy định trường hợp hoàn trả thì phải trả bù một khoản tiên tương đương mức tiền lãi, tính trên số tiền và thời gian đã đóng hay không, nếu có thì mức là bao nhiêu...

Nếu không bù thêm khoản chênh lệch, hoặc so sánh việc hoàn trả với việc tham gia, nhưng hưởng bảo hiểm xã hội một lần cho thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc này thì sẽ có sự chênh lệch.

Bởi vì khoản tiền lương làm căn cứ đóng được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ, để làm căn cứ tính hưởng BHXH một lần, sẽ được lợi hơn nhiều so với số tiền đã đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp...

Từ đánh giá tác động của các phương án nêu trên, cơ quan BHXH đề xuất lựa chọn Phương án 1 để giải quyết những vướng mắc cho chủ hộ kinh doanh cá thể.

Thái Bình
Ý kiến của bạn