Tác hại của cô đơn
Theo một bài báo năm 2017 do Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ tại Washington DC, các nhà nghiên cứu ví sự tổn hại sức khỏe tiềm ẩn của cô lập xã hội và sự cô đơn tương tự với những gì xảy ra khi hút 15 điếu thuốc mỗi ngày!
Ai cũng có thể cảm thấy cô đơn, nhưng cảm xúc này có thể đặc biệt nguy hiểm ở người già. Một báo cáo khoa học đã cho thấy sự cô đơn và cô lập xã hội ở người cao tuổi có liên quan đến tỷ lệ tử vong gia tăng (tăng 45%). Các mối quan hệ xã hội kém có liên quan đến việc tăng 20% nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tăng 32% nguy cơ đột quỵ. Cô đơn là tiền thân hàng đầu của trầm cảm và nghiện rượu, cũng như tất cả các rối loạn về thể chất và tinh thần khác. Nghiên cứu cho thấy, sự cô đơn đã làm tăng huyết áp và mức độ của hormone căng thẳng, có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến một trong những cơ quan quan trọng nhất là tim.
Các yếu tố nguy cơ cho sự cô đơn là gì? Đó là: Sống một mình; Chưa kết hôn (độc thân, ly dị hoặc góa bụa); Không tham gia các nhóm xã hội; Ít bạn; Có mối quan hệ căng thẳng; Những người có liên quan đến sử dụng chất gây nghiện, trầm cảm và mất trí nhớ cũng có nguy cơ cao hơn về sự cô đơn kinh niên.
Phải làm gì để chống lại cô đơn?
Bây giờ, hơn bao giờ hết, chúng ta cần chăm sóc bản thân và những người xung quanh - lan truyền sự tích cực và duy trì các kết nối, ngay cả khi vẫn bị cô lập về thể chất. Rất may, có nhiều cách để chống lại sự cô đơn và lan truyền sự năng động đến những người đang cảm thấy cô đơn trong đại dịch.
Giảm “nghiện” công nghệ và mạng xã hội : Về mặt tích cực, bạn có thể giữ liên lạc và thậm chí có thể hình thành mối quan hệ với mọi người trên khắp thế giới. Điều này có thể đặc biệt quan trọng trong thời gian cách ly xã hội. Về mặt tiêu cực, bạn dành ít thời gian hơn để kết nối với người thân, tập thể dục, sáng tạo và thực hành các thói quen tốt khác. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2017 trên Tạp chí Y học Dự phòng Hoa Kỳ cho thấy việc sử dụng nhiều các nền tảng truyền thông xã hội, bao gồm Facebook, Instagram và Snapchat có liên quan đến cảm giác bị cô lập xã hội. Cụ thể, nghiên cứu này đã xem xét 1.787 trong độ tuổi từ 19 đến 32 ở Hoa Kỳ và thấy rằng những người dành hơn 2 giờ mỗi ngày trên mạng xã hội có khả năng cảm thấy bị cô lập và cô đơn gấp đôi. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người truy cập mạng xã hội thường xuyên nhất (58 lượt truy cập hoặc lớn hơn mỗi tuần) có khả năng cảm thấy bị cô lập về mặt xã hội gấp ba so với những người truy cập ít hơn 9 lượt mỗi tuần.
Nói chung việc giảm thời gian sử dụng công nghệ có thể có tác động tích cực lớn đến cuộc sống của bạn và giúp “miễn nhiễm” với cảm giác cô đơn. Hãy nhớ là ngắt kết nối để ...kết nối, có nghĩa là bỏ các thiết bị công nghệ xuống để dành thời gian với những người thân yêu hoặc làm điều gì đó bạn thích.
Dành quá nhiều thời gian trước màn hình TV sẽ khiến cô đơn trầm cảm gia tăng
Thêm thời gian ngoài trời: Khi bạn đang tìm cách vượt qua nỗi cô đơn, hòa mình vào thiên nhiên cũng là một lựa chọn hữu ích nếu hiện tại bạn không thể gặp người thân hoặc tiếp xúc với người khác. Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, không khí trong lành và thiên nhiên là cách để tăng mức serotonin. Khi nồng độ serotonin cao hơn, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mọi người có xu hướng hạnh phúc hơn, có cảm xúc tích cực và mong muốn thúc đẩy mối quan hệ vốn có với những người khác. Không khí trong lành cũng giúp tăng lượng oxy, từ đó có thể giúp cải thiện năng lượng và tâm trạng.
Giao tiếp với bạn bè hoặc thành viên gia đình:Việc nói chuyện với những người bạn tin tưởng và giải tỏa cảm xúc luôn là điều quan trọng. Thay vì nhắn tin, hãy gọi điện thoại để nghe giọng nói của người thân ở đầu bên kia của điện thoại, thậm chí tốt hơn, gặp họ trực tiếp khi có thể. Hãy để bản thân được hỗ trợ bởi những người xung quanh và bạn sẽ ít cảm thấy cô đơn hơn.
Tránh xem TV nhiều: Ngày nay, việc gõ một từ khóa để tìm kiếm bộ phim hay chương trình truyền hình ưa thích khá phổ biến. Nhưng điều này dễ khiến bạn ngồi lỳ nhiều giờ để xem liên tục nhiều tập phim hoặc chương trình truyền hình. Nhu cầu của bạn có thể thỏa mãn, nhưng nghiên cứu được thực hiện vào năm 2015 cho thấy mối liên hệ giữa việc xem say sưa truyền hình trong nhiều giờ và cảm giác cô đơn, trầm cảm.
Nuôi thú cưng: Theo một nghiên cứu được công bố trên Aging & Mental Health , những người nuôi thú cưng cô đơn ít hơn 36% so với những người không nuôi thú cưng và sống một mình. Động vật không đem lại mức độ kết nối giống như con người, nhưng chúng chắc chắn là bạn đồng hành có thể ở bên bạn cả những khi vui vẻ lẫn buồn bã.
Tham gia nhóm xã hội: Tham gia vào một nhóm cộng đồng là một cách tuyệt vời để chống lại sự cô đơn và hỗ trợ những người cần giúp đỡ. Tham gia các chương trình tình nguyện và thiện nguyện có thể giúp tăng cường tâm trạng, mang lại cho bạn ý thức xã hội và gặp gỡ những người cùng chí hướng. Việc thực hiện các hành động tử tế có thể thúc đẩy sự lão hóa lành mạnh, tăng cường hạnh phúc và cải thiện các mối quan hệ.
Tăng hoạt động giải trí: Các nghiên cứu chỉ ra rằng các hoạt động giải trí thú vị có liên quan đến sức khỏe tâm lý và sức khỏe thể chất. Vì vậy, trong thời gian giãn cách xã hội, chúng ta có thể chống lại sự cô đơn lan tràn bằng cách tăng cường các hoạt động mang lại cho chúng ta niềm vui và sự tích cực, như hát, chơi nhạc, vẽ tranh, nấu ăn, trồng cây...