Dễ tử vong do nhiễm giun xoắn

01-08-2014 08:00 | Y học 360

SKĐS - Thời gian qua, nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương do nhiễm giun xoắn đều có thói quen ăn tiết canh, nhất là tiết canh của các loại thú rừng và ăn thịt tái. Nhiễm giun xoắn nặng, bệnh nhân dễ tử vong do biến chứng suy tim hoặc viêm phổi.

Giun xoắn lây sang người như thế nào?

Trong tự nhiên, khi các động vật ăn cỏ ăn phải cỏ có kén giun xoắn vào ruột, ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành. Các động vật thường nhiễm giun xoắn là lợn, chó, mèo, chuột, các động vật hoang dã như chó sói, gấu, lợn rừng, linh cẩu, chó rừng...

Ăn tiết canh dễ bị nhiễm giun xoắn và mắc nhiều bệnh khác.

Ăn tiết canh dễ bị nhiễm giun xoắn và mắc nhiều bệnh khác.

Người ăn tiết canh của động vật hoặc ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ, ấu trùng giun xoắn đóng kén trong thịt động vật vào dạ dày, dưới tác dụng của dịch vị dạ dày, ấu trùng được giải phóng ra khỏi kén. Chúng nhanh chóng trưởng thành và giao phối, sau đó giun cái trưởng thành chui vào niêm mạc ruột non. Chỉ trong vòng 4-5 ngày, giun cái bắt đầu sinh sản ra các ấu trùng sống, phát tán theo các mạch bạch huyết và máu tới khắp cơ thể. Những ấu trùng tới được cơ vân sẽ phát triển thành kén và sống từ vài tháng tới vài năm. Còn ấu trùng đến các tổ chức khác nhanh chóng bị phá huỷ. Giun xoắn trưởng thành có thể sống tới 6 tuần.

Làm sao biết người bị bệnh giun xoắn?

Ở một người từng ăn tiết canh động vật hoặc ăn thịt chưa nấu chín kỹ, sau khi bị nhiễm giun xoắn sẽ có thời gian ủ bệnh từ 2-7 ngày, có khi dao động từ 12 giờ - 28 ngày kể từ khi ăn thức ăn. Bệnh biểu hiện từ nhẹ không có triệu chứng gì, hay chỉ sốt nhẹ đến bệnh nặng gây tổn thương nhiều cơ quan và có thể bị tử vong. Các triệu chứng tương ứng các giai đoạn bệnh như sau:

Giai đoạn bệnh ở ruột: thời gian 1-7 ngày sau khi ăn thức ăn, bệnh nhân bị tiêu chảy, đau bụng và mệt mỏi. Buồn nôn và nôn có thể có nhưng ít gặp hơn, hiếm thấy táo bón. Sốt, nếu xét nghiệm thấy tăng bạch cầu ái toan và tăng số lượng bạch cầu.

Giai đoạn xâm nhập cơ: bắt đầu từ cuối tuần đầu và kéo dài khoảng 6 tuần. Các cơ bị giun xoắn xâm nhập có phản ứng viêm mạnh. Bệnh nhân có sốt nhẹ hoặc sốt cao, đau cơ và nhạy cảm đau, phù nề và co cứng, phù mi mắt, quanh hốc mắt và phù mặt, vã mồ hôi, sợ ánh sáng và viêm kết mạc, mệt mỏi hoặc nằm liệt; nuốt đau; khó thở, ho và khàn tiếng. Xuất huyết dưới kết mạc, võng mạc và móng tay chân; phát ban, có cảm giác kiến bò. Các cơ hay bị giun xoắn ký sinh là cơ nhai, lưỡi, cơ hoành, cơ liên sườn và các cơ vận nhãn, cơ thanh quản, cơ cạnh cột sống, cơ cổ, cơ delta, cơ ngực, cơ mông, cơ nhị đầu, cơ dép. Phản ứng viêm xung quanh ấu trùng ở các tổ chức khác có thể gây ra các triệu chứng: viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, viêm phế quản, phổi, viêm thận, đau thần kinh ngoại biên và thần kinh sọ.

Giai đoạn hồi phục: thường từ tháng thứ hai nhưng các trường hợp nhiễm giun nặng có thể bắt đầu sau 3 tháng. Bệnh nhân còn đau cơ âm ỉ và mệt mỏi trong vài tháng nữa, thậm chí có người bị teo cơ vĩnh viễn.

Triệu chứng xét nghiệm: tăng bạch cầu ái toan, tăng các men cơ trong huyết thanh, gamma globulin trong máu có thể tăng cao và tỷ lệ albumin-globulin đảo ngược. Phát hiện các ấu trùng trong bệnh phẩm sinh thiết cơ. Từ tuần thứ hai của bệnh, xét nghiệm máu đã thấy tăng bạch cầu ái toan, tăng cao nhất (20-90%) trong tuần thứ ba, thứ tư, sau đó giảm dần về bình thường trong vài tháng tiếp theo.

Có thể tìm thấy giun trưởng thành trong phân của bệnh nhân. Trong tuần thứ hai có thể phát hiện thấy ấu trùng giun trong máu, dịch tá tràng hoặc trong cặn ly tâm dịch não tuỷ. Từ tuần thứ ba tới tuần thứ tư, sinh thiết cơ ở nơi có phù nề hoặc nhạy cảm đau, hoặc gần đầu gân có thể phát hiện được ấu trùng. Chụp phim Xquang phổi thấy các ổ thâm nhiễm lan toả hoặc khu trú.

Biến chứng rất nguy hiểm

Nhiễm giun xoắn có thể gây các biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi kẽ tạo u hạt, viêm não và suy tim. Nếu nhiễm giun nặng, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 2-3 tuần do biến chứng suy tim hoặc viêm phổi.

Điều trị cách nào?

Bệnh nhân cần được nhập viện để điều trị và theo dõi. Giai đoạn bệnh ở ruột, dùng albendazol hoặc thuốc thay thế thứ hai là thiabendazol để diệt ấu trùng giun xoắn. Giai đoạn xâm nhập cơ, bệnh nhân nặng cần nhập viện để điều trị và dùng thuốc steroid liều cao trong 24-48 giờ, tiếp tục bằng liều thấp hơn trong vài ngày tới vài tuần để kiểm soát các triệu chứng.

Lời khuyên của thầy thuốc

Biện pháp phòng ngừa giun xoắn chủ yếu là chỉ ăn thịt lợn hay thịt động vật nói chung đã nấu chín kỹ. Không ăn tiết canh lợn hay các loại động vật khác. Không ăn thịt tái.

BS. Bùi Thị Thu Hương

 


Ý kiến của bạn