Khi chúng ta để thực phẩm trong ngăn đá, vi sinh vật chỉ ở dạng không hoạt động chứ chúng không chết đi. Vì vậy, khi cho thức ăn ra ngoài tủ lạnh thì vi sinh vật lại phát triển và hoạt động bình thường.
Cách lau dọn tủ lạnh
Khi sử dụng tủ lạnh thì cần vệ sinh lau chùi tủ lạnh ít nhất 1 lần/tuần. Khi tiến hành lau tủ chúng ta nên tiến hành các bước như sau:
Đầu tiên là phải lấy hết thức ăn trong tủ lạnh ra bên ngoài, cho tạm những thứ dễ hỏng như cá, thịt vào thùng đá. Sau đó hãy ấn vào nút rã đông của tủ lạnh. Giữ lại những thứ còn tươi và có thể sử dụng được trong vòng vài, vứt bỏ những thứ đã hỏng hoặc sắp hư thối.
Sau khi tủ lạnh đã rã đông hoàn toàn, hãy rút phích cắm điện. Lấy hết tất cả các khay, kệ đựng thức ăn ra bên ngoài và rửa sạch chúng bằng nước rửa bát. Sau đó, hòa tan một ít bột soda vào nước nóng. (Bột soda có chứa một loại chất hóa học đặc biệt, cho phép các phân tử hấp thu các loại mùi hôi xuất hiện trong tủ lạnh).
Dùng bản chải cứng cọ rửa sạch toàn bộ nấm mộc, mảng thức ăn thừa và những chất bẩn khác bám trên thành bên trong tủ lạnh và cả ở ngăn làm đông của tủ. Tránh sử dụng những miếng cọ quá cứng hoặc làm bằng kim loại vì chúng có thể gây trầy xước thành tủ lạnh.
Sau khi đã tẩy sạch những vết bẩn bám trên thành tủ, dùng nước xà phòng ấm để lau rửa phần bên trong của tủ. Bạn cũng có thể cho thêm một ít chất cồn vào nước xà phòng ấm để làm sạch thành tủ và các kệ đựng thực phẩm. Cần chú ý lau chùi cả những kẽ hở của lớp cao su nằm ở mép cửa tủ lạnh, khay đựng trứng và ngăn làm lạnh thịt.
Sau khi đã chùi rửa bằng nước xà phòng, rửa lại tất cả mọi thứ bằng nước sạch. Có thể lặp lại từ 2 đến 3 lần cho đến khi xà phòng và bột soda được tẩy sạch hoàn toàn. Mở cửa và để tủ lạnh khô tự nhiên. Lắp tất cả những phần đã lấy rời ra bên ngoài vào tủ trở lại sau khi tủ đã khô hẳn. Cắm điện và cài nhiệt độ bình thường để tủ lạnh bắt đầu lại chu trình hoạt động.
Sắp xếp đồ ăn trong tủ
Theo ThS.BS. Lê Thị Hải thì việc sắp xếp thức ăn trong tủ lạnh cũng rất quan trọng. Cá thịt sống bắt buộc phải để ngăn đá.
Khi cho thực phẩm vào trong tủ lạnh cần phải rửa sạch, chia nhỏ thành từng bữa, (tốt nhất nên cho thức ăn đã chia nhỏ vào trong hộp có nắp đậy kín) tránh tình trạng rã đông nguyên khối thức ăn vì khi cấp đông lại nhưng độc tố tụ cầu đã chết ngấm vào thực phẩm, khi nấu chín vẫn có thể gây ngộ độc.
Ở ngăn mát nên để thực phẩm đã nấu chín, nhưng trước khi cho vào tủ cần phải đun lại, để nguội rồi mới cho vào tủ lạnh. Vì nếu thức ăn còn nóng mà cho ngay vào nơi có nhiệt độ thấp thức ăn sẽ biến chất, thúc đẩy vi khuẩn có hại sinh trưởng dẫn đến gây ngộ độc cho toàn bộ thực phẩm trong tủ lạnh.
Thức ăn trong tủ lạnh khi bỏ ra vẫn phải nấu chín, vì nhiệt độ trong tủ lạnh chỉ có tác dụng ức chế vi khuẩn phát triển mà không thể tiêu diệt được nó. Thức ăn bảo quản trong tủ lạnh không nên để quá lâu chỉ nên lưu cho bữa sau, như bữa sáng dùng cho bữa trưa, bữa trưa cho bữa tối, lâu nhất phải 5 - 6h. Vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 100 độ C nhưng nếu để quá lâu các vi sinh khuẩn sẽ gây ra những độc tố.
Không nên cất thức ăn là các loại rau vào tủ lạnh khi dùng không hết, vì khi xào nấu ở nhiệt độ cao có nêm muối, các vi khuẩn trong thức ăn sẽ phát triển nhanh tạo thành chất gây ung thư. Vì vậy, thường xuyên ăn rau thừa sẽ không tốt cho sức khỏe cũng như người hay ăn các thực phẩm chế biến từ rau củ muối có khả năng bị ung thư dạ dày rất cao. Thức ăn bảo quản nhất thiết phải có nắp đậy, bao bọc kỹ càng. Không để lẫn thức ăn sống với thức ăn chín vì có thể lây nhiễm chéo. Nên sắp xếp thực phẩm vào tủ gọn gàng không nên nhồi nhét mọi thứ khiến tủ “quá tải”.