Để trẻ không mắc virus tay chân miệng thể nặng, cha mẹ phải làm gì?

10-12-2023 15:00 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Thông thường, bệnh tay chân miệng không gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, với 90% trẻ ở thể nhẹ, trẻ có thể dần hồi phục sau từ 1 đến 2 tuần điều trị. Nhưng với chủng loại virus Enterovirus 71 (EV71), trẻ bị nhiễm có thể tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong. 

Vậy, làm thế nào để trẻ không mắc virus tay chân miệng thể nặng là băn khoăn của nhiều cha mẹ.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP.HCM). Đặc tính của EV71 là lây lan rất nhanh và diễn tiến nặng, sốt cao. Trẻ mắc tay chân miệng do virus EV71 có thể bị các biến chứng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh."Có những bé đưa vào viện buổi sáng nhưng đến chiều đã có thể tử vong", bác sĩ Tiến nói.

Cũng theo các bác sĩ, khi EV71 xâm nhập vào cơ thể, chúng thường khu trú ở niêm mạc má hoặc niêm mạc ruột vùng hồi tràng. Sau 24 giờ, virus sẽ đi đến các hạch bạch huyết xung quanh, từ đây xâm nhập vào máu gây nhiễm khuẩn huyết. Từ nhiễm khuẩn huyết, virus đến niêm mạc miệng và da. Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài 3-7 ngày.

Bệnh khởi phát là sốt, sau đó xuất hiện các bọng nước ở niêm mạc miệng (nướu răng, lưỡi, bên trong má), ban đỏ ở bàn tay, bàn chân. Trường hợp nhiễm virus EV71, bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn, nhất là khi virus gây tổn thương hệ thần kinh trung ương sẽ thể hiện bệnh viêm màng não điển hình.

Trẻ mắc tay chân miệng do EV71 có thể được điều trị kéo dài 1-2 tuần hoặc nhiều tháng, thâm chí phụ thuộc máy thở. Sau điều trị, cũng có thể để lại các di chứng như yếu liệt chi, tổn thương não gây ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của cơ thể và khả năng học tập.

Để trẻ không mắc virus tay chân miệng thể nặng, cha mẹ phải làm gì?- Ảnh 1.

Trẻ bị mắc tay chân miệng thường chỉ ở thể nhẹ và không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên có khoảng 5-10% trẻ ở thể nặng và có xuất hiện biến chứng

Điều trị tay chân miệng tại nhà được không?

Theo các chuyên gia, đối với trẻ chỉ có triệu chứng nhẹ và được bác sĩ cho phép mới nên điều trị tại nhà. Bởi đây là bệnh lý dễ lây lan và khó kiểm soát khi chuyển biến nặng. Hầu hết các trường hợp bệnh thường được bác sĩ khuyên nhập viện để được theo dõi trực tiếp.

Mặc dù trẻ bị mắc tay chân miệng thường chỉ ở thể nhẹ và không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên có khoảng 5-10% trẻ ở thể nặng và có xuất hiện biến chứng. Do đó, phụ huynh nên lưu ý các dấu hiệu nhận biết để có thể nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện kiểm tra.

Khi thấy bé có những dấu hiệu sau, hãy lập tức đưa bé đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi.

  • Sốt cao trên 38,5 độ C
  • Nôn mửa nhiều
  • Hay giật mình, hoảng hốt
  • Run chi
  • Yếu liệt tay hoặc chân
  • Khó thở

Quá trình chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng, cha mẹ cần chú ý đến ăn, uống của trẻ bị bệnh. Cần cho trẻ ăn các loại thức ăn mềm, lỏng mà thường ngày trẻ ưa thích. Không nên cho trẻ ăn thức ăn rắn, cay, nóng và không làm đụng chạm đến các vết loét trong miệng trẻ làm cho trẻ càng đau miệng thêm và trẻ sẽ sợ hãi không dám ăn. Nếu để xảy ra những sai sót như vậy thì vô hình trung trẻ sẽ bị gầy sút ảnh hưởng đến sự hình thành kháng thể của trẻ.

Để trẻ không mắc virus tay chân miệng thể nặng, cha mẹ phải làm gì?- Ảnh 2.

Khi nghi ngờ trẻ mắc tay chân miệng cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám.

Phòng bệnh tay chân miệng

Theo Bộ Y tế, tay chân miệng là một bệnh lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết ở miệng, họng, mũi hoặc chất tiết từ các bọng nước ở tay, chân hoặc phân của người bệnh. Bệnh cũng có thể được lây truyền gián tiếp từ các dụng cụ ăn uống, đồ chơi, quần áo, chăn màn của người bệnh. Vì vậy, khi nghi ngờ trẻ bị bệnh tay chân miệng nên cho trẻ ở nhà không đến vườn trẻ và tránh không cho trẻ lành tiếp xúc với trẻ nghi bị bệnh tay chân miệng.

Hiện nay chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu (chưa có vaccine) cho nên cần vệ sinh cá nhân cho trẻ hàng ngày nhất là rửa tay, chân sạch bằng xà phòng. Các loại quần áo, tã lót, khăn… của trẻ bị bệnh tay chân miệng sau khi giặt sạch bằng xà phòng cần sát khuẩn bằng nước sôi hoặc nước có pha hóa chất cloraminB và không giặt chung với các loại quần áo của trẻ lành.

Khi trẻ bị bệnh tay chân miệng mà có một số dấu hiệu khác thường cần nhanh chóng đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế, tốt nhất là khoa nhi, bệnh viện nhi hoặc các cơ sở khám, điều trị bệnh truyền nhiễm.

Nhìn chung, bệnh tay chân miệng không gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, với 90% trẻ ở thể nhẹ, trẻ có thể dần hồi phục sau từ 1 đến 2 tuần điều trị. Nhưng chủng loại virus Enterovirus 71, trẻ bị nhiễm có thể tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong.

Vì vậy, nếu sau khi biết trẻ đã tiếp xúc với trẻ khác có triệu chứng nghi ngờ bệnh, phụ huynh nên theo dõi bé thường xuyên trong suốt 1 tuần đầu. Khi thấy trẻ có triệu chứng sốt, bứt rứt, ngủ giật mình, ăn bú kém,... thì nên nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế để bác sĩ chẩn đoán.

Căn nguyên của bệnh tay chân miệng là do virus đường ruột có tên là Enterovirus. Enterovirus bao gồm 4 nhóm: poliovirus, Coxakie A virus(CA), Coxakie Bvirus(CB) và Echovirus. Các serotyp thuộc loài A gồm: EV68, EV71, EV76, EV89, EV90, EV91 và EV92. Trong khi các serotyp EV khác thì thuộc dưới loài Enterovirus B hoặc C. Type EV71 là một trong những tác nhân gây nên bệnh tay chân miệng và đôi khi chúng còn có khả năng gây nên bệnh ở hệ thần kinh trung ương. Khả năng gây bệnh của type EV71 đã được minh chứng là lần đầu tiên (1969) phân lập được chúng ở tổ chức thần kinh trung ương của một số trường hợp tại California (Mỹ).

Ngoài ra type virus EV 71 đã xuất hiện ở Đài Loan vào năm 1968 cũng như đã từng xuất hiện ở các nước Đông Nam Á như: Philippines, Indonesia, Singapore. Tuy rằng đây không phải là một type enterovirus mới nhưng đặc tính của type virus này có độc tính rất mạnh và có khả năng làm tổn thương tổ chức thần kinh trung ương gây ra những bệnh cảnh lâm sàng nặng và hậu quả để lại xấu, hơn nữa nước ta lại nằm trong khu vực này cho nên cần cảnh giác và thận trọng khi có bệnh tay chân miệng xuất hiện.

Trẻ vừa khỏi bệnh tay chân miệng vẫn có nguy cơ mắc lại nếu tiếp xúc với nguồn lâyTrẻ vừa khỏi bệnh tay chân miệng vẫn có nguy cơ mắc lại nếu tiếp xúc với nguồn lây

SKĐS - Nhiều cha mẹ chủ quan cho rằng trẻ vừa khỏi bệnh tay chân miệng thì không có nguy cơ mắc lại căn bệnh này. Tuy nhiên, trẻ vừa khỏi bệnh tay chân miệng nhưng nếu tiếp xúc với nguồn lây vẫn có thể tái nhiễm.

Nguyễn Mai
Ý kiến của bạn