Để thoái hóa khớp không còn là nỗi lo

20-12-2015 21:23 | Bệnh người cao tuổi
google news

SKĐS - Thoái hóa khớp (THK) là một trong những bệnh khớp mạn tính rất thường gặp ở người cao tuổi (NCT) với hiện tượng hư hỏng phần sụn đệm giữa hai đầu xương, kèm theo là phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch nhày giúp bôi trơn trong khớp.

Thoái hóa khớp (THK) là một trong những bệnh khớp mạn tính rất thường gặp ở người cao tuổi (NCT) với hiện tượng hư hỏng phần sụn đệm giữa hai đầu xương, kèm theo là phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch nhày giúp bôi trơn trong khớp. Sụn khớp bị lão hóa trở nên sần sùi, mất độ trơn nhẵn, giảm đàn hồi, khô và nứt nẻ, mòn, khuyết... Bệnh làm giảm chức năng vận động, gây đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Những ai hay bị THK?

THK xảy ra do sự mất cân bằng giữa hai quá trình tái tạo sụn và thoái hóa sụn. Tuổi càng cao thì quá trình tái tạo sụn càng giảm, đồng thời tốc độ thoái hóa sụn tăng lên. Sự mất cân bằng giữa hai quá trình này dẫn tới hiện tượng các tế bào sụn già không được thay thế, khả năng tổng hợp các chất tạo nên sợi collagen và mucopolysaccharid giảm rối loạn. Từ đó, chất lượng sụn giảm dần, tính chất đàn hồi và khả năng chịu lực giảm. THK cũng thường gặp ở người bị các dị dạng bẩm sinh, biến dạng thứ phát sau chấn thương, viêm, u...; người thừa cân béo phì; những người nghề nghiệp phải khuân vác, xách vật nặng thường xuyên. Ngoài ra, những người có cơ địa già sớm, mãn kinh, đái tháo đường, loãng xương, bệnh gut cũng là nguyên nhân gây THK.

Người cao tuổi nên tăng cường vận động để phòng thoái hóa khớp.

Khi bị THK, người bệnh có những biểu hiện gì?

Đau là biểu hiện đầu tiên và thường gặp nhất. Người bệnh đau ở vị trí khớp bị thoái hóa, đau âm ỉ, ít khi đau lan (trừ trường hợp thoái hóa cột sống gây chèn ép rễ và dây thần kinh); đau tăng khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi. Một số ít trường hợp có sưng, nóng, đỏ tại vị trí khớp bị thoái hóa. Người bệnh bị hạn chế vận động chủ động và thụ động tại các khớp bị thoái hóa, mức độ hạn chế không nhiều và có thể chỉ hạn chế ở một số động tác. Các khớp bị biến dạng nhưng không nhiều, nguyên nhân do mọc các gai xương, lệch trục khớp hoặc thoát vị màng hoạt dịch. Ngoài ra, người bệnh có thể bị teo cơ, có tiếng lạo xạo khi vận động, tràn dịch khớp (thường là khớp gối). Chụp Xquang không phải là yếu tố quyết định để chẩn đoán thoái hóa khớp vì có thể có những trường hợp biểu hiện trên phim Xquang nhưng không có triệu chứng lâm sàng hoặc phải một thời gian rất lâu sau đó mới biểu hiện các triệu chứng lâm sàng. Biểu hiện thường là hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn, chồi xương, gai xương. Ngoài ra, một số phương pháp chụp đặc biệt có thể phát hiện sớm các tổn thương của sụn khớp, đĩa đệm như: chụp cắt lớp, chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner), chụp Xquang có bơm thuốc cản quang.

Cần phân biệt thoái hóa khớp với viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, lao cột sống.

Điều trị và dự phòng THK như thế nào?

Nguyên tắc cơ bản trong phòng và điều trị thoái hóa khớp là làm chậm quá trình hủy hoại khớp, đặc biệt là ngăn sự thoái hóa của sụn khớp; giảm đau và duy trì khả năng vận động, hạn chế đến mức thấp nhất sự tàn phế cho người bệnh, trong đó, điều trị nội khoa là chủ yếu bằng các thuốc giảm đau chống viêm, thuốc kích thích tế bào sụn, tăng chất nhầy của khớp. Ngoài dùng thuốc, vật lý trị liệu (siêu âm, chiếu tia hồng ngoại, chườm nóng, liệu pháp suối khoáng, đắp bùn, luyện tập chỉnh sửa tư thế...) và châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt đem lại hiệu quả tốt với người bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng các thuốc giảm đau chống viêm kéo dài hoặc không đúng cách sẽ gây ra nhiều tác dụng không mong muốn đối với người bệnh, đặc biệt hay gặp là gây viêm loét dạ dày - tá tràng thứ phát nên người bệnh không được tự ý dùng thuốc mà phải có sự thăm khám và chỉ định dùng thuốc của bác sĩ.

Điều trị ngoại khoa: chỉ tiến hành khi điều trị nội khoa không có kết quả, tổn thương khớp quá nặng, có các biến chứng như liệt, teo cơ, rối loạn đại tiểu tiện, người bệnh trên 60 tuổi.

Lời khuyên của thầy thuốc: Để phòng và điều trị bệnh thoái hóa khớp có hiệu quả, cần hướng dẫn người cao tuổi thực hiện các chế độ sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Tránh cho khớp bị quá tải bởi trọng lượng và vận động: duy trì cân nặng hợp lý, tránh các tư thế: đứng lâu; ngồi vẹo lệch, không cân đối. Tập luyện thường xuyên và vừa sức giúp cơ bắp khỏe mạnh, không nên tập vận động quá mạnh hoặc quá lâu. Với người cao tuổi, tốt nhất nên tập thể dục nhẹ nhàng, dưỡng sinh, bơi lội, đạp xe, đi bộ nhẹ nhàng trong khoảng thời gian 20 - 30 phút/ngày. Thực phẩm ăn uống nên đa dạng, giàu protein, vitamin, khoáng chất, đặc biệt là canxi (trứng, sữa, tôm, cua, lươn và các loại nhuyễn thể, các loại quả chín và rau có màu xanh đậm hoặc màu vàng...). Ngoài ra, có thể dùng các loại thuốc có chứa thành phần glucosamin bởi vì glucosamin tham gia quá trình chuyển hóa tổng hợp nên thành phần của sụn khớp.

ThS.BS. Nguyễn Hải Yến

(Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy)


Ý kiến của bạn