Ánh Viên - vận động viên bơi lội xuất sắc của Việt Nam - là cái tên bao phủ khắp các mặt báo và mạng xã hội thời gian qua. Mọi người ngưỡng mộ, thần tượng Ánh Viên không chỉ bởi thành tích 10 tấm huy chương (8 HCV, 1 HCB, 1HCĐ) và 8 lần phá kỷ lục SEA Games mà còn bởi tinh thần thi đấu, lòng quyết tâm chiến thắng và cả quan điểm sống của cô gái trẻ này.
Mới đây, một trung tâm luyện thi tại Thành phố Đà Nẵng đã đưa Ánh Viên vào đề thi thử THPT quốc gia môn Văn.
Câu hỏi thuộc phần I của đề thi như sau:
"Thất bại không chờ đến ngày mai"- triết lý sống của cô gái 19 tuổi Ánh Viên - đã để lại một dấu lặng, sự trăn trở và làm thổn thức hàng triệu trái tim....
...Ánh Viên đã để lại trong lòng người hâm mộ một Ánh Viên đầy kiêu hãnh của thể thao Việt Nam, một Ánh Viên khiêm tốn và tự tin, khát khao chiến thắng để hoàn thiện chính mình.
Giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt cô gái vàng - Ánh Viên - khi lập kỷ lục ở 200 m bướm, không ít người tưởng rằng đó là giọt nước mắt của chiến thắng, của lòng tự hào, của sự mãn nguyện nhưng với Ánh Viên thì đó lại là: “Tôi khóc không phải vì giành huy chương Vàng và phá kỷ lục SEA Games, mà vì trong lúc thi đấu đã mắc phải số lỗi. Tôi không hài lòng khi bản thân lại có sai lầm như vậy”.
Ánh Viên không cho phép mình mắc lỗi dù đã chiến thắng, theo cô “Nếu tôi hài lòng với những gì đã đạt được, tôi là kể thất bại ngay từ bây giờ, chứ không phải chờ đến ngày mai”.
Không ít giọt nước mắt đã rơi khi đăng quang, đó là những giọt nước mắt sung sướng, giọt nước mắt của người chiến thắng, chứ không phải là giọt nước mắt đầy khắt khe với chính bản thân mình như lời tự sự của Ánh Viên. Thất bại sẽ đến với những ai khi cho phép mình ngủ quên trên chiến thắng, cho mình hài lòng với những gì đã đạt được.
Còn nhớ, sau những “biến cố” gây ầm ĩ dư luận của những hoa hậu “sắc nước, nghiêng trời”, đâu đó có lời “hãy tha thứ cho em”, rằng “em còn nhỏ, chưa ý thức được”, rằng là “mới 18, 19 thôi mà, xin dư luận đừng quá khắt khe”…
Vâng, sự tha thứ với những sai lầm nho nhỏ với những bước chân mới chập chững bước vào đời là hết sức cần thiết, nhưng thất bại sẽ chạm chân họ rất sớm bởi họ đã hài lòng với những gì mình đã đạt được và không biết giữ lấy vinh quang đó. Họ đã tự giết hình ảnh của mình chứ không phải ai khác". (Xem trọn đề thi)
Đề thi nêu trên đã trích dẫn lại một bài viết về Ánh Viên đăng trên một trang báo ngày 10/06/2015. Ngoài yêu cầu chỉ ra phong cách ngôn ngữ chính của đoạn trích, đặt tiêu đề của đoạn trích hay nhận xét về nghệ thuật lập luận của tác giả…, câu hỏi yêu cầu lý giải “Tại sao cho rằng nước mắt của nhân vật là giọt nước mắt đầy khắt khe với chính bản thân mình?” đã thật sự khiến các thí sinh cảm thấy hứng thú.
Qua câu hỏi “mở” này, thí sinh không chỉ thể hiện tình yêu mến, ngưỡng mộ của mình với kình ngư Ánh Viên bởi thành tích, tin thần thi đấu, mà còn hiểu thêm về ý chí phấn đấu quật cường của vận động viên này. Cô ấy khóc ngay cả khi chiến thắng, chiến thắng để tiếp tục cố gắng…
Ngay khi được đăng tải trên mạng, đề thi đã thu hút sự chú ý của dân mạng và đông đảo sĩ tử chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Bạn Nguyễn Khôi (học sinh lớp 12, Hà Nội) chia sẻ mong muốn trong đề thi chính thức sẽ có câu hỏi nghị luận về Ánh Viên, bởi với Ánh Viên, thì quá nhiều điều để nói!