Hà Nội

Đề tài lịch sử nên chuyển sang phim truyện dã sử

01-09-2010 08:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

Gần như một nét riêng của phim truyện điện ảnh và truyền hình Việt Nam, cứ vào năm chẵn của một sự kiện lịch sử nào, người ta lại làm phim.

Gần như một nét riêng của phim truyện điện ảnh và truyền hình Việt Nam, cứ vào năm chẵn của một sự kiện lịch sử nào, người ta lại làm phim. Ta đã từng có "phim lịch sử" do Nhà nước đặt hàng như Sao tháng Tám, Hà Nội mùa đông năm 46, Sông Hồng reo, rồi mấy bộ phim về Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, về các nhân vật lịch sử có ảnh hưởng trong cách mạng và kháng chiến chống Pháp. Mặc dù các nhà làm phim đã làm phim một cách chu đáo, cẩn thận, nhưng sức sống tự thân của các bộ phim này rất mảnh mai, chúng hoàn thành "vai trò lịch sử" của mình nhưng thiếu khả năng lôi cuốn khán giả.

Những phim làm theo đề tài lịch sử vừa qua phần lớn là lịch sử đương đại. Điều này có những thuận lợi nhất định cho người làm phim trong việc tìm kiếm tư liệu về nhân vật, về hoàn cảnh lịch sử cùng những vấn đề khác không kém phần quan trọng như nếp sống, trang phục, bối cảnh và đối thoại.

Gần đây, nhân Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long lại rộ lên phong trào làm phim lịch sử về sự kiện này, về giai đoạn này.

Không thể phủ nhận nhiệt tình của các nhà biên kịch, đạo diễn, họa sĩ... và cả các diễn viên. Cũng không thể không cảm thông với những khó khăn mà họ gặp phải. Đành rằng họ đã hoặc sẽ nghiên cứu về lịch sử dân tộc, lịch sử thời đại, nhưng có lẽ sách vở và tư liệu thời xưa để lại không nhiều, có những mặt không cụ thể, không chi tiết. Ở nước ngoài, người ta có nhiều tư liệu, nhiều tác phẩm viết về các thế kỷ đã qua, nhiều tranh cổ đại Hy Lạp, tranh về các gia đình hoàng tộc qua các triều đại. Ít ra thì qua đó, hậu thế cũng biết được trang phục của vua chúa thời đó. Hoặc người ta còn dùng kiểu ghế thời Louis XIV, gợi ý về đạo cụ. Ở ta, những người làm phim phải mò mẫm, có lẽ đôi khi vô vọng trong khi tìm kiếm cách biểu đạt một cách thị giác, cụ thể và trực tiếp những thứ tồn tại thực trong quá khứ mà ngày nay chúng ta không có căn cứ.

Phim truyện Lý Công Uẩn - Đường tới Thăng Long.
Cứ cho rằng cả ê-kíp làm phim đã thể hiện được tầm giá trị thực của sự kiện, nhân vật trong lịch sử thì những điều này phải được thể hiện một cách độc đáo và hấp dẫn qua việc xây dựng nhân vật, chi tiết, tình tiết và ngôn ngữ điện ảnh - những yêu cầu khán giả mặc nhiên đặt ra khi thưởng thức tác phẩm nghệ thuật. Để có tính hấp dẫn, người làm phim phải "bịa" (hư cấu). Bịa như thế nào để không ảnh hưởng đến tính chân thực của lịch sử là cả một vấn đề.

Còn rất nhiều cản trở khác để đến với một bộ phim lịch sử, nhất là khi những kịch bản đó thường được sinh ra trong những dịp lễ kỷ niệm mà ít khi là cảm hứng, là tâm huyết sâu nặng ấp ủ qua thời gian của tác giả kịch bản hoặc đạo diễn.

Lịch sử dân tộc Việt Nam rất nhiều sự kiện lừng lẫy, rất nhiều nhân vật kiệt xuất cần phải được đến với người Việt nhiều thế hệ, nhất là với những người Việt ít đọc lịch sử và hơn nữa, giới thiệu cho những người nước ngoài quan tâm đến lịch sử Việt Nam, văn hóa Việt Nam.

Vì thế vẫn nên làm phim đề tài lịch sử nhưng tốt hơn hết là chuyển nó sang hình thức phim dã sử. Phim dã sử vẫn phải bám vào và thể hiện đúng giá trị, tầm cỡ của sự kiện lịch sử cũng như nhân vật lịch sử nhưng nó cho phép người làm phim tìm tòi, hư cấu các chi tiết, tình tiết hay, hấp dẫn để miêu tả sự kiện ấy, nhân vật ấy mà không bị lệ thuộc quá chặt chẽ vào tính khoa học, tính chân thực lịch sử. Ở ta đã có một số nhà sản xuất phim đi theo hướng này và bước đầu đã có những thành công ở quầy vé.

Người làm phim dã sử tất nhiên cũng phải nghiên cứu lịch sử về các sự kiện, các nhân vật, về văn hóa, phong tục đương thời dù rất bị hạn chế. Nhưng bên cạnh đó, họ được phát huy trí tưởng tượng để tìm ra những mẩu chuyện, những chi tiết, những nhân vật vừa tạo điều kiện thể hiện chủ đề vừa làm khán giả hài lòng.

Còn chính sử sẽ thể hiện trong các phim tài liệu từ 10 phút (một cuốn phim nhựa), 20 phút đến 5 tập, 10 tập tùy theo đề tài, chủ định và khả năng của người làm phim. Những phim này không được phép hư cấu mà phải chính xác, khoa học và chân thật lịch sử. Cái gì, điều gì không tìm được hiện vật thì người ta vẫn dùng tranh vẽ hoặc những bối cảnh, đạo cụ để thay thế. Nhiều nhà làm phim tài liệu đã có kinh nghiệm và thành công trong cách xử lý này.

Khán giả đông đảo thích xem phim lịch sử, không phải chỉ phim truyện mà cả phim tài liệu. Họ đánh giá rất cao những bộ phim tài liệu lịch sử có giá trị. Phim tài liệu lịch sử sẽ giải quyết được những vấn đề mà phim dã sử chưa bao quát được.

Như vậy, phim tài liệu lịch sử và phim truyện dã sử sẽ giúp chúng ta nói được về lịch sử dân tộc mà không gặp phải quá nhiều khó khăn, mâu thuân như phim truyện lịch sử.

Nguyễn Thị Nam


Ý kiến của bạn