Không ít vở cải lương về lịch sử được nhiều nhà hát hướng đến bởi chất liệu nhiều và sẵn có, nội dung dễ đi vào lòng người và hơn hết khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước, kiến thức lịch sử với khán giả.
Không khó để nhận thấy, các bộ môn nghệ thuật truyền thống ở nước ta, trong đó có cải lương đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách để tồn tại và phát triển do sự phát triển không ngừng của các chương trình, bộ môn nghệ thuật thời đại mới. Thực tế, sân khấu cải lương những năm qua đã được giới làm nghề tìm nhiều cách để đến gần hơn với công chúng, trong đó nỗ lực, cố gắng đổi mới kịch bản như khai thác đề tài đương đại không tạo được dấu ấn. Trước muôn vàn khó khăn, nhiều nhà hát đã tìm về đề tài lịch sử để có nhiều vở diễn hay, giàu tính nghệ thuật với mong muốn vừa “giữ chân” khán giả, vừa sống và nuôi dưỡng tình yêu với nghề.
Cảnh trong vở cải lương đề tài lịch sử Tướng quân ăn mày vừa đến với khán giả.
Cách đây không lâu, Nhà hát Cải lương Hà Nội công diễn vở cải lương lịch sử Tướng quân ăn mày (tác giả kịch bản Nguyễn Toàn Thắng, NSƯT Triệu Quang Vinh chuyển thể cải lương, NSƯT Triệu Trung Kiên đạo diễn). Xem xong Tướng quân ăn mày, nhiều khán giả đã xúc động, yêu mến vở diễn này bởi cốt truyện, thông điệp nghệ thuật cao. Nhân vật chính trong Tướng quân ăn mày là Phạm Ngũ Thư - cháu ba đời của danh tướng Phạm Ngũ Lão. Khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, ông từ quan sống phiêu bạt. Ít lâu sau, nhà Hồ sụp đổ, quân Minh kéo vào xâm lược. Trước cảnh đất nước lầm than, nhân dân đói khổ, Phạm Ngũ Thư đau đáu không yên, quyết định tham gia cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi. Với tài trí hơn người, Phạm Ngũ Thư được chủ tướng tin cậy.
Phạm Ngũ Thư đã nghĩ ra một kế hay: Tiến hành xây dựng một hệ thống tình báo ngụy trang ăn mày để thu thập tin tức của quân địch. Sau này, khi nghĩa quân Lam Sơn giành thắng lợi, Phạm Ngũ Thư lại chọn từ bỏ mọi hào quang, trở về với đời thường dân một cách nhẹ nhõm. Thành công của vở cải lương này khán giả cảm nhận được chính là việc các nghệ sĩ đã đưa quan điểm và cái nhìn của đương đại vào câu chuyện lịch sử. Tuy rằng nhân vật Phạm Ngũ Thư với nhiều người ít được biết đến, nhưng dù là ăn mày nhưng ông vẫn trở thành anh hùng, đó là một nét đẹp của người Việt Nam. “Trong cái khốn cùng nhất, khi giặc đến, họ (những người ăn mày - PV) cũng đánh giặc và vẫn khiến giặc thảm bại bởi tài trí của mình” - NSƯT Triệu Trung Kiên chia sẻ.
Bên cạnh đó, tại “thánh đường nghệ thuật” - Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội cách đây không lâu, công chúng được thưởng thức vở cải lương đề tài lịch sử cận đại của PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ có tên gọi Hừng đông, các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam biểu diễn. Các đêm diễn vở Hừng đông đều chật kín khán giả bởi đây là vở cải lương về đề tài cách mạng, với hình tượng người chiến sĩ Phan Đăng Lưu - người chiến sĩ Cộng sản, nhà lãnh đạo kiên trung, xuất sắc, mẫu mực, bản lĩnh, có tầm nhìn xa trông rộng. Hừng đông phản ánh giai đoạn lịch sử 1923-1940, từ lúc Phan Đăng Lưu là nhân viên Trại tơ tằm Thanh Ba, Phú Thọ cho đến khi ông trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Đáng chú ý, trong vở cải lương lịch sử này, ngoài việc áp dụng những phương tiện kỹ thuật hiện đại như màn hình led, hệ thống âm thanh, ánh sáng..., vở diễn còn thể hiện tính thử nghiệm khi kết hợp nghệ thuật cải lương với âm nhạc đường phố của thời hiện đại. Chính vì thế, ngoài việc giúp công chúng ôn lại truyền thống vẻ vang, sự phấn đấu, hy sinh to lớn của nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng ưu tú ở một giai đoạn khó khăn, máu lửa của cách mạng Việt Nam thì Hừng đông còn cho khán giả được thưởng thức những bước đột phá, sự kết hợp táo bạo nhưng ăn khớp giữa nghệ thuật truyền thống với hiện đại.
Bên cạnh 2 vở diễn kể trên, thời gian qua, nhiều vở cải lương lịch sử tiêu biểu như Trung thần (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang dàn dựng) kể về Tả quân Lê Văn Duyệt; vở Mai Hắc Đế (Nhà hát Cải lương Việt Nam) tái hiện hình tượng anh hùng Mai Hắc Đế; vở Đào Duy Từ (Câu lạc bộ Cải lương Cao Văn Lầu) tái hiện những biến cố về cuộc đời nhà quân sự, nhà chính trị lỗi lạc, tài ba và nặng lòng yêu nước Đào Duy Từ... đã đem đến cho khán giả những tác phẩm nghệ thuật chất lượng, nhiều giá trị về tinh thần, kiến thức lịch sử.
Thực tế chỉ ra rằng, đối với nhiều bộ môn nghệ thuật như phim ảnh, kịch nói và cả ca nhạc, đề tài lịch sử đang trở thành lựa chọn thứ yếu nhưng cải lương lại đang khẳng định được thế mạnh, giá trị bằng đề tài này. Chính vì thế, nhiều người cho rằng, bằng cách khai thác đề tài lịch sử, diễn xuất nhập vai của nghệ sĩ và không ngừng sáng tạo, kết hợp nhuần nhuyễn nghệ thuật đương đại với truyền thống... thì bộ môn cải lương sẽ ngày một được khán giả quan tâm, đón nhận và phát triển hơn.