Để tai biến mạch máu não không rình rập

17-03-2014 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ tai biến mạch máu não tăng từ 7 - 10 lần ở những người có các yếu tố nguy cơ cao hoặc có phối hợp 2 - 3 yếu tố nguy cơ, do vậy, khâu then chốt để dự phòng tai biến mạch máu não là thanh toán hoặc hạn chế tới mức thấp nhất tác hại của các yếu tố nguy cơ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ tai biến mạch máu não tăng từ 7 - 10 lần ở những người có các yếu tố nguy cơ cao hoặc có phối hợp 2 - 3 yếu tố nguy cơ, do vậy, khâu then chốt để dự phòng tai biến mạch máu não là thanh toán hoặc hạn chế tới mức thấp nhất tác hại của các yếu tố nguy cơ.

Các yếu tố nguy cơ gây tai biến

Có rất nhiều các yếu tố nguy cơ, trong đó có yếu tố thay đổi được, có yếu tố không thể thay đổi và có khi không thể xác định.

Yếu tố nguy cơ có thể can thiệp thay đổi được: tăng huyết áp, thiếu máu não cục bộ thoáng qua, uống nhiều rượu, hút thuốc lá, rung nhĩ và các bệnh lý tim mạch khác, hẹp động mạch cảnh không triệu chứng, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, đái tháo đường, chế độ vận động, chế độ ăn, béo phì... Ở nhóm này, yếu tố nguy cơ hàng đầu là tăng huyết áp. Huyết áp tăng cao không được kiểm soát thường xuyên đồng nghĩa với việc các mạch máu trong não luôn phải chịu một áp lực cao và nguy cơ bị vỡ luôn có thể xảy ra, đặc biệt là ở người cao tuổi khi hệ thống động mạch đã ít nhiều bị xơ vữa.

Thiếu máu cục bộ não thoáng qua là loại tai biến mạch máu não (TBMMN) xảy ra và hồi phục hoàn toàn trong vòng 24 giờ. Thiếu máu cục bộ não thoáng qua là một dấu hiệu cảnh báo hết sức quan trọng. Nó chứng tỏ mạch máu nuôi não của bệnh nhân chắc chắn đã có “vấn đề” và việc xảy ra một TBMMN thực sự là hoàn toàn có thể. Hút thuốc lá là nguy cơ hàng đầu của xơ vữa động mạch do khói thuốc làm “tổn thương” các sợi cơ trơn cấu tạo nên thành mạch máu, cho nên thành mạch dễ bị hẹp, tắc (gây nhũn não) hoặc vỡ ra (khi có tăng huyết áp) gây xuất huyết não.

Tập thể dục đều đặn để phòng tai biến mạch máu não.

Rượu được coi là một yếu tố nguy cơ của TBMMN khi bệnh nhân uống quá nhiều so với mức cho phép. Uống nhiều rượu góp phần làm tăng huyết áp, xơ gan, suy tim, loạn nhịp tim, nhiễm độc hệ thần kinh và làm tăng triglycerid trong máu.

Tắc mạch não do cục máu đông di chuyển lên từ tim chiếm một tỷ lệ đáng kể ở các bệnh nhân TBMMN. Huyết khối trong tim hình thành do nhĩ trái giãn to và loạn nhịp hoàn toàn (rung nhĩ) trong bệnh hẹp hai lá và một số các bệnh lý tim mạch khác. Khi cục huyết khối bị bong ra khỏi thành tâm nhĩ, nó sẽ xuống tâm thất trái qua van hai lá và sau đó được đẩy lên não qua hệ thống động mạch cảnh. Cục máu đông này sẽ gây tắc mạch (nhũn não) ở đằng sau khu vực cấp máu của một động mạch não mà nó bị kẹt lại gây tắc.

Hẹp động mạch không triệu chứng là một nguy cơ hết sức lớn đối với TBMMN do động mạch bị hẹp cứ tiến triển âm thầm, lượng máu lên não giảm sẽ được bù bằng các mạng lưới mạch máu nối thông nhau. Khi đột ngột bị tắc hoàn toàn, triệu chứng TBMMN sẽ xảy ra.

Rối loạn mỡ máu xảy ra khi lượng cholesterol toàn phần và triglycerid tăng cao quá mức trong máu. Tuy nhiên, việc giảm các lipoprotein có trọng lượng phân tử cao (loại mỡ máu có lợi) và tăng các lipoprotein có trọng lượng phân tử thấp là loại có hại do dễ lắng đọng vào thành mạch gây xơ vữa mới là nguy cơ chính. Người ta thấy rằng, hiện tượng xơ vữa động mạch sẽ làm tăng nguy cơ xuất huyết não ở bệnh nhân có tăng huyết áp lên từ 5 - 7 lần so với chỉ có tăng huyết áp đơn thuần.

Đái tháo đường luôn kèm với rối loạn chuyển hóa mỡ và là một yếu tố nguy cơ của xơ vữa mạch máu, làm tăng tổn thương các vi mạch nhỏ. Khi lớp nội mạc lòng mạch bị tổn thương sẽ làm tăng nguy cơ kết tập tiểu cầu và hình thành huyết khối gây tắc mạch.

Ở người ít vận động, luôn có nguy cơ dư thừa trọng lượng cơ thể do tăng lượng mỡ dự trữ cũng như tăng hiện tượng đề kháng insulin nên dễ có tăng đường huyết. Tương tự như vậy đối với người không tuân thủ một chế độ ăn hợp lý và ở người béo phì. Ở các đối tượng này, nguy cơ TBMMN xảy ra là rất lớn và việc điều trị cũng khó khăn hơn ở những đối tượng khác.

Yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được: tuổi, giới, thời tiết, chủng tộc, di truyền, sinh nhẹ cân... Đây là các yếu tố nguy cơ bất định, ví dụ như tần suất mắc TBMMN thì tăng theo tuổi, ở nam cao hơn ở nữ, có liên quan đến sự thay đổi thời tiết và tỷ lệ này ở một số chủng tộc cũng có sự khác nhau.

Yếu tố nguy cơ chưa xác định rõ: hội chứng chuyển hóa, lạm dụng thuốc, dùng thuốc tránh thai, đau đầu migrain, tăng homocystein máu. Mặc dù vậy, càng ngày người ta càng thấy có sự liên quan chặt chẽ của các yếu tố này với TBMMN.

Phòng ngừa thế nào?

Nhìn chung, có thể dự phòng TBMMN tương đối có kết quả thông qua việc loại bỏ các yếu tố nguy cơ. Thứ nhất là điều trị tốt các bệnh lý nguy hiểm như tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu, các bệnh lý tim mạch... Thứ hai là tạo một lối sống khỏe mạnh bao gồm tăng cường vận động, giảm cân, bỏ rượu và thuốc lá, tránh các stress về tâm lý. Thứ ba là phải có một chế độ ăn đủ dinh dưỡng và “khỏe mạnh”, hợp lý bao gồm “ít đường, ít mỡ, ít thịt đỏ, ít muối” và nhiều rau, hoa quả tươi cũng như ăn một tỷ lệ hợp lý mỡ thực vật, thịt trắng và một lượng rượu vang vừa đủ. Người cao tuổi nên chú ý giữ gìn khi thay đổi thời tiết, khi phải đi xa... Có một chế độ tập luyện nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe như chơi các môn thể thao nhẹ, đi bộ, đạp xe, thể dục nhịp điệu, tập yoga...

TS.BS. Vũ Đức Định


Ý kiến của bạn