Có một khoảng thời gian, thơ của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn buồn kinh khủng, đầy mặc cảm và ẩn ức, nhất là những bài thơ tình, những câu thơ không trong trẻo như chuyện tình của Hương thầm. Cũng phải thôi, Hương thầm là mối tình trong sáng của những tâm hồn chưa tì vết, còn những bài sau này là câu chuyện muôn thuở của những trải nghiệm. Đã có lúc chị tự thú nhận: Thơ mình mình đọc câu nào cũng thương. Nhưng với chị bây giờ, thơ tình chỉ là hồi ức mà thôi.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn.
Không phải là bài thơ đầu tiên (chị có thơ in trên báo Văn nghệ từ năm 1965), nhưng Hương thầm là bài thơ đã làm nên tên tuổi chị khi mới là cô gái 26 tuổi. Trẻ trung thế làm sao lời thơ không trong trẻo. Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay/Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm/Bên ấy có người ngày mai ra trận.../Nào ai đã một lần dám nói/Hương bưởi thơm cho lòng bối rối/Anh không dám xin/Cô gái chẳng dám trao/Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao/Không giấu được cứ bay dịu nhẹ/Cô gái như chùm hoa lặng lẽ/Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu. Đọc những tình cảm như vậy, ai cũng nghĩ đích thị là mối tình đầu trong sáng của chị. Mới thấy văn thơ có sức rung động trái tim con người mãnh liệt, nó có thể hóa giải tình riêng thành tình chung và có sức sống lâu bền. Bài thơ viết tặng cho người em ra trận đã khiến chị trở thành một cái tên đáng nhớ trong lịch sử văn học Việt Nam. Cuộc đời một phụ nữ làm thơ như thế là hạnh phúc lắm rồi, đi đến đâu, dù rất xa tận Côn Đảo, Hà Tiên hay Cà Mau... cũng có người nhắc đến, chưa gặp nhau nhưng như đã quen nhau từ lâu.
Có lẽ Hương thầm đã trùm một cái bóng quá lớn, có người bảo nó đã đóng đinh vào sự nghiệp sáng tác của chị, nên những bài thơ sau này cũng có nhiều bài hay, một số bài cũng rất phổ biến và còn được đưa vào sách giáo khoa, nhưng dường như người ta quên nó là của chị. Bài Làm anh học sinh mẫu giáo thuộc làu làu, nhưng người ta cứ bảo là của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Còn bài Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn in trên báo Văn nghệ năm 1976, sau đưa một phần vào sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, tập 2 viết về chị Võ Thị Sáu: Người con gái trẻ măng/Giặc đem ra bãi bắn/Đi giữa hai hàng lính/Vẫn ung dung mỉm cười thì ở chương trình Chơi chữ của Đài truyền hình Hà Nội lại được giới thiệu là của nhà thơ Tố Hữu.
Cái thuở “hương thầm”, chị có một tài sản yên ổn như bất cứ một phụ nữ Việt Nam bình dị nào là chồng và con. Chồng chị là cán bộ nghiên cứu, nhưng lại yêu văn chương. Anh chị đã quen nhau từ lớp bồi dưỡng viết văn ở Quảng Bá. Đọc thơ nhau, làm bạn với nhau rồi yêu nhau. Kỷ niệm ngọt ngào những tháng ngày hạnh phúc bên người chồng nuôi dưỡng tâm hồn chị khiến chị có những lời thơ trong trẻo. Nhưng số phận đã không cho chị cuộc sống bình yên. Hơn 30 năm nay, chị phải một mình nuôi con. Người chồng yêu thương ra đi khi chị còn quá trẻ, một mình vật lộn trong thời bao cấp để nuôi con khôn lớn. Đã có lúc chị thầm mơ: Ước gì gặp lại anh/Dù chỉ trong phút cuối/Để nói một lời thôi/Em đã yêu anh nhất. Tôi bảo, nếu không có nỗi bất hạnh ấy, người đa cảm như chị chắc sẽ có nhiều bài thơ tình hay ca ngợi hạnh phúc? Nhưng chị lại bảo rằng, có khi phải buồn mới có thơ hay, khi vui tôi ít làm thơ lắm.
Phan Thị Thanh Nhàn nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2007.
Không phải đã không có lúc chị muốn tìm một bờ vai để nương tựa, sẻ chia, nhưng việc đi tìm một người đàn ông cho riêng mình thật khó. Với người đàn bà làm thơ, tìm được người đồng cảm và sẻ chia đã khó, huống hồ với chị đã yêu là đam mê và trọn lòng cho tình yêu ấy. Bởi thế mà chị dễ bị thương tổn khi động chạm vào kỷ niệm, biết là không thể mà chị vẫn nhắn gửi với người ấy: Nếu anh đi với người yêu/Chỉ xin anh nhớ một điều nhỏ thôi/Con đường ta đã dạo chơi/Xin đừng đi với một người khác em. Đọc các bài thơ của chị, nhất là những người đàn bà đơn thân luôn tìm thấy sự đồng cảm bởi chị nói hộ những truân chuyên của cuộc đời họ. Tôi nghĩ đó là sự từng trải, chiêm nghiệm trong cuộc đời. Còn chị thì đầy quả quyết: Buồn nhưng không để nó nhấn chìm mình. Cuộc đời này mang đến cho chị bao nỗi đau khổ, có những lúc rất chán, chị đã từng viết: Đôi lúc buồn tôi đã định tự tử. Nói vậy thôi, chị vẫn luôn tìm ra những niềm vui để sống. Bây giờ chị vẫn khỏe mạnh, vẫn túc tắc viết, vẫn chơi thể thao, vẫn đi khiêu vũ - thế là vui rồi. Nghe người ta bảo, chị là người đa tình. Cũng phải thôi, người yêu tha thiết đến vậy, với tấm lòng hồn hậu thì đa tình cũng là lẽ đương nhiên. Đọc những bài thơ sau này, biết chị cũng có những mối tình nặng lòng lắm, nhưng dường như luôn không tìm được nơi nào đó thật sự để sẻ chia nên nhiều câu thơ nhẹ nhàng nhưng có gì đó như hờn giận, trách cứ. Bất ngờ ai bỗng gọi em/Cho tôi bối rối lặng im mỉm cười. Thế mà Anh đã đi cùng cô gái khác/Xinh hơn tôi và trẻ hơn tôi/Cũng đưa đón chiều thương chăm sóc/Y như ngày hai đứa chung đôi/Tôi nghĩ mãi mà không sao hiểu được/Sự thủy chung vô lý của mình/Sao tôi chẳng thể nào yêu nổi/Một chàng trai nào khác ngoài anh. Vô lý ư? Không, phải nói là trọn lòng với tình yêu mới đúng. Và cái nữ tính trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn cũng có những đòi hỏi thật đáng yêu: Nếu anh thật yêu em/Sao anh không tặng hoa/Nếu anh thật yêu em/Sao anh không giúp đỡ/Nếu anh thật yêu em/Sao anh không bỏ vợ. Khi yêu, đàn bà thường nhẹ dạ và chân tình nên hay cầu toàn, có thể chỉ trong một chút khoảnh khắc của cuộc sống thôi mà cũng khó được toại nguyện. Đã có lúc chị phải trăn trở: Hay là yêu một chút/Cho đỡ buồn rồi thôi/Hay cưới xin nghiêm túc/Đỡ đần nhau cuối đời. Thiên chức đàn bà có lúc khiến chị muốn bến đỗ bình yên, nhưng sự nhạy cảm và tinh tế của người phụ nữ làm thơ dường như khiến chị luôn thấu hiểu tận cùng cái thói phong tình của kẻ khác giới. Ngoảnh nhìn lại họ chị đã viết những câu thật hài hước, dí dỏm: Tôi bây giờ chỉ làm bạn với ma thôi/Có kẻ bảo ta là đồ ngu/Coi ta như đứa ở/Có người sàm sỡ như ta là ca ve/Có người khen ta bốc trời như ta là con ngốc/Có thằng nói yêu ta rồi đem gái đến khoe. Chị bảo, nói chung những bài thơ chị làm cho những cuộc tình đều với những tình cảm và suy nghĩ rất đẹp, luôn coi họ như thần tượng của mình.
Ai trong cuộc đời chả có nỗi bất hạnh nào đó. Buồn. Cô đơn cũng là lẽ thường tình. Thôi thì cứ biết bằng lòng với những cái mình có. Hơn những người phụ nữ khác, chị có người bạn lớn là thơ. Những vui buồn, hờn giận, oán trách chị có thể trút vào đấy, ít ra cũng vơi đi nỗi lòng. Có lúc chị từng bảo: Cuộc đời bao nhiêu bất hạnh nhưng tôi thấy vẫn còn nhiều điều đáng yêu. Tình yêu chỉ là một khía cạnh của cuộc đời. Tôi hiểu trong thăm thẳm niềm đau/Tôi vẫn còn yêu đời lắm. Quả thực, cái sự yêu đời sống của chính mình thì chả mấy ai tuổi này theo kịp được chị. Có lẽ đấy cũng là cách nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn nuôi dưỡng tâm hồn của mình.
Khen chị tuổi này mà dáng thon gọn, nhanh nhẹn, chị cười hóm hỉnh: Bí quyết của “bà già” chỉ có thế, cuộc sống vui vẻ sẽ mang đến cho ta nhiều điều bất ngờ. Thỉnh thoảng nhóm nhà thơ, nhà văn nữ với những gương mặt như Nguyễn Thị Hồng Ngát, Trần Thị Trường, Tuyết Nga, Bảo Chân... lại tụ tập mà trụ sở chính thường là nhà chị. Cho dù đã vài ba lần chị di chuyển nhà, nhưng sự xởi lởi của bà chủ nhà, sự chu đáo của bà chị cả và đặc biệt sự tinh nghịch, hồn hậu của “Hương thầm” khiến họ cứ gặp nhau là vui quên về.
Bây giờ hàng ngày chị vẫn viết. Viết với chị là niềm vui để giãi bày, viết những gì mình trăn trở chứ không bao giờ cố có một cái gì để mọi người phải nhớ. Theo chị, cái sự để độc giả nhớ đến không thể chủ quan được, nó phải tự nhiên và chị cũng không bao giờ nghĩ mình nổi tiếng đến mức đời sau phải nhớ. Nhưng ít ra tên chị bây giờ đã là một thương hiệu. Năm 2007, chị đã được tặng Giải thưởng Nhà nước với chùm 3 tác phẩm: Hương thầm, Chân dung người chiến thắng và Nghiêng về anh. Bây giờ, sức khỏe và sự hoạt động của chị giảm đi nhiều vì căn bệnh đau lưng hành hạ bao năm nay. Nhưng tôi biết cuộc đời không đánh gục được người đàn bà làm thơ đầy nghị lực này. Ngoài châm cứu, uống thuốc, vật lý trị liệu, hàng ngày chị vẫn đều đặn tập gym, đi bơi, thỉnh thoảng vẫn đi khiêu vũ và khi cần vẫn bon bon xe máy trên đường. Chị bảo, bây giờ ít làm thơ hơn, nhưng lại ham viết báo, viết chân dung các bạn văn cùng thời. Những năm làm báo đã giúp chị tích cóp được nhiều tư liệu để cách đây 5 năm (năm 2010) chị đã cho ra cuốn Sự cực đoan đáng yêu dày gần 400 trang viết về nhiều người, nhiều chuyện theo thể loại chân dung văn học như một cách nhìn của chị về giới cầm bút. Làm thơ, viết báo đều là sáng tác cả nên chúng hỗ trợ cho nhau rất nhiều và đều khiến chị thích thú, nhưng có lẽ trong sâu thẳm đó là cách để chị quên bệnh tật và sự cô đơn.
Tố Lan