Hà Nội

Để quan họ thôi ngả nón... xin tiền

20-02-2014 13:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Hội Lim xuân Giáp Ngọ 2014 đã qua một tuần với những thông tin phản ánh thật phong phú xung quanh nhiều cái hay nhưng cái dở cũng không ít.

Hội Lim xuân Giáp Ngọ 2014 đã qua một tuần với những thông tin phản ánh thật phong phú xung quanh nhiều cái hay nhưng cái dở cũng không ít. Nào hàng quán xô bồ, trông xe giá cao và lộn xộn, âm thanh loa đài cãi nhau, nào bụi bặm trên đồi Lim... Và không thể thiếu, dù đã quá quen qua các kỳ lễ hội, là cảnh quan họ ngả nón, ngả khay nhận tiền.

Những năm qua, hình thức tổ chức hát quan họ dưới thuyền được đông đảo công chúng hưởng ứng. Hiệu quả đã thấy rõ với việc tận dụng mặt nước và không gian xung quanh tại các ao hồ trên địa bàn diễn ra hội Lim cùng vẻ đẹp tạo hình của những con thuyền thong thả dạo trước mặt công chúng, có những liền anh, liền chị xinh đẹp nhịp nhàng ca hát, gửi những lời thưa ngọt ngào đến người nghe. Hát quan họ trên thuyền tạo nên vẻ đẹp của miền đất quan họ khó trộn lẫn. Tuy nhiên, hình ảnh phản cảm gắn liền với hình thức trình diễn này cũng bị báo chí, dư luận phê phán nhiều. Đó là cảnh “quan họ ngả nón nhận tiền”, gần đây là “chìa khay, giơ tráp... nhận tiền”.

Cảnh vừa hát vừa nhận tiền ở hội Lim 2014 .

Cảnh vừa hát vừa nhận tiền ở hội Lim 2014 .

“Bị” lên báo nhiều, dường như những người hát nghĩ ra cách “đối phó”, têm sẵn trầu cánh phượng đặt trong tráp để khi đưa ra nhận tiền của người nghe sẽ tặng lại một miếng trầu. Còn lãnh đạo địa phương, ban tổ chức hội thì vài năm gần đây đều đưa ra những quy định nghiêm cấm “ngả nón nhận tiền”, nếu vi phạm sẽ có những hình thức xử phạt nhất định. Trả lời báo chí, có những ý kiến cán bộ địa phương thể hiện sự quyết tâm sẽ theo sát, phát hiện đến nơi đến chốn nếu tái diễn sự phản cảm nói trên.

Nhưng khi hội diễn ra, người ta lại thấy, phải chăng lãnh đạo vẫn cứ nói để mà nói vậy? Thậm chí khi có ý kiến báo chí, đâu đó còn có ý kiến của một số vị cán bộ rằng, đâu phải quan họ xin tiền, mà là người nghe họ tặng, họ cho thì phải nhận cho lịch sự chứ! Hoặc là đâu phải ngày nay, mà ngày xưa các cụ nghe hát hay cũng thưởng tiền cơ mà... Như vậy phải chăng là không quản lý được nên viện ra mà nói dựa? Còn với không ít liền anh, liền chị tham gia hát hội, hình như cùng với việc hát, mục tiêu cơ bản còn là làm sao “lách” được những gì mà báo chí phản ánh và địa phương quy định. Cho nên không khó để năm nào cũng vẫn thấy tái diễn những hình ảnh không đẹp: Mặt nước thì rộng rãi, mà thuyền quan họ vẫn cứ mải mê sà vào ven bờ, giơ nón, rồi giơ tráp, giơ khay nhận tiền, mà chủ yếu là tiền lẻ từ những bàn tay trên bờ chìa ra. Cảnh ấy trong hội Lim danh tiếng cứ tái phát thường niên. Chuyện bàn qua nói lại cứ dai dẳng mãi, đến mức xem chừng “dây thần kinh xấu hổ” của không ít người đã đứt phựt từ bao giờ?

Vậy tại sao lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, ngành VH-TT&DL huyện Tiên Du, ban tổ chức lễ hội và cả các liền anh, liền chị thường xuyên đi hát hội không có cuộc ngồi lại, bàn cụ thể làm gì để “cải tiến” tình trạng trên? Làm gì để nói kiên quyết ngăn cấm là ngăn cấm được chứ không chỉ là nói cho đẹp cuộc họp báo? Hay đã ngồi bàn nhưng chưa có “kế sách” nào? Hoặc hình ảnh gây mang tiếng cho quan họ này chỉ là chuyện nhỏ?

Nếu không ngăn cấm được bằng lời phát ra mà thiếu sự giám sát, quản lý chặt chẽ hay như lập luận phổ biến tại các lễ hội là lực lượng quản lý quá mỏng, không phát hiện kịp thời thì nên nghĩ đến những can thiệp cụ thể hơn. Việc này chắc không quá phức tạp. Có thể chăng dây thấp trên mặt ước trong phạm vi hồ nước, ở mức ngang mép thuyền, đảm bảo cho thuyền quan họ không vào quá sát bờ đến một tầm tay với để có thể... nhận tiền. Hoặc mượn những yếu tố trang trí làm đẹp hơn cho sự ngăn giữ này như cắm những hàng cờ hội cỡ nhỏ trên mặt nước cách bờ khoảng 2m, đồng thời yêu cầu thuyền quan họ chỉ đi trong phạm vi chăng dây, cắm cờ này thôi. Thực sự những chiếc thuyền rồng có các liền anh, liền chị áo khăn đằm thắm, nếu “lượn” cách xa bờ một chút thì trông đẹp hơn nhiều việc “lao” vào bờ.

Vậy còn lòng hâm mộ, yêu mến của người nghe? Nên có cách đón nhận phù hợp và lịch thiệp chứ không phải cứ người ta giơ tiền ra là mình chìa khay, nón, tráp ra để rồi hội năm nào cũng vậy, người đứng, ngồi trên bờ, chen chúc giơ tiền, trông lộn xộn và không đẹp chút nào. Các nhóm quan họ nếu trân trọng tình cảm của người nghe, hãy có một người đại diện ngồi trên bờ với chiếc hộp để đón nhận. Ban tổ chức, bộ phận tuyên truyền, kiểm tra trong lễ hội nên sớm thông báo, nhắc nhở thường xuyên để người nghe muốn ủng hộ, muốn thưởng hãy đưa vào chiếc hộp kia chứ đừng lom kha lom khom chìa tiền lẻ ra thế!

Cách làm trên hoặc những sáng kiến khác hay hơn, đẹp hơn hãy cứ kiên trì thực hiện vài năm sẽ dần tác động đến cách ứng xử, cách cho và cách nhận của công chúng, của người hát quan họ để sự trình diễn, thưởng thức được đẹp hơn, văn minh hơn. Những tồn tại khác tại hội Lim cũng cần được bàn cách giải quyết một cách cụ thể, cặn kẽ và hợp lý chứ đừng nên chỉ có những văn bản dài dòng, đao to búa lớn mà một vài hình ảnh phản cảm lại không dẹp bỏ được.    

   Dương Xuân

 


Ý kiến của bạn