Đề phòng viêm tai do bơi

19-04-2018 14:07 | Đời sống
google news

SKĐS - Bơi lội là hình thức rèn luyện sức khỏe được nhiều người ưa thích, từ trẻ nhỏ tới người lớn. Thế nhưng đi bơi có thể gặp những nguy cơ cho sức khỏe nếu ta không biết cách phòng ngừa, trong đó có một bệnh thường gặp là viêm tai.

Viêm tai do bơi lội thường là do nhiễm vi khuẩn như Streptococcus, Staphylococcus hoặc  vi nấm. Viêm tai thường  xảy ra khi tiếp xúc với nước quá mức hoặc để nước ứ đọng trong tai. Bản thân tai người có cơ chế tự bảo vệ khỏi nhiễm khuẩn, nhưng cơ chế này chỉ hoạt động tốt khi chúng được giữ khô ráo. Vi khuẩn, vi nấm dễ dàng tích tụ trong các bể bơi hay các ao hồ nước ngọt. Khi bơi nước có thể vào tai và lưu lại đó, nguy cơ nhiễm khuẩn càng lớn hơn khi ống tai có quá nhiều dáy tai. Trong môi trường ẩm ướt này, các tác nhân gây bệnh có thể phát triển và gây viêm tai. Những người mới tập bơi, nhất là trẻ em có thể bị nước tràn vào mũi họng, lọt vào tai giữa gây nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm vi nấm.

Hình giải phẫu tai.

Hình giải phẫu tai.

Khi tai bị viêm có dấu hiệu gì?

Viêm tai ngoài: Đây là tình trạng viêm lớp da bao phủ ống tai ngoài và là loại viêm tai thường gặp nhất khi đi bơi. Viêm tai ngoài có thể ở dạng viêm tai ngoài khu trú, khi nhiễm khuẩn nang lông trong ống tai hoặc viêm tai ngoài lan tỏa. Bệnh nhân sẽ có cảm giác đau dữ dội trong ống tai, đau tăng khi ấn vào vùng trước tai hoặc kéo vành tai, ngứa tai, đau nhẹ, tai rỉ dịch. Một số trường hợp ống tai sưng nề, đỏ, đau nhiều, ở mức độ nặng có kèm sốt và nổi hạch. Sức nghe có thể bị ảnh hưởng nhẹ khi ống tai bị hẹp do phù nề hoặc bị ứ đọng chất nhầy mủ. Có thể thấy đau và khó khăn khi há miệng. Dạng đặc biệt viêm tai ngoài do virut Herpes zoster còn gọi là zona tai, gây đau rát dữ dội kèm nổi những mụn nước (dạng bỏng) trong ống tai, vành tai, vùng trước và sau tai. Thể nặng bệnh nhân có thể bị liệt mặt, nghe kém tiếp nhận cùng bên và rối loạn thăng bằng.

Viêm tai giữa: Dấu hiệu của viêm tai giữa thường nhanh chóng. Khởi đầu là đau. Ở trẻ em đau nhất là khi kéo tai hoặc nằm xuống khiến chúng khó ngủ hơn bình thường, trẻ nhỏ thì quấy khóc nhiều hơn bình thường, khó nghe hoặc phản ứng với âm thanh, mất cân bằng, nhức đầu, sốt khoảng 380C hoặc cao hơn, có chất lỏng thoát ra từ tai, chán ăn, nôn mửa, tiêu chảy. Ở người lớn có thể thấy đau tai, dịch chảy từ trong tai, giảm thính giác, đau họng.

Điều trị cần sớm và dứt điểm

Nói chung, viêm tai ngoài là bệnh lý thường gặp, điều trị không khó. Điều trị bằng cách rửa tai, dùng thuốc nhỏ tai tại chỗ chứa corticoid, kháng sinh hoặc kháng nấm. Sử dụng kết hợp kháng sinh, thuốc giảm đau, kháng viêm đường uống trong trường hợp viêm cấp nặng. Dạng đặc biệt viêm tai ngoài do virut Herpes zoster cần điều trị sớm bằng thuốc kháng virut (acyclovir) có thể làm giảm diễn tiến nặng của bệnh, giảm khả năng bị liệt mặt và điếc vĩnh viễn.

Viêm tai giữa cấp tính thường nguy hiểm hơn, bệnh diễn biến trong thời gian dưới 3 tuần. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng phương pháp thì bệnh thường dẫn tới biến chứng nguy hiểm như: viêm tai giữa mạn tính, viêm tai xương chũm, viêm màng não, áp-xe não, viêm tắc tĩnh mạch bên, liệt dây VII ngoại vi. Điều trị viêm tai giữa cấp tính tùy theo là viêm tai giữa cấp tính xuất tiết dịch thấm, viêm tai giữa cấp tính sung huyết hay viêm tai giữa cấp tính có mủ. Và tùy theo giai đoạn bệnh, thực trạng của người bệnh có kèm theo viêm họng, rối loạn tiêu hóa...

Phòng ngừa viêm tai khi đi bơi

Để phòng tránh viêm tai khi đi bơi, nên tránh nước tràn vào tai bằng cách dùng nút tai, mũ bơi.  Để tránh cho tai bị ẩm ướt, sau khi bơi làm sạch tai ngoài bằng khăn bông, nghiêng đầu, kéo thùy tai cho nước trong tai (nếu có) chảy ra ngoài. Có thể làm khô ống tai ngoài bằng cách sử dụng luồng hơi nóng từ máy sấy tóc ở cường độ thấp hoặc sấy lạnh (cần giữ khoảng cách giữa máy sấy tóc và đầu trong khoảng 30cm, máy sấy tóc được đặt từ phía sau thổi luồng hơi ra phía trước và thường xuyên di chuyển, không nên giữ yên một chỗ). Không nên ngoáy tai tích cực bằng tăm bông vì dễ gây tổn hại lớp da ống tai, đồng thời ngoáy tai không đúng cách có thể đẩy ráy tai và chất bẩn vào sâu hơn trong tai, tích tụ lại tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển. Cũng không nên ngoáy tai bằng dụng cụ mất vệ sinh, sắc nhọn gây trầy xước ống tai. Tránh nước bể bơi tràn vào mũi, miệng. Vệ sinh miệng, hầu họng, xoang bằng nước muối sinh lý sau khi đi bơi.

Các bệnh lý toàn thân như tiểu đường, vẩy nến, chàm, dị ứng, viêm da tiết bã cũng gây nguy cơ viêm tai ngoài hoặc gây biến chứng nặng hơn khi xảy ra viêm tai. Vì thế nên điều trị tích cực các bệnh này. Với một số người, các chất như xịt tóc hoặc thuốc nhuộm tóc có thể gây kích ứng tai, làm tăng nguy cơ viêm tai. Để ngăn chặn điều này, trước đó nhẹ nhàng đặt nút bông vào tai, nhưng không đẩy chúng sâu trong tai.


BS. Vũ Nam
Ý kiến của bạn