Đề phòng viêm mũi, xoang dị ứng khi thời tiết thất thường

02-08-2022 14:18 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS- Viêm mũi, xoang là bệnh hô hấp phổ biến, bệnh liên quan mật thiết với thời tiết, nhất là ở những miền nhiệt đới nóng ẩm như nước ta. Hiện thời tiết mưa nắng thất thường cũng là điều kiện cho bệnh tiến triển. Viêm mũi xoang dị ứng không nguy hiểm nhưng gây nhiều phiền phức cho sức khỏe người bệnh.

1. Xoang là gì?

Mặt và sọ gồm có nhiều xương lắp ghép với nhau. Để khối mặt và sọ giảm bớt trọng lượng, trong quá trình tiến hoá đã hình thành nên những khoảng trống gọi là xoang trong lòng các xương. Các xoang này có kích thước khác nhau và đều có lỗ thông vào mũi để chất dịch tiết từ xoang có thể thoát ra ngoài. Xoang có tác dụng làm ấm, làm ẩm và lọc không khí từ ngoài vào.

Ở người trưởng thành sẽ có năm đôi xoang và chia làm hai nhóm: 

-Nhóm xoang trước (xoang sàng trước, xoang trán, xoang hàm) thông với mũi qua các lỗ phía trước

-Nhóm xoang sau (có xoang sàng sau, xoang bướm) thông với mũi qua các lỗ ở phía sau trên.

2. Thế nào là viêm mũi, xoang dị ứng?

Thời tiết chuyển mùa bệnh viêm mũi, xoang dị ứng dễ tái phát - Ảnh 2.

Viêm mũi dị ứng và viêm xoang dị ứng tuy là hai cơ quan khác nhau, hai bệnh lý khác nhau nhưng lại có liên quan mật thiết với nhau.

Khi bị viêm mũi dị ứng, các khe vách mũi bị hẹp lại, sưng nề gây những viêm nhiễm niêm mạc mũi, lâu ngày sẽ làm niêm mạc xoang bị viêm. Tuy nhiên, người có tiền sử dị ứng khi bị viêm mũi, xoang sẽ có các triệu chứng nặng hơn người chỉ có bệnh viêm mũi dị ứng.

3. Nguyên nhân gây viêm mũi, xoang dị ứng

Các yếu tố liên quan có thể gây viêm mũi, xoang dị ứng như:

-Người có cơ địa dị ứng như bị mề đay, hen suyễn, tổ đỉa, chàm…

-Môi trường sống có nhiều bụi, lông chó mèo, nấm...  

-Bị dị ứng theo mùa: cụ thể dị ứng với phấn hoa, cây cỏ,

-Do thời tiết thay đổi như: gió mùa, ẩm ướt, áp thấp, khô hanh...

-Do liên quan đến nghề nghiệp, liên quan đến hoá chất...

-Do liên quan đến một số thức ăn, thực phẩm dễ gây dị ứng như: tôm, cua, nhộng…

- Ngoài ra còn do yếu tố di truyền, hoặc do dị dạng bẩm sinh hốc mũi, xoang.

-Do vi khuẩn, vi nấm gây viêm nhiễm mũi xoang, đường hô hấp.

4. Triệu chứng của viêm mũi xoang dị ứng

- Hắt xì, chảy mũi, nghẹt mũi: Đây là triệu chứng đầu tiên. Nếu viêm mũi dị ứng kéo dài (mạn tính), làm niêm mạc hốc mũi, niêm mạc trong các xoang bị phù nề, sẽ càng làm cho bệnh viêm mũi xoang dị ứng thêm trầm trọng.

- Hắt hơi: Đây là triệu chứng điển hình của bệnh viêm mũi, xoang dị ứng. Các cơn hắt hơi đến đột ngột, liên tục và kéo dài nhiều phút. Hắt hơi thường xuyên tái phát trong các đợt dị ứng và thường xảy ra vào sáng sớm.

-Ngứa mũi: Thường xuất hiện sớm ở cả một hoặc hai mũi. Nhiều khi người bệnh sẽ bị ngứa cả mũi, mắt, họng, thậm chí ngứa mắt làm phù nề thâm quầng mắt.

-Tắc nghẹt mũi: Do sự phù nề của niêm mạc và do chảy nhiều nước mũi gây khó chịu bức bối cho người bệnh, nhiều bệnh nhân bị nghẹt mũi hoàn toàn cả hai bên làm người bệnh phải thở bằng miệng và có cảm giác  bị ngạt thở.

Thời tiết chuyển mùa bệnh viêm mũi, xoang dị ứng dễ tái phát - Ảnh 3.

Hắt hơi, ngạt mũi là biểu hiện điển hình của viêm mũi xoang dị ứng

-Đau đầu, đau họng và rối loạn giấc ngủ làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ người bệnh.

5. Biến chứng của viêm mũi, xoang dị ứng

Bệnh viêm mũi, xoang dị ứng nếu không điều trị đúng và kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng như:

-Viêm xoang cấp và mạn tính: Do ứ đọng dịch tiết tạo thành các ổ viêm làm tắc các lỗ thông xoang  tạo điều kiện vi khuẩn xâm nhập gây viêm họng, viêm thanh quản, tai giữa.

-Mất ngủ, khó ngủ gây mệt mỏi, ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động của người bệnh.

-Niêm mạc hốc mũi, xoang bị phù nề thoái hóa dạng polype, vẹo vách ngăn, quá phát cuốn mũi.... 

-Ngứa mắt, đỏ mắt và chảy nước có thể gây xước giác mạc, ảnh hưởng đến thị giác của người bệnh và gây quầng mắt.

6. Đề phòng viêm mũi xoang dị ứng

Đây là căn bệnh mạn tính và rất hay tái phát nhất là khi thời tiết chuyển mùa và nắng mưa thất thường. Vì vậy, khi có triệu chứng viêm mũi xoang dị ứng cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa khám và điều trị  sớm. Tuyệt đối không nên tự mua thuốc để điều trị. Ngoài ra cần:

- Tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng: khói bụi, nấm mốc,  phấn hoa, hóa chất…

- Khi thời tiết thay đổi cần đề phòng viêm đường hô hấp.

- Vệ sinh mũi, họng thường xuyên, tránh làm tổn thương niêm mạc mũi.

- Ăn uống khoa học, tránh các thức ăn có thể gây dị ứng.

- Không uống các chất kích thích và tránh xa khói thuốc lá.

- Thể dục thường xuyên thể để nâng cao sức đề kháng cơ thể, giảm béo phì.

Viêm xoang và viêm mũi dị ứng: Những dấu hiệu cần phân biệtViêm xoang và viêm mũi dị ứng: Những dấu hiệu cần phân biệt

SKĐS - Có biểu hiện khá giống nhau nên nhiều người dễ nhầm lẫn giữa viêm xoang và viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ bởi 2 bệnh này có cách phòng và điều trị khác nhau.

Mời các bạn xem video nhiều người quan tâm:

Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng


TS.Bùi Mai Hương
Ý kiến của bạn