Đề phòng viêm khớp phản ứng “ghé thăm”

20-07-2018 10:16 | Đời sống
google news

SKĐS - Viêm khớp phản ứng là bệnh có biểu hiện đặc trưng bởi tình trạng viêm khớp vô khuẩn xuất hiện ngay sau tình trạng nhiễm khuẩn (thường là nhiễm khuẩn đường tiết niệu - sinh dục hoặc đường tiêu hóa như viêm đường ruột mạn tính, viêm loét đại tràng... Đây là hậu quả của quá trình đáp ứng quá mẫn của hệ miễn dịch đối với tình trạng nhiễm khuẩn. Tình trạng viêm khớp thường xảy ra sau nhiễm khuẩn một vài tuần hoặc một vài tháng. Nếu không được điều trị, bệnh sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

Những ai dễ mắc bệnh viêm khớp phản ứng?

Bệnh có thể gặp ở cả 2 giới nhưng nam giới mắc bệnh nhiều hơn, lứa tuổi mắc bệnh từ 20-50 tuổi. Bệnh thường gặp trên cơ địa bệnh nhân mang kháng nguyên HLA-B27, đây không phải là nguyên nhân gây bệnh nhưng là 1 yếu tố thúc đẩy mắc bệnh. Viêm khớp phản ứng cũng thuộc nhóm bệnh lý cột sống huyết thanh âm tính, nhóm này bao gồm các bệnh viêm khớp phản ứng, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vẩy nến, viêm đại trực tràng chảy máu...

Biểu hiện của viêm khớp phản ứng.

Biểu hiện của viêm khớp phản ứng.

Yếu tố gen – Nguyên nhân căn bản trong cơ chế bệnh sinh

Một vài loại vi khuẩn được cho là nguyên nhân gây ra viêm khớp phản ứng, nhất là các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn đường tiết  niệu sinh dục hoặc đường tiêu hóa: Salmonelle, Shigella, Yersinia, Campylobacter, Borrelia, chlamydia trachomatis. Một vài virut cũng được cho là nguyên nhân của viêm khớp phản ứng như: Rubella, virut viêm gan, Parvovirus, HIV... nhưng hiếm hơn.

Yếu tố gen đóng vai trò trong cơ chế bệnh sinh của bệnh viêm khớp phản ứng. Có đến 65% - 80% bệnh nhân viêm khớp phản ứng có kháng nguyên HLA- B27

Tuy nhiên có khoảng 20% các trường hợp viêm khớp phản ứng không tìm thấy nguyên nhân.

Triệu chứng và những thương tổn khi mắc bệnh

Biểu hiện toàn thân: mệt mỏi, sốt nhẹ, khó chịu, chán ăn, có thể gầy sút

Biểu hiện ở hệ cơ xương khớp: Viêm một khớp hoặc vài khớp, không đối xứng, thường gặp các khớp ở chi dưới như: khớp gối, khớp cổ chân và ngón chân, có thể có biểu hiện ngón chân hình khúc dồi. Ngoài ra có thể gặp ở các khớp ở cột sống, khớp cùng chậu, khớp vai, khớp khuỷu... Viêm điểm bám tận của gân cơ, viêm bao gân, nhất là gân gót và mắt cá chân

Thương tổn da và niêm mạc: Các tổn thương viêm niêm mạc miệng, lưỡi, viêm bao quy đầu, viêm bàng quang - niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt

Thương tổn mắt: có thể có đỏ mắt, sợ ánh sáng, đau hốc mắt. Viêm kết mạc, viêm màng bồ đào trước, viêm giác mạc hoặc thậm chí loét giác mạc

Bệnh nhân có tiền sử viêm nhiễm đường tiết niệu - sinh dục hoặc đường tiêu hóa trong vòng 01 tháng trước khi có biểu hiện viêm khớp phản ứng. Tuy nhiên có khoảng 10% các trường hợp viêm nhiễm nhẹ, bệnh nhân dễ bỏ qua (hay gặp ở nữ.).

Sau mổ cần tập luyện để phòng ngừa teo cơ, dính khớp.

Sau mổ cần tập luyện để phòng ngừa teo cơ, dính khớp.

Điều trị thế nào?

Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa thì tập vật lý trị liệu sớm là biện pháp quan trọng ngăn ngừa các biến chứng teo cơ, cứng khớp

Điều trị các tổn thương ngoài khớp: các tổn thương da tăng sừng: các chế phẩm có corticosteroid và/hoặc acid salicylic dùng đường tại chỗ

Tiên lượng của bệnh viêm khớp phản ứng nói chung là tốt, đa số trường hợp viêm khớp thuyên giảm sau vài tuần, hoặc vài tháng. Một tỷ lệ nhỏ BN bị tái phát thành nhiều đợt, viêm tiết niệu -  sinh dục, viêm đường tiêu hóa cũng có thể tái diễn. Ở bệnh nhân có HLA-B27 ( ) thì tỉ lệ  tái phát và tiến triến thành mạn tính thường cao hơn. Có khoảng 15-30% tiến triển mạn tính thành viêm cột sống dính khớp.

Quan trọng là phòng ngừa

Việc vệ sinh phòng ngừa rất quan trọng, chế độ ăn uống vệ sinh tránh những nhiễm khuẩn đường ruột, tránh nhiễm khuẩn hệ tiết niệu, sinh dục. Nâng cao sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập luyện khớp sau giai đoạn đau viêm khớp để tránh teo cơ, dính khớp.


PGS.TS. Nguyễn Mai Hồng
Ý kiến của bạn