Để phòng thoái hóa khớp hiệu quả

06-09-2017 13:36 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Thoái hóa khớp (THK) là bệnh gặp chủ yếu ở lứa tuổi từ trung niên trở lên. Bệnh không những ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, lao động, học tập, công việc hàng ngày mà còn có thể gây tàn phế. Vì vậy, phòng ngừa THK là rất cần thiết.

Nguyên nhân THK

Một số giả thuyết cho rằng do lão hóa ở độ tuổi từ trung niên trở lên, các cơ quan trong cơ thể dần dần bị lão hóa, trong đó có hệ thống xương, khớp. Bởi vì khi ở tuổi trưởng thành, các tế bào sụn không có khả năng sinh sản và tái tạo, các tế bào sụn cũng dần dần giảm chức năng tổng hợp colagen và mucopolysacarit. Vì vậy, chất lượng sụn kém dần, nhất là tính đàn hồi, kém chịu lực và các khớp xương cũng bị thoái hóa dần. Bên cạnh đó, các yếu tố về lực tác động lên mặt khớp và đĩa đệm cũng làm ảnh hưởng xấu đến thoái hóa khớp như dị dạng bẩm sinh, chấn thương, loạn sản, khối u, béo phì làm ảnh hưởng đến mối tương quan, hình thái của khớp. Ngoài ra, THK có thể do rối loạn chuyển hóa (bệnh gút, đái tháo đường), tiền mãn kinh và mãn kinh (phụ nữ), loãng xương cũng ảnh hưởng xấu đến THK.

Triệu chứng của THK

Đau là dấu hiệu bao giờ cũng có. Đau rõ nhất là khi làm việc gắng sức, vận động nhiều, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi và đau sẽ giảm khi nghỉ ngơi, không vận động. Thường đau âm ỉ, đối xứng hai bên và đau khu trú ở khớp hay đoạn cột sống bị thoái hóa ít lan xa, trừ khi có chèn ép vào rễ dây thần kinh. Có thể có cơn đau cấp sau khi vận động ở tư thế bất lợi. Đau nhiều về buổi chiều, giảm đau về đêm và sáng sớm. Đau có thể từng đợt, có khi đau liên tục và tăng dần. Đặc biệt của đau do THK là đau không kèm theo các biểu hiện viêm. Càng ngày cơn đau sẽ tăng dần lên nếu không có sự can thiệp gì. Sau triệu chứng đau là hiện tượng hạn chế vận động gần như bao giờ cũng gặp ở người bệnh THK, điển hình nhất của hạn chế vận động là khi cúi xuống hoặc quay nghiêng sang bên trái, nghiêng sang bên phải rất khó khăn. Nếu có chèn ép dây thần kinh thì cúi xuống rất khó khăn, đau lưng và đau dọc theo chân (đùi, cẳng chân, bàn chân). Bệnh nhân có thể không làm được một số động tác như không quay được cổ, không cúi được sát đất.

Để chẩn đoán THK cần chụp Xquang, trên phim chụp sẽ có biểu hiện hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn và mọc gai xương. Nếu có điều kiện, nên đo mật độ xương, chụp cộng hưởng từ (MRI).Để phòng thoái hoá khớp, nguyên tắc cơ bản là tự tập luyện. Ảnh: TM

Để phòng thoái hoá khớp, nguyên tắc cơ bản là tự tập luyện. Ảnh: TM

Hậu quả của THK

Nếu thoái hóa cột sống lưng, thắt lưng, có thể bị biến dạng như cong, vẹo. Thoái hóa cột sống thắt lưng có thể gây đau dây thần kinh toạ do chèn ép thần kinh (nhất là hiện tượng mọc gai xương) gây đau, teo cơ, thậm chí tàn phế. Nếu bị thoái hóa khớp gối, đứng lên, ngồi xuống, đi lại sẽ khó khăn, chân có thể bị cong. Có thể có những đợt khớp gối bị sưng to, lặp đi lặp lại nhiều lần càng gây đau đớn và vận động rất khó khăn. Những trường hợp THK gối nhưng không có viêm màng khớp gối, thông thường khi đi mới thấy đau, ngồi không đau. Cơn đau xuất hiện nặng nhất khi chuyển từ ngồi hay nằm sang đứng dậy để đi. Nặng hơn nữa, tự bệnh nhân thấy mình thấp đi vì hai chân bị cong vẹo vào trong (hơn 95% bệnh nhân bị gối vẹo vào trong), đi lại khó khăn và không ngồi xổm được.

Việc nên làm để phòng THK hiệu quả

Khi thấy đau khớp, cần đi khám bệnh để được xác định chắc chắn và có hướng điều trị sớm.

Để phòng THK, nguyên tắc cơ bản là tự luyện tập, chăm sóc, bảo vệ và duy trì chức năng vận động của khớp, tránh quá tải khớp (béo phì, mang vác nặng), tránh ngồi xổm, ngồi bó gối, hạn chế đi lên xuống cầu thang nhiều lần trong ngày hoặc đứng lâu. Các biện pháp xoa bóp, châm cứu, nhiệt, kích thích các đầu mút thần kinh bằng điện hoặc tập yoga, đi bộ, đạp xe... cũng có thể thực hiện khi khớp không đau hoặc đã hết đợt đau khớp. Nếu đã THK, khi đau nhiều, nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động nặng và nên xoa bóp, thoa một số loại dầu làm giảm đau như dầu gió hoặc kem bôi Deefhead, voltaren, felden, coltilam, profenid… hoặc uống thuốc giảm đau paracetamol, efferalgan… đồng thời cần có sự hỗ trợ về tinh thần, động viên, khuyến khích của gia đình, người thân nhằm làm giảm bớt đau đớn, buồn chán, bi quan. Người bệnh cần có ý thức cố gắng vượt lên để hạn chế diễn biến xấu của bệnh.

Theo thống kê, THK có khoảng 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên 65 và 85% người trên tuổi 80 có nguy cơ mắc bệnh. Khoảng 2/3 số bệnh nhân là phụ nữ. Sau tuổi 45, tỉ lệ nữ giới mắc bệnh cao hơn nam giới (gấp khoảng 1,5 - 2 lần). THK có thể tấn công phụ nữ trẻ sau thời kỳ mang thai và sinh nở, gây các cơn đau đớn ở khớp.

TS.BS. Đặng Bùi Phương Linh
Ý kiến của bạn