Thoái hóa khớp là kết quả của các biến cố cơ học và sinh học, làm mất ổn định quá trình hủy hoại và tái tạo sụn khớp và xương dưới sụn. Có nhiều yếu tố nguy cơ gây thoái hóa khớp, bao gồm di truyền, yếu tố phát triển, rối loạn chuyển hóa và chấn thương. Do vậy việc tìm hiểu các yếu tố nguy cơ rất quan trọng trong kế hoạch vạch ra chiến lược phòng ngừa.
Các yếu tố nguy cơ gây thoái hóa khớp
Đầu tiên là các yếu tố tuổi và giới, di truyền, cơ địa và nội tiết. Tuổi càng cao thì nguy cơ thoái khớp càng lớn. Bệnh cũng có khả năng di truyền. Có tồn tại sự di truyền thông qua gen lặn. Như vậy con cháu trong gia đình của những người bị thoái hóa khớp sớm và nặng dễ bị thoái hóa khớp hơn các gia đình bình thường khác.
Thoái hoá khớp nếu không được chữa trị sớm dễ gây nhiều di chứng, thậm chí tàn phế.
Sự bất thường hình dáng, trục khớp cũng là nguyên nhân gây thoái hóa khớp sớm. Các dị tật cấu trúc, bẩm sinh hay mắc phải như chân vòng kiềng (do còi xương), chân chữ bát, bệnh khớp sau chấn thương, viêm, u... thường góp phần gây thoái khớp gối do một phần nhỏ diện khớp lại phải hứng lực hầu hết tải trọng lên khớp.
Một điều quan trọng là yếu tố béo phì, làm tăng tải trọng lên các khớp cột sống và chi dưới, gây nên thoái hóa khớp sớm ở các vị trí này. Có tới hơn 90% nữ giới thoái hóa khớp gối bị béo phì.
Yếu tố cơ giới rất quan trọng, thúc đẩy thoái hóa khớp do tăng lực nén trên một đơn vị diện tích mặt khớp làm cho khớp rơi vào tình trạng phải hoạt động quá tải. Đó là các chấn thương, thường hay gặp trong các hoạt động thể thao, tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Người có chấn thương khớp gối mạnh có nguy cơ thoái khớp gấp 5 lần so với người không bị chấn thương.
Một điều cần nhấn mạnh là hoạt động nghề nghiệp không đứng theo các quy tắc vệ sinh lao động cũng chính là yếu tố gây thoái hóa khớp. Các công việc cần phải quỳ gối hay ngồi xổm kéo dài, hay nghề nghiệp đòi hỏi phải mang tải trọng nặng thường hay gây thoái khớp gối. Người ta đánh giá rằng có tới 15-30% trường hợp thoái hóa khớp gối là do hoạt động nghề nghiệp.
Một điều thú vị là giày cao gót lại có thể là thủ phạm gây nên thoái hóa khớp sớm. Giày cao gót là một phương tiện khiến các cô gái đạt được nhanh chóng chiều cao mơ ước, nó còn góp phần nhấn mạnh các đường cong của cơ thể, giúp lấy lại được sự duyên dáng, sự gợi cảm và sự tự tin. Tuy nhiên, khi đi giày cao gót làm lệch trọng tâm, chân đế bị thu nhỏ làm cho cơ thể phải “uốn lượn” như khi làm xiếc đi trên dây, gây căng thẳng cho các gân cơ và dây chằng. Do vậy sau khi đi giày cao gót một thời gian, phụ nữ hay bị đau bàn chân, cổ chân, khớp gối, đau háng, và đau cột sống thắt lưng. Một số nghiên cứu chứng tỏ rằng khi đi giày gót cao trên 5 cm và đế nhọn, tỷ lệ xuất hiện thoái hóa khớp cao hơn 20% so với người đi bộ không mang giày. Phụ nữ đi giày cao gót và đế nhọn có tỷ lệ thoái hóa khớp gấp đôi so với nam giới.
Các biện pháp dự phòng
Việc dự phòng thoái hóa khớp cần phải bắt đầu ngay từ những năm tháng đầu đời, nhằm xây dựng một khung xương khỏe mạnh, cứng cáp, đúng tư thế. Cần phải bảo đảm chế độ dinh dưỡng, giàu canxi và vitamin D cho trẻ để phòng tránh còi xương. Các bậc phụ huynh cũng không nên sốt ruột, bắt trẻ em phải đi, chạy sớm hay mang vác, lao động nặng. Các giáo viên cũng cố gắng phân bố các môn học hợp lý, tránh để học sinh phải mang vác cặp xách quá nặng. Các thầy cô cũng cần phải uốn nắn tư thế ngồi đúng cho học sinh, chứ không phải chỉ tập trung vào giảng dạy kiến thức. Bàn ghế, ánh sáng ở các lớp học cũng phải theo đúng tiêu chuẩn. Tránh tính trạng học sinh cúi gập người trên bàn, hay vẹo cổ khi viết, làm cho cột sống bị vẹo, dẫn đến thoái hóa khớp sớm. Các nhân viên y tế học đường cũng cần chú ý phát hiện sớm các dị tật của xương, khớp, cột sống của trẻ em, học sinh để chỉnh hình sớm.
Những người béo phì phải cố gắng giảm trọng lượng của mình. Theo nghiên cứu Framingham, phụ nữ giảm 5kg trong 10 năm trước đó thì làm giảm nguy cơ thoái khớp 50%. Để chống béo phì cần có chế độ ăn kiêng hợp lý và tập thể dục thường xuyên.
Trong cuộc sống hàng ngày, cần chống các tư thế xấu trong sinh hoạt, lao động. Ngồi lâu bất động khi học hay sử dụng máy tính liên tục cũng gây ảnh hưởng tiêu cực lên cột sống. Do vậy cần phải được nghỉ ngơi giải lao trong giờ lao động. Tránh các động tác quá mạnh, đột ngột, sai tư thế khi mang vác, đẩy, xách, nâng. Về tập luyện, cần đi bộ hoặc đạp xe đạp tại chỗ. Tránh bất động ảnh hưởng đến tinh thần cũng như chức năng vận động của khớp. Cũng cần tránh quan niệm là phải tập thật nhiều cho khỏi cứng dính khớp, gây quá tải lên khớp và làm nặng thêm bệnh. Ngoài ra có thể áp dụng các biện pháp vật lý trị liệu mát xa, sử dụng nhiệt lượng. Khi bệnh nhân gặp khó khăn khi đi lại có thể dùng các dụng cụ hỗ trợ như can, gậy, khung chống, thanh nẹp.
Tóm lại các nguy cơ chính thoái hóa khớp là tuổi trên 50, nữ giới, có cha mẹ bị thoái hóa khớp, tiền sử chấn thương khớp gối, béo phì, nghề nghiệp đòi hỏi mang vác nặng hay thường xuyên phải ngổi xổm. Để dự phòng thoái hóa khớp cần phải điều chỉnh những yếu tố nguy cơ gây bệnh. Cần có sự phối hợp hoạt động của nhiều cá nhân, cơ quan, như giáo dục, y tế, gia đình, phụ huynh học sinh... Các biện pháp chính bao gồm giáo dục, thay đổi thói quen chưa hợp lý (ăn uống sinh hoạt, lao động) và tạo điều kiện lao động thuận lợi cho mọi người.