Hà Nội

Đề phòng thấp tim khi thời tiết giao mùa

15-11-2017 11:54 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Thấp tim là một bệnh viêm cấp tính có tính chất toàn thân (có liên quan đến miễn dịch) chỉ xảy ra sau một hay nhiều đợt viêm họng do liên cầu.

Ngoài tổn thương tim, bệnh còn gây tổn thương khớp, tổ chức liên kết dưới da, đôi khi thấy tổn thương não. Do vậy, việc phát hiện sớm vô cùng quan trọng.

Dấu hiệu nhận biết

Thấp tim là bệnh lý viêm tự miễn, xuất hiện sau khi nhiễm khuẩn đường họng miệng. Vi khuẩn gây bệnh là liên cầu gây tan huyết nhóm A. Trong vòng 2 - 3 tuần sau nhiễm liên cầu vùng hầu họng, nếu không được điều trị đầy đủ, bệnh có thể tiến triển thành thấp tim.Nội soi mũi họng giúp chẩn đoán sớm nguyên nhân gây thấp tim để có biện pháp phòng ngừa. Ảnh: TM

Nội soi mũi họng giúp chẩn đoán sớm nguyên nhân gây thấp tim để có biện pháp phòng ngừa. Ảnh: TM

Thấp tim cấp có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất ở độ tuổi từ 5 - 15 tuổi, dù bệnh có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ hơn và cả người lớn. Tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ nam và nữ là như nhau. Các biểu hiện hay gặp thường thấy các triệu chứng chính như sau:

Viêm họng: Hay gặp trước đó 1-2 tuần, người bệnh có sốt nhẹ hoặc sốt cao; toàn thân mệt mỏi, ăn uống kém; có thể ho, đau ngực...

Viêm tim: Đây là triệu chứng thường gặp ở trẻ em và thanh niên. Chỉ cần có một hay nhiều hơn trong các dấu hiệu sau đều xác nhận có viêm tim: viêm màng ngoài tim, ít gặp ở người lớn và được chẩn đoán bằng tiếng cọ màng ngoài tim hoặc dấu hiệu tràn dịch màng ngoài tim trên siêu âm; Tim to, được phát hiện bằng các dấu hiệu do thầy thuốc khám thực thể, Xquang hoặc siêu âm; Suy tim ứ trệ, suy tim phải hoặc suy tim trái, trong đó suy tim phải hay gặp ở trẻ em với gan to và đau do hở van ba lá; Tiếng thổi hở van hai lá hoặc hở van động mạch chủ, có hoặc không có viêm van kết hợp.

Viêm khớp: Thường hay gặp ở các khớp lớn như: đầu gối, cổ chân, khuỷu tay, cổ tay... khớp đau di chuyển, hạn chế vận động, sưng nóng đỏ. Viêm khớp của bệnh thấp tim cấp rất đau và thường kéo dài từ 1-5 tuần, sau giảm dần mà không để lại di chứng. Điểm đặc trưng là viêm khớp đáp ứng nhanh chóng với điều trị bằng salicylat hoặc các thuốc không steroid.

Múa vờn: Do tổn thương thần kinh trung ương. Người bệnh có những động tác ở một hoặc hai chi với đặc điểm: biên độ rộng, đột ngột, không có ý thức, tăng lên khi thức và giảm hoặc hết động tác nếu tập trung vào một việc nào đó hoặc khi ngủ. Thường hết múa giật sau 4-6 tuần.

Hồng ban vòng và các hạt dưới da. Các ban dát mọc và lan rộng nhanh chóng có hình tròn hoặc hình lưỡi liềm với vùng tâm sáng hơn. Chúng có thể tăng lên, hợp lại và chỉ có thể thoảng qua hoặc tồn tại lâu dài.

Các hạt dưới da thường ít gặp, trừ ở trẻ em. Chúng nhỏ hơn 2cm đường kính, chắc, không nhạy cảm và gắn vào cân hoặc bao gân trên các xương rắn. Chúng tồn tại vài ngày hoặc vài tuần, hay tái phát và không thể phân biệt được với hạt dạng thấp.Hở van hai lá.

Hở van hai lá.

Về điều trị

Thấp tim có thể gây các biến chứng nặng nề ở não, tim, khớp, da. Ở tim, thấp tim để lại những hậu quả kéo dài như viêm cơ tim, dày dính van tim. Lâu dần sẽ dẫn tới tổn thương van tim, suy tim, rối loạn nhịp tim, đột quỵ, thậm chí tử vong. Vì vậy, bệnh nhân cần được điều trị kịp thời. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị cụ thể như: nghỉ ngơi, sử dụng kháng sinh, chống viêm, điều trị triệu chứng.

Dự phòng tái phát rất quan trọng

Dự phòng tái phát là một mắt xích chính trong việc kiểm soát bệnh. Cần phải có kế hoạch cẩn thận và tiến hành ngay từ giai đoạn cấp của bệnh. Phòng thấp tái phát hay phòng thấp cấp II (cho người bệnh đã được chẩn đoán bị bệnh thấp tim). Hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh thấp tim, do vậy, việc điều trị dự phòng tái phát rất quan trọng.

Thời gian phòng thấp: Nếu thấp tim chưa có biến chứng van tim thì phòng thấp tim tái phát ít nhất là 5 năm và đến năm 18 tuổi. Nếu thấp tim có biến chứng van tim: Phòng thấp tim tái phát kéo dài ít nhất đến năm 45 tuổi.

Sau khi viêm họng khoảng 1-2 tuần, cần lưu ý nếu có các triệu chứng sau:

sưng, nóng, đỏ, đau một hoặc nhiều khớp. Mệt, khó thở, đau ngực, xanh xao, vã mồ hôi, phù, tiểu ít, hồi hộp, tim đập nhanh, tim to, sưng, đập yếu. Tay chân yếu, cầm đồ đạc và cử động trở nên vụng về, dễ đánh rơi và làm vỡ đồ đạc, viết chữ xấu đi, dễ té ngã, có những cử động múa may tự phát không kiềm chế được. Nổi những mảng hồng ban hình tròn ở thân người (gần nách, háng). Nổi những nốt cục dưới da nhỏ như hạt đậu, ở cùi chỏ, đầu gối, dọc cột sống, da đầu. Chảy máu cam, đau bụng, biếng ăn. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ bị suy tim cấp nguy hiểm đến tính mạng và để lại di chứng hở hẹp các van tim dẫn đến suy tim mạn tính.

BS. Minh Phúc
Ý kiến của bạn
Tags: